Phận đời khốn khó của hai thí sinh nghèo vào Sài Gòn thi đại học

Nguyễn Lê Thứ ba, ngày 08/07/2014 09:27 AM (GMT+7)
Hai thí sinh đến từ hai vùng quê nghèo khác nhau nhưng cảnh đời khốn khó và sự cố gắng vươn lên để học giỏi của hai bạn thật đáng khâm phục.
Bình luận 0

Tại căn nhà miễn phí cho thí sinh đại học của bà Nguyễn Thị Huệ (271, Bưng Ông Thoàn, phường Phú Hữu, quận 9, TP HCM), nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi nghe câu chuyện của hai thí sinh nghèo. Một là Lê Công Tùng (SN 1996, quê Tĩnh Gia, Thanh Hóa) mang theo đậu phộng, cá khô và chà bông để đi thi. Một là Từ Duy Phong (SN 1996, quê Đức Huệ, Long An), cậu bé mồ côi được bà nội nuôi từ 1 tháng 1 ngày tuổi đến nay.

Mang theo đồ ăn vì sợ không đủ tiền

Từ nhỏ, Tùng chưa ra khỏi cái huyện nghèo, thế nhưng để tiết kiệm chi phí, em phải một mình bắt xe từ Thanh Hóa vào Sài Gòn để thi đại học. Tại bến xe Miền Đông, khi nghe được hoàn cảnh khốn khó của Tùng, tình nguyện viên đã đưa em đến nhà cô Huệ, vừa gần điểm thi là Đại học Sư phạm kỹ thuật, vừa được ăn ở miễn phí. Tại đây, với tính cách cởi mở, Tùng nhận được sự thương yêu của cô Huệ. Khi hỏi về hành trang mang theo, Tùng chìa ra một hộp chà bông, một bọc cá khô, một bọc đậu phộng khiến cô Huệ phải rơi nước mắt.

img

Thí sinh Lê Công Tùng cùng cô Huệ chủ nhà.

Trò chuyện với chúng tôi, Tùng cho biết: “Quê em nghèo, ba làm thuê cho một thuyền cá gần bờ, bữa nào được nhiều cũng được có 100 nghìn đồng thôi. Mẹ em nấu rượu và phụ việc nhà. Hơn mấy tháng nay, khi em chuẩn bị đi thi, cả hai tiết kiệm lắm mới được 1 triệu đồng đưa cho em. Trước ngày thi em có bảo mẹ đem theo đồ ăn vào đó ở trọ sẽ nấu ăn cho đỡ tốn tiền”.

Thấy một triệu đồng quá ít ở đất Sài phố, bố Tùng đã vay mượn của chủ thuyền thêm 3 triệu trừ dần vào tiền công cho an tâm. “Lần đầu cầm được tiền triệu, em thấy mừng lắm nhưng thương bố mẹ hơn. Sống ở nhà cô Huệ được 5 ngày rồi, không tốn đồng nào cả. Em còn giữ nguyên 4 triệu đây để về nhà trả nợ. Tiêu hết rồi bố em lại khổ”- Tùng tâm sự.

img

Hành trang của cậu thí sinh nghèo Lê Công Tùng.

Được biết, Tùng còn thi thêm cao đẳng nên phải ở Sài Gòn hơn nửa tháng. Đáng tiếc là địa điểm thi cao đẳng ở tận quận 7, Tùng không còn được ở miễn phí nhà cô Huệ mà phải thuê nhà trọ để ở. Bà Huệ nói: “Tôi đã bảo quản số đồ ăn của nó rồi. Đi qua quận 7 thi nếu không có được nơi ở miễn phí thì số lương thực đó sẽ dùng tới.

Bảy năm cho thí sinh ở, tôi chưa thấy đứa nào gan như nó, đã đi một mình từ Bắc vào, lại còn mang theo cả đồ ăn. Tính nó lại rất hòa đồng nên tôi quý ngay từ đầu”. Bà Huệ cho biết thêm, Tùng có thể ở đây cho đến khi gần vào kỳ thi cao đẳng để đỡ chi phí thuê nhà trọ.

