Phát triển kinh tế biển ở Thái Bình: Khu kinh tế ven biển – vùng kinh tế trọng điểm

Phạm Quang Thứ sáu, ngày 15/12/2023 18:05 PM (GMT+7)
Để phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, phát triển tiềm năng lợi thế biển, Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XIX với chủ trương đưa vùng ven biển trở thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về xây dựng Khu Kinh tế Thái Bình.
Bình luận 0

Thêm lần nữa, một nghị quyết chuyên đề quan trọng thể hiện tầm nhìn chiến lược trong tư duy lãnh đạo phát triển kinh tế nói chung, phát triển kinh tế biển nói riêng của Đảng bộ Thái Bình đã khẳng định bước đi đúng đắn cả về sách lược và thời điểm, nhất quán quan điểm hướng ra biển từ ước vọng Tiền Châu đến ý chí xây dựng Khu kinh tế ven biển Thái Bình trong hệ thống các khu kinh tế ven biển quốc gia.

Phát triển kinh tế biển ở Thái Bình: Khu kinh tế ven biển – vùng kinh tế trọng điểm - Ảnh 1.

Khai thác có hiệu quả và phát huy triệt để các tiềm năng, lợi thế của địa phương, Đảng bộ Thái Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế khu vực ven biển; ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các hạ tầng kết nối khu vực ven biển với các địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Một số dự án quy mô lớn, có tính động lực trong khu vực đã và đang hoàn thành đi vào hoạt động, bước đầu đạt hiệu quả tích cực; các hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển ổn định, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn.

Đánh giá sự phát triển kinh tế biển ở Thái Bình và vị trí, tiềm năng của Thái Bình trong xây dựng kinh tế biển ở khu vực, ngày 29/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 36/2017/QĐ-TTg về việc thành lập Khu kinh tế Thái Bình với quy mô 30.583 ha, bao gồm 31 xã, thị trấn khu vực ven biển của 2 huyện Thái Thuỵ và Tiền Hải; đồng thời, cho phép tỉnh được thực hiện quy hoạch và phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng, là điều kiện rất thuận lợi cho xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình sớm trở thành động lực phát triển kinh tế của tỉnh.

Với quan điểm xây dựng, phát triển Khu kinh tế đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng đồng bằng sông Hồng; phù hợp với các chủ trương, đường lối, chiến lược của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế biển, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; có tầm nhìn dài hạn, bảo đảm vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh, quốc phòng và bảo đảm an sinh xã hội, Thái Bình xác định tập trung chỉ đạo để sớm hoàn thành việc lập quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết và xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào Khu kinh tế với ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thu hút đầu tư. Thực hiện nhất quán chủ trương xã hội hoá nguồn lực và đa dạng hoá hình thức đầu tư để tập trung xây dựng hạ tầng Khu kinh tế.

Đảng bộ và chính quyền Thái Bình cũng quán triệt rõ, xây dựng, phát triển Khu kinh tế trở thành động lực phát triển kinh tế của tỉnh và khu vực là nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược, lâu dài; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân toàn tỉnh, trước hết là trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải, nhất là của 31 xã, thị trấn trong Khu kinh tế.

Phát triển kinh tế biển ở Thái Bình: Khu kinh tế ven biển – vùng kinh tế trọng điểm - Ảnh 2.

Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ cũng như trách nhiệm này, Thái Bình sẽ hoàn thành thắng lợi mục tiêu khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí trong việc kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các địa bàn lân cận, phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị của hệ sinh thái biển, di tích lịch sử, văn hóa trong khu vực.

Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, địa bàn có tính đột phá của tỉnh Thái Bình; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp tận dụng được lợi thế, tiềm năng của khu vực về nguồn khí thiên nhiên và nguồn nguyên liệu, liên kết với các khu kinh tế, khu công nghiệp đã phát triển trong vùng đồng bằng sông Hồng; kết hợp phát triển các ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản ở những khu vực có chất lượng đất tốt, nguồn lợi thủy sản phong phú; phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch phù hợp với tiềm năng và nhu cầu của khu vực.

Sự kiện thành lập Khu kinh tế biển ở Thái Bình là sự ghi nhận, khẳng định của Đảng và Nhà nước trước những thành công của Thái Bình trong cả chặng đường đã qua, đồng thời là niềm tin vững chắc vào những thành tựu vượt bậc ở chính nơi đây trong tương lai.

Là động lực, thời cơ, nhưng cũng là trọng trách nặng nề đòi hỏi lãnh đạo tỉnh Thái Bình tiếp tục nhận thức sâu sắc, đúng đắn để khai thác hiệu quả nguồn nội lực của mình, chủ động và sáng tạo trong kêu gọi, phát huy nguồn ngoại lực. Với những tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, nguồn lợi hải sản đa dạng; người dân giàu kinh nghiệm, cần cù, chịu khó; cấp ủy, chính quyền luôn có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, đầu tư đồng bộ; hoạt động kinh tế biển những năm qua phát triển ngày càng mạnh mẽ...

Phát triển kinh tế biển ở Thái Bình: Khu kinh tế ven biển – vùng kinh tế trọng điểm - Ảnh 3.

Thái Bình sẽ sớm xây dựng thành công Khu Kinh tế mới phát triển năng động, hiện đại, hiệu quả, không chỉ trong phạm vi của tỉnh mà còn mở rộng liên kết ra phạm vi khu vực và quốc tế; tạo dấu ấn phát triển đậm nét, trở thành động lực thúc đẩy sự bứt phá chung của kinh tế - xã hội tỉnh.

Với vốn tài nguyên quý giá "mặt tiền Biển Đông", Đảng bộ và nhân dân Thái Bình bằng nội lực từ bàn tay, khối óc và ý chí mạnh mẽ thông qua tầm nhìn chiến lược, khả năng dẫn dắt và lãnh đạo xã hội tinh hoa qua các thời kỳ, đã biến ước vọng Tiền Châu sơ khai từ buổi bình minh thành sức mạnh tổng hợp, tạo thế và lực mới với nhiều yếu tố then chốt xây dựng thành công nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung, kinh tế biển nói riêng.

Tiếp tục đổi mới, sáng tạo, quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách vào điều kiện, hoàn cảnh của địa phương trong tình hình mới, quyết tâm cao, nỗ lực lớn phấn đấu xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng, Thái Bình sẽ đóng góp phần quan trọng cùng 28 tỉnh, thành phố có biển cũng như các địa phương trong cả nước hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem