1. Thời vụ trồng, mật độ:
a) Thời vụ:
+ Miền Bắc: Vụ đông xuân là vụ chính - trồng từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, thu hoạch sau 10 - 12 tháng tuổi. Vụ thu - trồng từ tháng 8 đến tháng 9, thu hoạch sau 13 - 15 tháng tuổi, khoảng tháng 10 năm sau.
+ Miền Trung: Vụ đông xuân - trồng tháng 12 đến tháng 3 năm sau, có thể kéo dài tới tháng 4 - 5 nơi có tưới nước. Vụ thu - trồng tháng 8, 9.
+ Miền Đông Nam Bộ: Vụ đầu mùa mưa - Vụ I trồng từ 15.4 - 15.6, tốt nhất đến 30.5, thu hoạch sau 10 - 12 tháng tuổi. Vụ cuối mùa mưa - Vụ II trồng từ 15.10 - 30.11, thu hoạch sau 13 - 14 tháng tuổi. Năng suất cao hơn vụ I khoảng 25 - 30%.
+ Miền Tây Nam Bộ: Vụ đầu mùa mưa - Vụ I trồng tháng 4 đến tháng 6, thu hoạch sau 10 - 12 tháng tuổi trên vùng đất lên liếp. Vụ cuối mùa mưa - Vụ II trồng tháng 11, 12 thu hoạch sau 8 - 10 tháng tuổi trên vùng đất bị ngập lũ.
Trồng mía đúng cách, nông dân Sơn La thu lãi trung bình 70 – 80 triệu đồng/ha. Ảnh: X.T
b) Mật độ, cách trồng:
- Tuỳ điều kiện đất đai và loại giống mía để bố trí mật độ, lượng hom giống cần từ 35.000 - 40.000 hom/ha (mỗi hom có 3 mắt), tương đương 8 - 10 tấn giống/ha.
Tùy việc canh tác thủ công hoặc bằng máy để bố trí khoảng cách hàng đơn từ 0,8 – 1,2m (canh tác thủ công), hoặc hàng kép từ 1,2 – 1,8m x 0,6 – 0,4m (canh tác bằng máy).
- Cách trồng: Đặt hom theo rãnh hàng đơn (cách nhau 1m) hoặc hàng kép (1,4m), phủ kín đất 3 - 5cm (vụ trồng phụ) hoặc 7 - 10cm (vụ trồng chính). Đất khô cần nén chặt cho hom tiếp xúc với đất. Trong vụ trồng chính nếu có điều kiện nên tưới ẩm sau khi trồng và sử dụng màng phủ nông nghiệp giữ ẩm và hạn chế cỏ dại cho mía.
c) Đất trồng: Thích hợp với nhiều loại đất. Yêu cầu tối thiểu là có tầng dày, độ thoáng, pH 4 - 9. Đất trồng mía tốt là có nguồn gốc núi lửa hoặc phù sa mới, đất thịt, thịt pha cát, kết cấu tơi xốp, giữ nước tốt, tầng dày 0,7 - 0,8m, mực nước ngầm ở độ sâu 1,5 - 2m, pH 6 - 8, đất giàu chất hữu cơ, không có muối độc, không thiếu vi lượng, địa hình bằng phẳng, độ dốc tối đa 7 - 15%.
d) Cơ cấu cây trồng:
Đất tốt, thâm canh cao: Chu kỳ luân canh 9 năm: 8 năm mía (1 tơ 3 gốc + 1 tơ 3 gốc) + 1 năm luân canh; chu kỳ luân canh 7 năm: 6 năm mía (1 tơ 2 gốc + 1 tơ 2 gốc) + 1 năm luân canh.
Đất kém phì nhiêu, ít thâm canh: Chu kỳ 5 năm: 4 năm mía (1 tơ 3 gốc) + 1 năm luân canh; chu kỳ 4 năm: 3 năm mía (1 tơ 2 gốc) + 1 năm luân canh; chu kỳ 3 năm: 2 năm mía (1 tơ 1 gốc ) + 1 năm luân canh.
2. Tưới tiêu nước:
a) Tưới nước:
- Chỉ tiến hành tưới nước bổ sung cho mía vào các giai đoạn khô hạn kéo dài, đặc biệt là giai đoạn mọc mầm, đẻ nhánh và bắt đầu vươn lóng. Dừng tưới cho cây mía trước khi thu hoạch 1 tháng.
- Phương pháp tưới: Tùy theo điều kiện, có thể áp dụng các phương pháp tưới nước cho mía phổ biến như tưới thấm, tưới nhỏ giọt, tưới phun và tưới tràn theo rãnh mía.
- Lượng tưới: 40-50mm/lần tưới, tương ứng với 400 - 500 m3/ha/lần tưới. Tưới 1 - 2 lần/tháng.
b) Tiêu nước: Mía cần nhiều nước nhưng chịu úng rất kém, đặc biệt là thời kỳ cây con và thời kỳ vươn lóng. Để tránh bị úng, ruộng trồng mía phải bằng phẳng, thiết kế hệ thống tiêu nước ngay sau khi trồng, xung quanh ruộng cần có rãnh, mương đấu nối với hệ thống thoát nước để tránh bị đọng nước sau khi mưa to. Không nên để mía bị ngập úng quá 1 tuần.
3. Chăm sóc mía thủ công hoặc bằng cơ giới:
- Những nơi có diện tích lớn, tập trung, ruộng bằng phẳng, có điều kiện cơ giới có thể dùng máy kéo liên hợp với máy xới như: Máy xới răng nhọn, máy xới cánh én, máy xới kiểu đĩa,... để diệt cỏ giữa 2 hàng mía, đảm bảo cho đất tơi, xốp, thoáng khí, giúp mía sinh trưởng tốt.