Trong 12 năm phổ thông, Tùng luôn đạt học sinh giỏi. Kỳ thi khối A vừa rồi, Tùng thi vào khoa Quản trị kinh doanh, Đại học SPKT TPHCM. Tùng cho biết mình có thể đạt được 20 điểm trong đợt thi này.

Bà nội nghèo, đan đệm nuôi cháu mang họ mẹ

Kể về câu chuyện mình nuôi đứa cháu nội Từ Duy Phong từ khi còn đỏ hỏn, bà Hà Thị Mành (SN 1945, Long An) chia sẻ: “Mẹ nó theo người đàn ông khác khi vừa sinh con được 1 tháng. Cha nó làm việc quá sức nên bị cụt xương sống. Giờ ngồi cũng khó chứ nói gì làm việc nuôi con. Từ ngày mồ côi đến giờ, một mình tôi bồng ẵm, bú mớm, lớn lên cho đi học. Được cái là nó ngoan, hiền và học giỏi”.

img

Bà Mành cùng cháu đi thi được ăn ở miễn phí..

Thường ngày, bà Mành nhận đồ dùng về đan đệm thuê cho người khác để kiếm tiền. Cứ 4 ngày bà đan được 1 bức với giá 220 ngàn đồng, số tiền này bà cứ bỏ vào một ống heo. Khi nào Phong cần đóng tiền học phí hay dùng đến bà lại moi ra. Con heo đất nhà bà chưa bao giờ được no tiền.

“Khi nộp hồ sơ đại học, hôm đó là hạn cuối, người ta có tiền đóng nhưng nó thì không có. Một cô giáo thương tình đã cho mượn, về nhà nghe kể lại tôi suýt nữa bật khóc vì thương cháu, người ta có cha mẹ lo cho đường hoàng, còn cháu tôi thì...” bà Mành nghẹn lời. Bà cho biết, dành dụm được 900 nghìn đồng để đưa cháu đi thi hai trường đại học. Rất may được ăn nhờ ở đậu miễn phí. Bà lo nhất là nếu đậu đại học, số tiền đan nệm của bà không biết có đủ chi phí học tập hay không.

Bà nói: “Lên đây, gặp người như cô Huệ thiệt là như tôi trúng số độc đắc vậy. Có chỗ ra vào cho hết ngày thi là quá tốt rồi”. Dự tính, 900 nghìn không xài đến này, bà Mành sẽ lại bỏ ống heo chuẩn bị cho ngày nhập học của cháu. Kể về cuộc sống của hai bà cháu, bà Mành cho biết căn nhà lá hiện đã sắp sụp đổ do mưa gió, nhà của bố Phong ngay sát bên cạnh cũng không khá hơn mấy, khi được những người dân gần cho tôn cũ về lợp nên mưa là dột khắp nơi.

Dù nghèo khổ nhưng Phong đã vượt lên được số phận, suốt 12 năm đều là học sinh khá giỏi. Trong năm 12, Phong đạt giải 3 môn toán cấp tỉnh. Hiện tại em đang thi vào trường Đại học SPKT và Đại học Nông lâm TP HCM. Trong đợt 1, em cho biết mình thi rất tốt, mỗi môn đều làm có thể đạt số điểm 80%. “Nếu được vào đại học, em sẽ đi làm thêm để phụ bà nội. Trước khi đi thi, nội có gọi cho mẹ em để xin ít tiền nhưng không được, em buồn lắm”, em Phong chia sẻ.

Bà Mành cho biết đã lấy họ Từ, là họ của mẹ để nhắc nhở Phong không được quên đi tình mẫu tử. “Dù mẹ có bỏ con đi chăng nữa, nhưng mẫu tử là nghĩa tận không được quên đi công ơn sinh thành ra mình. Tôi chỉ mong nó học thật tốt, ngày nào tôi còn sống, tôi sẽ lo cho nó đến nơi đến chốn không phải cúi đầu trước chúng bạn”, bà Mành nói.

Trong ngôi nhà của bà Huệ, tất cả thí sinh đều được ăn ở miễn phí. Điều đặc biệt, bà rất tâm đắt với những thí sinh nghèo học giỏi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem