Đừng để người dân quen với... đói giáp hạt

Thứ bảy, ngày 15/03/2014 13:51 PM (GMT+7)
“Tháng 3 ngày 8” xưa là khoảng cách giữa vụ nọ với vụ kia, do thiếu thóc gạo ăn nên thành nỗi ám ảnh “đói giáp hạt”. Hiện tại, các vụ nối tiếp nhau nhưng số hộ dân đói giáp hạt hằng năm chưa bao giờ giảm.
Bình luận 0
Tổng số gạo xuất cấp cho các tỉnh hỗ trợ người nghèo ăn Tết, cứu đói giáp hạt, cứu đói do thiên tai. Nguồn: Cực Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH)


Hộ đói nhiều gạo ăn hơn hộ bình thường


Tả Lủng B là một thôn khó khăn thuộc xã Tả Lủng (Mèo Vạc, Hà Giang). Tuy nhiên, tính theo tỷ lệ thì số hộ nghèo đói ở đây không cao. Ông Vừ Mí Chả - Bí thư thôn Tả Lủng B cho biết, toàn thôn có 67 hộ với 346 khẩu, thì có 3 hộ nghèo (tỷ lệ chưa đến 5%) nhưng năm rồi có hơn chục hộ nhận gạo cứu đói.

Chúng tôi vào thăm gia đình ông Mù Mí Sì (người dân tộc Mông) có 6 khẩu gồm 2 vợ chồng với 4 đứa con. Ông Sì cho biết năm nào cũng được Nhà nước cấp gạo. Từ đầu năm 2014 tới giờ, nhà ông Sì được nhận gạo cứu đói dịp tết (15kg/khẩu/tháng là 90kg), sắp tới sẽ nhận gạo cứu đói giáp hạt (1 tháng, 90kg). Ngoài ra, nhà Sì còn được nhận gạo hỗ trợ cho con đi học (15kg gạo/em/9 tháng, tương đương hơn 4 tạ gạo). Tính ra nếu được nhận đầy đủ thì cả năm 2014 gia đình ông Sì nhận tổng cộng 5,8 tạ gạo. Nhìn sổ cấp gạo năm 2013, phóng viên NTNN được biết gia đình ông Sì cũng nhận gần 3 tạ gạo.

Về sản xuất, gia đình ông Sì có đến 5 mảnh rẫy (gần 1ha) nhưng ông cho biết chỉ thu hoạch được khoảng 4 tạ bắp. Gạo nhận thì nhiều, ngô cũng có nhưng đói vẫn hoàn đói. Hiện cả nhà chỉ còn 50 kg gạo cất trong xó nhà. Khi chúng tôi đến, gia đình ông Sì vẫn kêu thiếu ăn. “Năm nào cũng đói. Có gạo Chính phủ cứu đói thì ăn, không có đi vay. Đói nhiều thành… quen rồi mà” - ông Sì cười.

Số hộ dân đói giáp hạt chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa (ảnh chụp tại xã Nậm Sài, Sapa, Lào Cai). Ảnh: Đàm Duy
Số hộ dân đói giáp hạt chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa (ảnh chụp tại xã Nậm Sài, Sapa, Lào Cai). Ảnh: Đàm Duy

Với số liệu ông Sì cung cấp, phóng viên NTNN không thể không đặt câu hỏi: 6 người, trong đó có 4 đứa trẻ ăn làm sao hết được 5,8 tạ gạo và 4 tạ ngô/năm, bà Lương Thị Sơn – Trưởng phòng LĐTBXH huyện Mèo Vạc bày tỏ: “Bà con ở đây chỉ ăn gạo, ăn ngô, không có thức ăn. Hơn nữa, họ làm việc nặng nhọc nên ăn nhiều”.

Những hộ nhận gạo cứu đói khác của thôn Tả Lủng cũng tương tự. Vào những tháng giáp hạt, số gạo mà gia đình ông Sì nhận được nhiều hơn cả số ngô, gạo thu hoạch của những hộ cày cuốc chăm chỉ. Vì thế, khi hỏi về mở rộng sản xuất, ông Sì chỉ cười lắc đầu.

