Phải tăng cường thông tin cho chủ trang trại

Thứ tư, ngày 06/07/2011 08:19 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tiến sĩ Nguyễn Duy Lượng - Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN đã khẳng định như vậy khi trao đổi với NTNN ngày 5.7 về một số vấn đề của kinh tế trang trại hiện nay.
Bình luận 0

Phó Chủ tịch Nguyễn Duy Lượng cho biết, theo số liệu thống kê cả nước hiện có khoảng hơn 130.000 trang trại, chủ yếu là trang trại gia đình, diện tích đất sử dụng trên 900.000ha. Hàng năm, các trang trại tạo khoảng 30.000 việc làm thường xuyên và 6 triệu ngày công lao động thời vụ, đóng góp cho nền kinh tế hơn 12.000 tỷ đồng...

img
Có kiến thức và kỹ năng, việc làm ăn của chủ trang trại sẽ thuận lợi hơn nhiều.

Tuy phát triển nhanh và đóng góp quan trọng cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, nhưng có ý kiến cho rằng, kinh tế trang trại chưa khai thác được hết những tiềm năng vốn có?

- Nhận định như vậy là đúng. Phát triển trang trại từ trước tới nay chủ yếu là tự phát. Theo thống kê, số lượng trang trại tăng thêm bình quân 6%/năm, nhưng phần lớn số trang trại đã có và số trang trại tăng thêm đều ở quy mô nhỏ, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.

img
TS Nguyễn Duy Lượng

Tính chất đó thể hiện qua việc sản phẩm làm ra có hàm lượng khoa học kỹ thuật, công nghệ thấp, năng suất, sản lượng chưa cao, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác còn thấp. Rất ít các chủ trang trại đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp để có thể dễ dàng hơn trong tiếp cận với các chính sách hỗ trợ, khuyến khích... Thực tế, hiện nay, kinh tế trang trại đang gặp một số “lực cản”.

Ông có thể nói rõ hơn về những “lực cản” khiến kinh tế trang trại chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn?

- “Lực cản” lớn nhất hiện nay đối với kinh tế trang trại là chính sách đất đai. Luật Đất đai quy định mức hạn điền đối với hộ nông dân khi giao đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất, cho phép chỉ 2ha cây hàng năm/hộ (các tỉnh phía Bắc), 3ha cây hàng năm/hộ (các tỉnh Nam Bộ). Với diện tích như vậy thì nông dân khó có thể xoay xở để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Có một nghịch lý, cùng trên mảnh đất nông nghiệp, đối với doanh nghiệp, thời gian giao đất là 50, thậm chí 70 năm, nhưng đối với sản xuất nông nghiệp, trong đó có kinh tế trang trại thời gian chỉ là 20 năm. Với thời gian giao đất, thuê, thầu đất như vậy thì khó thuyết phục chủ trang trại cũng như các ngân hàng mạnh dạn “rót” vốn vào đầu tư.

Ngoài ra, tiến độ cấp “sổ đỏ” chậm khiến chủ trang trại rơi vào vòng luẩn quẩn là không sổ đỏ- không vay được vốn - hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp...

Nhìn ở góc độ văn hoá, chủ trang trại khá, giàu không chỉ ở thước đo về hiệu quả sản xuất kinh doanh thông qua tiền bạc, mà còn thể hiện ở sự hiểu biết mang tính trí tuệ...

Để phát triển kinh tế trang trại, bên cạnh tháo gỡ vướng mắc ở chính sách đất đai thì cần có giải pháp nào khác?

- Theo tôi, để phát triển trang trại cần tập trung vào một số việc chủ yếu như sau: Lập quy hoạch và quản lý chặt chẽ quy hoạch tại các vùng có mật độ trang trại, tính sản xuất hàng hoá khá rõ như vùng ĐBSCL, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Hồng... Quản quy hoạch tốt, khoa học sẽ định hướng được cơ cấu cây trồng, vật nuôi tuỳ theo tiềm năng, thế mạnh của từng vùng và nhu cầu khách quan của thị trường.

Tại các vùng có nhiều trang trại tập trung, đã có quy hoạch, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư cho nghiên cứu khoa học, công nghệ về giống cây, con mới; đầu tư cho công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ chế biến nông, lâm, thuỷ sản...

Giải pháp không thể thiếu là Nhà nước có chính sách hỗ trợ các chủ trang trại đi học, khuyến khích các cơ sở có chuyên môn mở lớp đào tạo các chủ trang trại (hiện 95% các chủ trang trại chưa qua đào tạo) về kiến thức quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất. Hội nhập kinh tế nông nghiệp của Việt Nam càng sâu thì việc các chủ trang trại phải được đào tạo, hỗ trợ tiếp cận thông tin, cập nhật thông tin...

Báo Nông Thôn Ngày Nay ngày 6.7 sẽ ra mắt ấn phẩm “Trang Trại Việt”. Ông có cho rằng đây là ấn phẩm cần cho các chủ trang trại trong việc cung cấp thông tin, tạo diễn đàn “sân chơi” cho họ?

- Với tôn chỉ, mục đích, nội dung và cách thức tổ chức thông tin trên “Trang Trại Việt”, tôi tin rằng đây là ấn phẩm mà các chủ trang trại nên có. Trước nay, chủ trang trại, kinh tế trang trại vẫn được tuyên truyền trên nhiều phương tiện truyền thông dưới nhiều hình thức, nhưng rất ít và là rải rác. Nay kinh tế trang trại được “gom” vào một ấn phẩm riêng tất “độ đậm đặc” của thông tin tăng lên rõ rệt.

“Trang Trại Việt” là “diễn đàn”; “sân chơi” quy củ đầu tiên của chủ trang trại. Với ấn phẩm này, các chủ trang trại sẽ có được cái nhìn rộng hơn, xa hơn về kinh tế trang trại, cóp nhặt, học hỏi, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng quản lý, điều hành trang trại, hình thành các liên kết, kết nối trong sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm.

Hơn thế nữa, “Trang Trại Việt” sẽ là diễn đàn để các chủ trang trại bày tỏ những bất cập, vướng mắc, khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đề xuất, kiến nghị với Nhà nước sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các chính sách phát triển trang trại nói riêng và nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung.

Xin cảm ơn Phó Chủ tịch!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem