Pháp đặt điều kiện giao tàu chiến, EU trừng phạt ngành dầu khí Nga

Thứ sáu, ngày 05/09/2014 08:07 AM (GMT+7)
Pháp tuyên bố sẽ chuyển giao tàu chiến lớp Mistral cho Moscow nếu có thỏa thuận ngừng bắn lâu dài ở Ukraine còn EU chuẩn bị áp đặt lệnh cấm các tập đoàn dầu khí Nga huy động vốn từ thị trường tài chính - tiền tệ châu Âu.
Bình luận 0

Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 4,9 nói rằng nước này có thể xúc tiến việc chuyển giao tàu chiến lớp Mistral cho Nga vào tháng 11 tới với điều kiện phải có một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài và các điều kiện chính trị ở Ukraine được đảm bảo.

Phát biểu với các phóng viên bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Newport, xứ Wales, nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh: “Có thể tiến hành chuyển giao vào tháng 11 tới nhưng phải kèm theo các điều kiện… đó là một lệnh ngừng bắn và một thỏa thuận chính trị”.

Trong một diễn biến liên quan, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cùng ngày cho rằng NATO đang lợi dụng cuộc xung đột ở Ukraine để chuyển sự chú ý của công chúng khỏi tình trạng kinh tế đang xấu đi ở châu Âu.

Phát biểu trên mạng xã hội Twitter, ông Rogozin nhấn mạnh: “Tôi tin rằng NATO rất vui mừng khi các sự kiện hiện nay ở Ukraine dẫn tới căng thẳng mới trong quan hệ với Nga”.

 

img

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố việc ngừng chuyển giao tàu Mistral sẽ không làm tổn hại tới các kế hoạch hiện đại hóa quân đội nước này. (Ảnh: jeffhead.com)



Cũng theo ông Rogozin, Washington đang lợi dụng sự căng thẳng này để thuyết phục các đồng minh châu Âu mua thêm vũ khí do Mỹ sản xuất, củng cố hơn nữa sự tồn tại của NATO và làm suy yếu Liên minh châu Âu (EU) bằng cách cắt đứt mối quan hệ kinh tế của EU với Nga. 

 

Hiện Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị áp đặt lệnh cấm các tập đoàn dầu khí của Nga huy động vốn từ thị trường tài chính - tiền tệ châu Âu. Đây được coi là biện pháp "mạnh tay" nhất trong thời gian qua nhằm siết chặt lệnh trừng phạt của EU đối với Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.

Lệnh cấm này chỉ áp dụng đối với các tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước với trị giá tài sản từ 1.000 tỷ rouble (tương đương 27 tỷ USD) trở lên. Khi được ban hành, nó có thể gây nhiều khó khăn cho các tập đoàn năng lượng lớn của Nga như Rosneft.

Trong khi đó, các công ty công nghiệp quốc phòng Nga cũng không nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của lệnh cấm dự kiến được thông qua vào ngày 5.9 này.

Trả lời báo chí bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO đang diễn ra ở Newport (Anh), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) José Manuel Barroso nói: "Chúng tôi muốn chứng tỏ với Nga rằng cách hành xử của họ là không thể chấp nhận và họ nên tôn trọng luật pháp quốc tế."

EU cũng sẽ cấm các công ty năng lượng châu Âu như Technip của Pháp và Saipem của Italy tham gia những dự án hợp tác khoan thăm dò ở vùng nước sâu và khai thác khí đá phiến ở Nga.

(Theo Vietnam+)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem