Phát triển kinh tế biển ở Thái Bình: Vận hội mới tạo những bứt phá thành công

Phạm Quang Thứ năm, ngày 30/11/2023 09:00 AM (GMT+7)
Bước sang năm 2001, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế với tình hình chính trị - xã hội từng bước ổn định, nền kinh tế - xã hội đứng trước nhiều vận hội mới để bứt phá thành công.
Bình luận 0

Đây là thời điểm cần đánh giá khái quát chặng đường 15 năm đổi mới, 10 năm thực hiện chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, xây dựng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001 - 2005) và định hướng phát triển cho những năm tiếp theo, tạo ra động lực mới đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phấn đấu thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

Phát triển kinh tế biển ở Thái Bình: Vận hội mới tạo những bứt phá thành công - Ảnh 1.

Với bờ biển dài trên 50km, có 5 cửa sông lớn, bãi triều hàng năm được bồi đắp lấn ra biển ở hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải, Thái Bình trở thành vùng kinh tế có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ và toàn diện kinh tế biển. Ngư dân ven biển cần cù, có truyền thống lâu đời về khai thác hải sản, bước đầu tích lỹ được nhiều kinh nghiệm trong việc đánh bắt xa bờ, nuôi trồng thủy hải sản.

Hệ thống kết cấu hạ tầng trong tỉnh từng bước phát triển, cảng Diêm Điền tiếp tục được đầu tư cải tạo; cầu Tân Đệ, quốc lộ 10 được xây dựng, nâng cấp đã góp phần tăng cường giao lưu, du lịch, hợp tác về kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển.

Từ thực tế chỉ đạo trong những năm thực hiện đường lối đổi mới đã khẳng định coi trọng phát triển kinh tế biển sẽ huy động được sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống ngư dân, diêm dân, nhân dân ven biển và bảo vệ an ninh quốc phòng vùng biển.

Nhận thức được tầm quan trọng của giai đoạn lịch sử mới, trên cơ sở phân tích những lợi thế, tiềm năng của địa phương nhằm tìm ra giải pháp mang tính đột phá, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XVI đã xác định kinh tế biển là 1 trong 5 trọng tâm cần tập trung để tạo bước đột phá tăng trưởng kinh tế. Tiếp đó, ngày 19/6/2001, Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung thảo luận, quyết định chủ trương, giải pháp chủ yếu nhằm khai thác tốt các tiềm năng, đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế biển thời kỳ 2001 – 2010.

Đến ngày 16/7/2001, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 02-NQ/TU "về phát triển kinh tế biển" nhằm đẩy nhanh tiến độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Phát triển kinh tế biển ở Thái Bình: Vận hội mới tạo những bứt phá thành công - Ảnh 2.

Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên về phát triển kinh tế biển của Tỉnh ủy Thái Bình, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lãnh đạo phát triển kinh tế biển, là sự nhảy vọt về tư duy kinh tế biển, góp phần tích cực vào việc thực hiện tạo bước đột phá tăng trưởng kinh tế của địa phương.

So với giai đoạn trước, trong giai đoạn này, chủ trương về phát triển kinh tế biển của Tỉnh ủy Thái Bình có bước phát triển mới về nhận thức: "Phát triển mạnh mẽ và toàn diện kinh tế biển trên các lĩnh vực nuôi trồng khai thác, chế biển thủy hải sản, trồng rừng ngập mặn, dịch vụ và du lịch biển. Kết hợp phát triển kinh tế biển với củng cố an ninh - quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, bảo đảm an toàn vùng biển".

Theo đó, Thái Bình đẩy mạnh nuôi trồng thuỷ hải sản theo hướng sản xuất hàng hoá. Tiến hành quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết vùng nuôi trồng thuỷ, hải sản.

