Nghe có vẻ nặng nề, nhưng cái chuyện thực phẩm bẩn, không nặng nề không được. Có nơi đâu trên trái đất này, mỗi miếng ăn người Việt Nam đưa vào miệng đều kèm thêm gia vị lo âu đắng chát. Chuyện lòng tin chẳng là chuyện đâu đâu, vì chẳng biết nỗi hoang mang nào bằng nỗi hoang mang phải ăn mà sống mỗi ngày.
Thế nên, mấy hôm nay cái tin mà ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành, thanh tra Bộ NNPTNT cho biết người báo tin về thực phẩm bẩn, nếu có giá trị sẽ được xem xét thưởng nóng từ 1 triệu đến 50 triệu đồng cũng làm một số người mừng. Thêm tai mắt cho lực lượng thanh tra là tốt quá chứ sao.
Nhưng mừng vài hôm, thì cũng vài mối băn khoăn nảy sinh, nói chung người ta cho rằng được thưởng 50 triệu thì khó lắm. Lực lượng chức năng đầy ra đấy còn chẳng phát hiện được vụ việc lớn nữa là người dân. Người dân có thể báo đến những nhiều thông tin đại loại như phát hiện có heo chết không được đem đi tiêu hủy như quy định mà đem xả thịt bán, hoặc báo tình trạng chăn nuôi gây ô nhiễm khu dân cư nhưng chính quyền không xử lý, như thế chắc mức thưởng không quá 1 triệu đồng.
Mà để nhận 1 triệu ấy có khi cũng gian nan lắm, lại còn mua thù chuốc oán xóm giềng. Chẳng hạn báo nhà bên nuôi lợn bằng chất tạo nạc (thanh tra đến xác định chất tạo nạc đó chỉ trong nồng độ cho phép thì sao?). Hoặc người tử tế đang yên đang lành bị báo dùng chất cấm chăn nuôi, chỉ vì anh hàng xóm cạnh tranh chơi bẩn, thanh tra có khi thêm việc. Người tốt có khi bị oan.
Cái chuyện thưởng, dù với ý tốt, rõ là vẫn đang mù mờ quy định. Còn cái sự phạt thì xưa nay không chấp nhận được. Điểm lại mấy vụ gần gần đây, ngày 19.11, Đội kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương bắt giữ hơn 4 tấn thịt lợn bẩn, bệnh, đã nổi hạch và bốc mùi hôi thối ở địa chỉ số 95B đường An Phú, Bình Dương. Nhìn hình ảnh số thịt lợn bẩn ấy trên TV mà đang ăn cơm không nuốt nổi, số thịt ấy nếu trót lọt sẽ vào các bếp ăn công nhân, đương nhiên là vậy. Thế có thể coi là tội ác, tội đầu độc bằng thực phẩm. Nhưng rồi sao?
Người thầu số tiền đó chỉ bị phạt hành chính 14,5 triệu đồng. Lý do phạt bao gồm: vận chuyển thịt lợn không rõ nguồn gốc, không kiểm định thú y; Không có đăng ký kinh doanh theo quy định nhà nước; Kinh doanh thực phẩm, cụ thể ở đây là thịt lợn, không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật. 14,5 triệu là gì nếu số thịt đó trở thành mầm bệnh gây ung thư cho con người, hơn 4 tấn chứ ít đâu.
Những vụ việc đại loại kể ra vô cùng nhiều. Mới đây, 2 cơ sở giết mổ gia súc ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, có hành vi bơm nước vào bò trước khi giết mổ bị xử phạt hành chính 11 triệu đồng. Lúc bị phát hiện, có 9 con bò đang được giết mổ và 13 con khác đã bị bơm nước để chờ giết mổ. 11 triệu cho những hành vi tương đương tội ác, hỏi thế có nhẹ hều hay không?
Bởi mức phạt chẳng bao giờ đủ sức răn đe, nên cứ vài ngày, đúng ra là ngày vài lần nghe những tin kiểu như: Đội 4 phòng Cảnh sát môi trường (Công an Hà Nội) phối hợp Thanh tra Sở Nông nghiệp vừa thu giữ hơn một tấn thịt có nguồn gốc từ lợn ốm bệnh chết tại chợ đầu mối Phùng Khoang, quận Nam Từ Liêm. Số thực phẩm trong giai đoạn phân hủy, bốc mùi hôi thối đang được tiểu thương "phù phép" để chuẩn bị tiêu thụ.
Nếu chế tài xử lý hành vi buôn bán thực phẩm bẩn mới chỉ dừng lại ở việc xử phạt tiền nên nhiều chủ hàng vì lợi nhuận đã bất chấp. Đừng mong việc ai tố giác để lấy thưởng sẽ đem lại kết quả tốt hơn.
Mỗi lần Bộ NNPTNT, Bộ Công an, Bộ Y tế và Bộ Công thương tuyên bố sẽ cùng vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn thực phẩm bẩn thì dân đều mừng. Nhưng sẽ mừng hơn nếu chính sách và quản lí của các cấp, ngành rõ ràng minh bạch. Thật ra chẳng cần dân tố giác đâu, lực lượng chức năng đông đảo về cơ bản cũng nắm được thực tế ấy mà, có điều làm hay không thôi.
Bao giờ phạt tương xứng, thì chẳng lo gì việc thưởng!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.