Nuôi con đặc sản la liệt ở núi đá Ninh Bình, dù thu tiền tỷ nhưng chúng tôi vẫn ách tắc ở chuyện này
Ninh Bình: Nuôi con đặc sản la liệt thời dịch Covid-19, may không bị "chết lâm sàng", nhưng tôi muốn nói điều này
Trịnh Văn Tiến
Thứ hai, ngày 09/08/2021 05:35 AM (GMT+7)
Dịch Covid-19 phức tạp, nhờ nuôi con đặc sản, 6 tháng đầu năm nay HTX của chúng tôi có doanh thu 4 tỷ đồng, trừ chi phí may mà vẫn có lãi. Điều quan trọng là HTX là đã tạo công ăn việc làm cho các thành viên trong bối cảnh dịch Covid-19 đầy khó khăn như hiện nay.
Gắn chăn nuôi con đặc sản với phát triển du lịch nông nghiệp
Tôi là Trịnh Văn Tiến – chủ trang trại nuôi con đặc sản ở xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Trang trại của tôi được xây dựng và phát triển hơn 10 năm nay, trên diện tích 12ha gồm cả mặt nước và diện tích đồi núi.
Hiện, gia đình tôi đang nuôi trên 1.000 con đặc sản các loại bao gồm: đàn hươu 200 con, đàn dê 300 con, đàn cừu 100 con, đàn thỏ 300 con, đàn nai 50 con, đàn ngựa 20 con, đàn gà đồi 200 con.
Từ năm 2016, gia đình tôi và các hộ chăn nuôi con đặc sản ở xã Đông Sơn đã liên kết thành lập HTX và chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Các hộ chăn nuôi con đặc sản trong HTX đều có thu nhập tốt.
Năm 2019, đón đầu xu hướng du lịch Ninh Bình ngày phát triển mạnh, cùng với sản xuất - kinh doanh nông sản đặc sản, chúng tôi còn tận dụng địa hình nơi đây tập trung phát triển du lịch nông thôn.
Để chuyên nghiệp, chúng tôi thành lập HTX Nông sản và du lịch Tam Điệp. Hiện tôi là Chủ tịch HĐQT HTX Nông sản và du lịch Tam Điệp.
Cái hay của HTX Nông sản và du lịch Tam Điệp là đã kéo được các thành viên là các doanh nghiệp cùng tham gia nên hoạt động khá bài bản.
Các thành viên trong HTX chúng tôi đã tự bỏ tiền xây dựng khu nông trại rộng 25 ha, nuôi các con đặc sản như hươu, nai, ngựa, dê núi…
Chúng tôi còn có khu hồ câu cá rộng 3ha và khu nhà lưới trồng rau sạch phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm.
Nói chung với khung cảnh nên thơ, sơn thuỷ hữu tình, khách du lịch đến đây đều khá thích thú. Sau khi tham quan thắng cảnh, trải nghiệm thực tế, khách du lịch được thưởng thức các món đặc sản của HTX.
Có chính sách hỗ trợ vốn cho các HTX
Trong 2 năm 2020-2021, dịch Covid-19 bùng phát, khiến việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trong nước và xuất khẩu bị ảnh hưởng. HTX Nông sản và du lịch Tam Điệp cũng không ngoại lệ, kể cả toàn nuôi con đặc sản.
Tuy nhiên, nếu như năm 2020 còn lúng túng thì năm 2021 trước làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 này chúng tôi đã chủ động tìm cách thích ứng với diễn biến của dịch bệnh để duy trì sản xuất.
Cùng với các chuỗi cửa hàng ở Ninh Bình, HTX còn mở thêm 3 cửa hàng ở TP Hà Nội. HTX chúng tôi đẩy mạnh chuyển sang chế biến sâu và chế biến sẵn các sản phẩm nông sản, đặc biệt là các sản phẩm từ thịt con đặc sản.
HTX chúng tôi cũng chủ động bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, livestream quảng bá và bán sản phẩm thịt con đặc sản trên mạng xã hội...
Nhờ đó hoạt động HTX không bị "chết lâm sàng". Sản phẩm nông sản đặc sản của HTX vẫn được tiêu thụ ổn định. Giá cả nông sản đặc sản có loại lên, có loại xuống. Ví dụ như thịt hươu giá bán còn tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, còn giá thịt dê thì giảm 20%…
6 tháng đầu năm nay, HTX có doanh thu 4 tỷ đồng, trừ chi phí HTX vẫn có lãi, tuy không nhiều. Nhưng cái được của HTX là đã duy trì công ăn việc làm cho các thành viên trong bối cảnh dịch bệnh đầy khó khăn như hiện nay.
Qua câu chuyện của bản thân và HTX do tôi điều hành, tôi thấy, nếu không tham gia chuỗi giá trị, hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ rất dễ "đứt", nhất là trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19 và nhiều địa phương áp dụng giãn cách xã hội.
Hộ nông dân cần biết kiến thức, kỹ năng để chuyên nghiệp hoá ngành, nghề mình đang sản xuất, kinh doanh. Cách tốt nhất là hình thành chuỗi liên kết hợp tác xã, trong đó doanh nghiệp là trung tâm của chuỗi giá trị.
Đối với các HTX đầu tàu, HTX có triển vọng, có kết quả sản xuất kinh doanh tốt, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ vốn để HTX phát triển.
Câu chuyện thật từ HTX chúng tôi, mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh khá hiệu quả và ổn định nhưng chúng tôi vẫn khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.
Nguyên do là phía ngân hàng yêu cầu có tài sản đảm bảo, giấy chứng nhận quyền sử dụng (sổ đỏ); trong khi đất trang trại phần lớn là đất HTX đi thuê thì sao có được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?
Tôi theo dõi, trong các năm qua, Chính phủ đã ban hành các Nghị định 41, Nghị định 55... hỗ trợ cá nhân, hộ gia đình, HTX vay vốn phát triển sản xuất nông nghiệp; phía Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành quy định tháo gỡ vướng mắc, quy chế thế chấp tài sản đảm bảo thông thoáng hơn nhưng vẫn chưa cụ thể, trong đó đặc biệt đối tượng là HTX còn rất khó tiếp cận nguồn vốn...
Bạn đang đọc bài: Ninh Bình: "Nuôi con đặc sản la liệt thời dịch Covid-19, may không bị "chết lâm sàng", nhưng tôi muốn nói điều này" của tác giả Trịnh Văn Tiến-Nông dân Việt Nam xuất sắc, chủ trang trại nuôi con đặc sản ở xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.
Bạn đọc có thể tham gia bằng cách gửi bài viết ý kiến của mình về hộp thư điện tử: hnongdanvietnam@gmail.com , gọi điện tới số 086 993 8874 và 0976 116 924.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.