- Xới vun cho mía: Lần 1: Khi mía kết thúc mọc mầm (sau trồng hoặc sau thu hoạch vụ trước 30-40 ngày).Lần 2: Khi mía kết thúc đẻ nhánh (sau trồng hoặc sau thu hoạch vụ trước 60-80 ngày).
Chỉ dùng máy xới khi đất đủ ẩm, xới giữa 2 hàng mía cách gốc mía khoảng 20cm. Lưu ý nếu trồng hàng kép cần tăng cường làm cỏ giữa 2 hàng kép.
Bà con nông dân trồng mía cần tiến hành làm cỏ sớm, đặc biệt là ở giai đoạn mía dưới 4 tháng tuổi, phải đảm bảo ruộng mía luôn sạch cỏ dại. Ảnh minh hoạ: I.T
4. Phòng trừ cỏ dại:
Cần tiến hành làm cỏ sớm, đặc biệt là ở giai đoạn mía dưới 4 tháng tuổi, phải đảm bảo ruộng mía luôn sạch cỏ dại.
a) Biện pháp thủ công: Dùng cuốc, tay hoặc trâu, bò cày xới giữa hàng để diệt cỏ trong hàng mía.
b) Biện pháp hóa học:
+ Ngay sau khi trồng: Nếu đất có nguồn cỏ nhiều có thể phun một trong các loại thuốc tiền nảy mầm như: Gesapax 500FW (3-4 lít/ha), Ansaron 80WP (2-3 kg/ha), Mizin 80WP (3-6 kg/ha) hoặc Dual Gold 906EC (0,5-0,6 lít/ha), tiến hành phun phủ toàn bộ ruộng, trong phạm vi từ 2-5 ngày sau khi trồng. Chú ý khi phun thuốc đất phải đủ ẩm.
+ Giai đoạn 30-40 ngày sau trồng: Có thể sử dụng thuốc Gesapax 500FW (3 -4 lít/ha), phun vào giữa các hàng mía (tránh phun vào ngọn, lá mía).
+ Giai đoạn 2-4 tháng sau khi trồng: Nếu thấy cỏ xuất hiện nhiều do làm cỏ không kịp hoặc do trước đó không trừ cỏ, có thể sử dụng thuốc trừ cỏ tiếp xúc Gramoxone 20SL, liều dùng từ 2-2,5 lít/ha (trừ cỏ lớn), trộn với 2-2,5 lít thuốc Gesapax 500FW hoặc 2-2,5kg thuốc Ansaron 80 WP (trừ cỏ non và hạn chế cỏ mọc trở lại) phun vào giữa các hàng mía, tránh phun lên mía.
5. Phòng trừ một số loài sâu bệnh hại:
a) Sâu đục thân:
- Dùng thuốc Basudin 10G hoặc Diaphos 10H với liều dùng 20-30kg/ha hoặc Padan 4G với liều dùng 30kg/ha rải vào rãnh mía trước khi đặt hom hoặc rải vào sát gốc mía trước khi vun.
- Cắt bỏ cây mầm bị sâu và làm sạch cỏ.
- Khi có điều kiện thì thả ong mắt đỏ từ tháng thứ 3-8 sau trồng hoặc thu hoạch, định kỳ 15 ngày thả 1 lần với liều lượng thả là 50.000 ong/ha/lần.
b) Rệp bông trắng:
- Làm sạch cỏ, bóc và cắt lá già cho ruộng mía thông thoáng.
- Khi thấy rệp xuất hiện, cần tổ chức diệt trừ dứt điểm không để lây lan bằng thuốc Trebon 10EC hoặc Supracide 40EC, pha nồng độ 0,1-0,15%, mỗi ha sử dụng từ 1-1,5 lít thuốc, phun ướt đẫm đều khắp mặt lá, phun thật kỹ, tập trung những nơi có ổ rệp.
c) Bệnh than:
- Kịp thời nhổ bỏ và tiêu huỷ cây mía bị bệnh.
- Ruộng mía bị bệnh nặng không nên để mía lưu gốc và phải luân canh cây họ đậu từ 1- 2 năm.
d) Bệnh thối ngọn:
- Cắt lá bệnh và tiêu huỷ.
- Dùng thuốc boóc-đô hoặc sun-phát đồng trộn với vôi bột và đất bột theo tỷ lệ 10:40:50, rắc vào ngọn mía.
Chăm sóc, bón phân NPK-S Lâm Thao cho cây mía:
Liều lượng bón cho 1 sào Bắc bộ (kg/360 m2) như sau (xem bảng):
Có thể thay phân chuồng bằng cách bón mùn thải của nhà máy đường sau khi xử lý. Bón vôi vùi sâu, trộn đều trong tầng đất canh tác, bón trước khi trồng mía ít nhất 30 ngày.
Các loại phân vi lượng Bo 0,1 - 0,2%, Cu, Zn, Fe phun bổ sung qua lá vào thời kỳ bắt đầu đẻ nhánh và bắt đầu có lóng.
Mía gốc: Lượng phân chuồng, phân đạm, lân và kali sử dụng cho mía gốc tương tự như với mía tơ, lượng phân đạm cần tăng 15 - 20%.
Sau khi thu hoạch trong vòng 1 tuần, cày phá luống, cày xới giữa 2 hàng mía, phơi ải đất 2 - 7 ngày, bón gốc toàn bộ phân chuồng, phân nung chảy Lâm Thao, cày lấp đất. Bón thúc đẻ nhánh khi bắt đầu có lóng với loại phân NPK-S 12.5.10-14.
Các loại phân vi lượng phun bổ sung qua lá vào thời kỳ bắt đầu đẻ nhánh và bắt đầu có lóng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.