Số liệu thống kê của riêng huyện Mèo Vạc trong 3 năm cho thấy, lượng gạo xin cứu đói là khá lớn: Năm 2011 huyện xin cấp 130 tấn, năm 2012 gần 194 tấn, năm 2013 là 138 tấn. Năm 2014, huyện chưa có số liệu chính thức về số gạo xin cứu đói.

Gạo cứu đói thành gạo cho người... lười

Tại Cao Bằng, số lượng gạo cứu đói cũng không ngừng tăng. Năm 2012, tỉnh Cao Bằng được cấp 1.200 tấn, năm 2013 là 2.017 tấn. Theo chân đoàn công tác huyện Bảo Lâm vào xã Quảng Lâm đi rà soát hộ đói giáp hạt mới thấy nhiều hộ đói, nhưng cũng không ít hộ... không làm gì, chỉ chờ cấp gạo. Ông Lục Văn Vinh – Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lâm cho biết: “Toàn xã có tới 426 hộ nghèo (hơn 47%). Đợt giáp hạt này, có hàng trăm hộ được cấp gạo cứu đói”.

Bữa cơm gia đình ông Triệu Hồng Sơn chỉ có cơm với rau.
Bữa cơm gia đình ông Triệu Hồng Sơn chỉ có cơm với rau. Ảnh: Minh Nguyệt.

"Bản này năm nào Nhà nước cũng phải cứu đói. Đành rằng cũng ít đất sản xuất thật, kinh nghiệm làm ăn cũng thấp thật nhưng vẫn có nhiều hộ không biết ăn tiêu, tiết kiệm, không biết sử dụng vốn hiệu quả nên bao đời nay cứ nghèo cứ đói thôi”.
Anh Vì Văn Hôm - Chi hội trưởng nông dân bản Tà Ẻn, xã Phiêng Khoài (Yên Châu, Sơn La)

Phóng viên NTNN tới thăm gia đình ông Triệu Hồng Sơn (thị trấn Bảo Lâm, Cao Bằng), hộ đói do thiếu đất sản xuất. Thời gian qua, gia đình ông được hỗ trợ gạo cứu đói giáp tết và giáp hạt. Bà Nguyễn Thị Hương – cán bộ Phòng Lao động huyện Bảo Lâm cho biết: “Thực tế, ở huyện có rất nhiều trường hợp như gia đình ông Sơn vì người dân không có đất canh tác, thuộc diện đói quanh năm nhưng không có chính sách hỗ trợ riêng nên đành xếp vào đói giáp hạt”.

Thế nhưng, dù có gạo cứu đói, dù trẻ em đi học có gạo, nhưng khi hỏi cậu con trai út của ông Sơn là Triệu Văn Tiến (11 tuổi) thì cậu bé cho biết chỉ được ăn 1 bữa chính vào buổi trưa, còn chiều thì ăn khoai hoặc không ăn gì. Hỏi ra mới biết, ông Sơn có mấy đứa con bị… nghiện, nên gạo cứu đói và gạo hỗ trợ trẻ em đi học bị chuyển sang nuôi “mấy anh nghiện”.

Huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) vừa hoàn thành việc phân bổ hơn 220 tấn gạo cứu đói giáp hạt năm 2014 cho hơn 14.700 khẩu. Anh Bạc Cầm Bình, trưởng bản Nang Cầu, xã Chiềng Khoang vừa đi xác nhận cấp gạo cho bà con về. Anh thật thà nói: “Trước đây, đói nghèo thì bảo tại đẻ nhiều con, thất học, không biết làm ăn… Nay đẻ ít con rồi, học cũng nhiều nhưng vẫn đói. Đợt này, bản có 14 hộ nhận gạo”.

Tuy nhiên, khi hỏi vì sao ở đây bà con có đất sản xuất, có cây cao su mà vẫn đói, anh Bình thừa nhận là “một số hộ lười làm ăn nên đói. Vì đói được cứu trợ nên càng lười”.
Minh Nguyệt - Kiều Thiện (Minh Nguyệt - Kiều Thiện)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem