Tuy nhiên, trước thực trạng đói giáp hạt nhiều, Bộ sẽ phân tách đối tượng đói để có các giải pháp phù hợp giảm thiểu số hộ đói.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm khẳng định: Hoạt động cứu đói những năm qua đã thể hiện được tinh thần đoàn kết, truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta. Nhìn chung, khi có thiên tai mất mùa, việc trợ cấp gạo rất kịp thời để người dân không bị đứt bữa. Hiện nay, nước ta là một quốc gia đi đầu trong xuất khẩu gạo, vì thế không có lý do gì để Chính phủ do dự trong việc cấp gạo cứu đói cho bà con.
Ông Nguyễn Trọng Đàm - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH
Việt Nam được quốc tế ghi nhận về thành tựu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, vậy nhưng tại sao tỷ lệ hộ đói ở nước ta vẫn cao, thưa ông?- Năm 2013 chúng ta đã cùng lúc đạt được 3 mục tiêu thiên niên kỷ, trong đó có thành tựu về xóa đói giảm nghèo. Về cơ bản hoạt động xóa đói giảm nghèo của chúng ta đang đi đúng hướng, tỷ lệ hộ đói, hộ nghèo đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng một bộ phận không nhỏ người dân tộc, đồng bào thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vẫn còn nghèo, còn đói.
Hộ nghèo đói cần được hỗ trợ đất sản xuất, cây con giống... để tự làm ăn, vươn lên (ảnh minh họa).
Mặt khác, cũng phải thấy rằng về căn bản Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi, tuy nhiên sự phức tạp về địa hình cộng với yếu tố bất lợi về thời tiết dẫn tới hạn hán, dịch bệnh, thiên tai… luôn là những yếu tố tiềm ẩn, có khả năng gây mất mùa, gây đói cho người dân. Bên cạnh đó, trình độ nhận thức của bà con cũng còn nhiều hạn chế, hoạt động sản xuất lạc hậu nên năng suất lao động thấp, không đủ lương thực để ăn. Vì vậy, chuyện ngắt bữa, hay đói giáp hạt của một bộ phận nhỏ người dân cũng là chuyện có thể hiểu được.
Số liệu của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) cho thấy tình trạng số gạo cứu đói có xu hướng ngày càng tăng, ông có đánh giá gì về điều này?- Theo dõi của Bộ LĐTBXH cho thấy, thông thường mỗi năm Chính phủ cũng xuất kho từ 70.000 - 80.000 tấn lương thực nhằm cứu đói cho bà con vì các lý do liên quan tới hạn hán, giáp hạt, mất mùa… Việc cứu đói tăng hay giảm tùy thuộc vào tình trạng thiên tai, hạn hán, đời sống dân sinh của bà con chứ không hẳn chỉ là tăng vì cứu đói giáp hạt. Ví dụ như năm 2013 là một năm chúng ta ghi nhận nhiều cơn bão lụt, rồi hạn hán, sương muối, do vậy địa phương có đề xuất số gạo tăng cao hơn.
Loạt bài của NTNN có phản ánh về nhóm hộ không có đất sản xuất và hộ có đất nhưng làm không hiệu quả nên cần thường xuyên được cứu đói giáp hạt. Vì thế việc cứu đói này là không phù hợp. Ông nhận định thế nào?- Đúng là nếu dân không có ruộng thì làm sao có lương thực, mà đã không có lương thực thì không thể gọi là thiếu đói giáp hạt được mà phải gọi là đói kinh niên, đói triền miên.
Bộ LĐTBXH đã nhìn thấy thực tế nếu cứ cứu đói giáp hạt cho các hộ này là chưa phù hợp. Có thể thấy rằng, trong số hộ đói hiện nay đang có hai nhóm. Nhóm thứ nhất là hộ nghèo, có đất nhưng không đủ điều kiện vươn lên. Đối với nhóm này cần hỗ trợ vốn, cây, con giống để họ bứt phá, vươn lên. Nhóm thứ hai là hoàn toàn không có đất đai sản xuất. Riêng với đối tượng này thì có thể cho họ đi học nghề, tạo kênh hướng nghiệp khác cho họ. Bộ LĐTBXH cũng đã có phiên họp và đồng ý với phương án, thời gian tới việc hỗ trợ cứu đói cần có sự phân tách ra từng đối tượng cụ thể để có hỗ trợ phù hợp. Muốn vậy, chúng ta sẽ phải trao quyền cho địa phương, để địa phương chủ động đề xuất thực hiện.
Có ý kiến cho rằng không thể trao quyền cho địa phương vì họ chưa đủ năng lực để triển khai các giải pháp giảm hộ đói. Ông có cho rằng nếu giao quyền cho địa phương thì mọi việc bị bỏ lửng, và cán bộ chỉ làm mỗi việc là cho hết các hộ vào danh sách cứu đói?
"Để thực hiện thành công công tác xóa đói giảm nghèo bắt buộc chúng ta phải trao quyền cho địa phương, vì chỉ có địa phương mới hiểu dân cần gì và phải làm thế nào để bà con có thể “cắt” được cái đói, thoát được cái nghèo”. Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm
|
- Phải thừa nhận đúng là ở nhiều nơi, đội ngũ cán bộ của chúng ta còn thiếu và yếu. Cán bộ thiếu thì ta bổ sung, cán bộ yếu thì ta phải đào tạo. Không thể vì cán bộ yếu, cán bộ thiếu mà ta không trao quyền cho họ. Để thực hiện thành công công tác xóa đói, giảm nghèo bắt buộc chúng ta phải trao quyền cho địa phương, vì chỉ có địa phương mới hiểu dân cần gì và phải làm thế nào để bà con có thể “cắt” được cái đói, thoát được cái nghèo.
Thời gian qua, hoạt động cấp gạo cứu đói ở một số địa phương bộc lộ nhiều hạn chế, sai phạm như kê khai khống số hộ đói, chia gạo cho cả hộ không đói. Việc xử lý các sai phạm này thế nào, thưa ông? - Đúng là thời gian qua, báo chí và người dân có phát hiện một số vụ sai phạm liên quan tới việc cấp gạo cứu đói. Tuy nhiên, nếu sai số ở mức từ 1 - 2% thì có thể chấp nhận được, nếu sai số cao hơn cần làm rõ.
Riêng đối với những trường hợp cấp không đúng đối tượng, đề xuất xin gạo cao hơn con số thực… bị phát giác, Bộ đã yêu cầu địa phương và các đơn vị có liên quan điều tra làm rõ trách nhiệm. Nếu đúng cần thu hồi gạo, cấp cho đúng đối tượng, đồng thời xử lý nghiêm cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Minh Nguyệt (Minh Nguyệt)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.