Ngoài việc củng cố trên 3.000 ha đầm hiện có, xây dựng mới 1.000 ha đầm mới và chuyển đổi trên 2.000 ha ở vùng đất bị nhiễm mặn, vùng ven đê biển đang làm muối và cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ, hải sản. Quy hoạch lại vùng đầm hiện có; vùng đầm dự kiến chuyển đổi có quy hoạch cụ thể trước khi tiến hành chuyển sang nuôi trồng hải sản.

Từng bước đầu tư xây dựng các cơ sở thuần hoá giống và vươn lên cho sinh sản tại chỗ các giống tôm (tôm sú, tôm càng xanh, tôm rảo), giống cá (cá chim trắng, rô phi đơn tính, cá trê, cá vược), cua ... để cung cấp cho các tập thể, tư nhân nuôi trồng thuỷ, hải sản. Áp dụng các tiến bộ sinh học và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi, trồng thuỷ, hải sản. Giảm dần diện tích nuôi quảng canh, tăng nhanh diện tích nuôi bán thâm canh và thâm canh.

Bên cạnh đó, Thái Bình khuyến khích mở rộng ngư trường ngoài khơi. Phát triển thêm các đôi tàu khai thác xa bờ; đầu tư đồng bộ phương tiện, thiết bị hiện đại, đào tạo nhân lực, bảo đảm các dịch vụ hậu cần, cải tiến quản lý và hình thức tổ chức phục vụ cho khai thác hải sản xa bờ cả 3 vụ trong năm.

Mặt khác, mở rộng khả năng chế biến thuỷ hải sản. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư chế biến thuỷ, hải sản phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo sức cạnh tranh trên thị trường.

Phát triển kinh tế biển ở Thái Bình: Vận hội mới tạo những bứt phá thành công - Ảnh 3.

Tập trung đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thuỷ, hải sản xuất khẩu tại Thái Thuỵ và Tiền Hải có năng lực sản xuất trên 3.000 tấn/năm với các thiết bị hiện đại đủ khả năng chế biến sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, từng bước hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng xuất khẩu nguyên liệu thô. Giữ vững thị trường xuất khẩu đã có, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Tây Âu, Bắc Mỹ.Về xây dựng kết cấu hạ tầng dịch vụ, Thái Bình tập trung đầu tư mở rộng, nâng cấp hệ thống đường giao thông liên xã, liên huyện, đường từ tỉnh xuống các huyện ven biển: đường 39, 39B, cầu Trà Lý, cầu Vô Hối, cầu Hồng Quỳnh. Mở rộng, nâng cấp cảng Diêm Điền, cảng cá Tân Sơn, Nam Thịnh. Nạo vét các cửa sông lớn và luồng lạch phục vụ tàu trọng tải 1.000 tấn ra vào. Xây dựng xí nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu, thuyền với quy mô 120 - 150 chiếc/năm bằng vật liệu gỗ, thép, xi măng lưới thép. Xây dựng các cơ sở dịch vụ, cung ứng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm, các đội tàu dịch vụ trên biển làm dịch vụ cho các đội tàu khai thác.

Về du lịch biển, triệt để khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tổ chức các tuyến du lịch hấp dẫn, chú trọng khai thác ưu thế của các di tích lịch sử, văn hoá, làng nghề, làng vườn, danh lam thắng cảnh, các cồn đảo và vùng tự nhiên, sinh thái ven biển. Kết hợp giữa tham quan trong đất liền với du lịch trên biển, trên sông và nghỉ dưỡng tại các nhà nghỉ ở nội tỉnh và vùng ven biển. Từng bước xây dựng và cải tạo các nhà nghỉ, khách sạn đủ tiêu chuẩn, đủ điều kiện đón khách trong nước và quốc tế. Đẩy nhanh quá trình xây dựng và thực hiện đề án khai thác cồn Vành, cồn Thủ, cồn Đen; xây dựng đường giao thông nối các cồn với đất liền, khai thác tốt các tiềm năng, phát triển kinh tế và phục vụ nhiệm vụ quốc phòng an ninh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem