Phải thay đổi quy trình phân phối nông sản

Thứ hai, ngày 05/03/2012 10:07 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nông sản Việt Nam hiện chủ yếu mới được xuất thô, qua nhiều trung gian mới đến tay người tiêu dùng nên hiệu quả chưa cao. Làm gì để đường đi của các loại nông sản được thông suốt, tạo thành một chuỗi giá trị cao?
Bình luận 0

Trao đổi với NTNN, ông Đỗ Văn Nam - Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) cho biết: Trong những năm qua, nông sản của nước ta chủ yếu xuất thô nên giá trị bao giờ cũng thấp hơn các nước trên thế giới và trong khu vực.

img
Nhiều nông sản có giá cao nhưng nông dân hưởng lợi ít.

Sở dĩ có tình trạng trên là do nông sản của chúng ta chưa được sản xuất tập trung, trên một cánh đồng vẫn còn nhiều chủ sở hữu, canh tác nhiều loại cây trồng khác nhau, dẫn đến việc chăm sóc, thu hái cũng khác nhau, tạo ra các sản phẩm không đồng đều.

Vì thế, dù chúng ta có lượng sản phẩm lớn, nhưng sản phẩm thực sự là hàng hóa thì rất hạn chế. Có thể thấy, con đường đi của nông sản nước ta vẫn còn rất manh mún, không tập trung, sản xuất thế nào thì xuất như vậy, không qua chế biến.

Vậy theo ông, để có sản phẩm hàng hóa đồng đều, hạn chế xuất thô, chúng ta cần thực hiện những giải pháp gì?

- Quan điểm của Bộ NNPTNT là tập trung chỉ đạo, đưa ra những cơ chế chính sách để làm sao hàng hóa nông sản bán ra có giá trị cao nhất thông qua các giải pháp như tạo ra các vùng sản xuất lớn, chẳng hạn mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" hay mô hình nuôi cá tra, cá basa tập trung ở ĐBSCL... Chỉ làm như vậy, chúng ta mới tạo ra được thương hiệu, nâng cao được giá trị hàng hóa.

Mặt khác, trong chuỗi sản xuất từ gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, dịch vụ đến xuất khẩu, chúng ta phải tìm ra các thế mạnh của từng khâu để có cơ chế đầu tư nâng cao giá trị. Ví dụ, như khâu thu hoạch của cà phê, nếu áp dụng theo quy trình thu hái UTZ và có giấy chứng nhận, giá trị sẽ tăng lên 20- 30 USD/tấn. Hay rau, quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap giá trị cũng tăng lên.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải cải tiến, thay đổi đồng bộ quy trình phân phối nông sản theo mô hình "rút ngắn", tạo sự liên kết giữa nhà sản xuất - nhà khoa học - nhà chế biến và người tiêu thụ. Khi chuỗi này đi vào hoạt động, sẽ chấm dứt được tình trạng "được mùa, mất giá", lúc đó chúng ta chỉ còn phải lo khâu quảng bá.

Theo ông Đỗ Văn Nam, một khâu rất quan trọng là chế biến, như cà phê nếu xuất thô chỉ được 2.000 USD/tấn, khi chế biến thành cà phê hòa tan có thể lên tới 6.000 USD/tấn. Các doanh nghiệp họ rất biết điều này, nhưng do vốn đầu tư lớn, lãi suất cao, họ không thực hiện được. Do vậy, Nhà nước cũng cần hỗ trợ khâu này.

Không phải nhà nông không thấy lợi ích của những giải pháp đó, nhưng thực tế là chỉ mỗi nhà nông vào cuộc thì không thể làm được...

- Để làm được những điều đó, Nhà nước phải có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp và thực hiện một cách công bằng giữa người dân và doanh nghiệp. Theo đó, bên nào sai thì phải xử lý bên đó, người dân phá hợp đồng thì người dân phải đền bù, doanh nghiệp làm sai cam kết cũng phải đền bù. Có như vậy thì con đường đi của nông sản mới trơn tru và đạt được giá trị kinh tế cho cả người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Hiện nay, các thông tin về giá cả, thị trường nông, lâm, thủy sản còn nhiều hạn chế, nhà nông chưa tìm được nhiều đầu mối tiêu thụ sản phẩm và thời điểm tiêu thụ có hiệu quả cao. Chúng ta cần tăng cường thông tin cho nông dân qua những kênh nào?

- Bây giờ với sự phát triển của mạng, của báo chí và truyền thông, rất nhiều người dân đã bỏ tiền ra để mua thông tin, có khi người dân còn nắm rõ hơn doanh nghiệp. Có rất nhiều kênh thông tin khác để người dân nắm bắt như qua thông tin của các sở công thương hay các cơ quan truyền thông đại chúng. Báo NTNN theo tôi cũng là một kênh trong tin quan trọng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem