Phát triển sản phẩm OCOP từ thế mạnh nông nghiệp ở Bắc Kạn: Kỳ vọng tạo nên đột phá

Long Châu Thứ tư, ngày 17/07/2024 09:32 AM (GMT+7)
Chương trình OCOP đã và đang trở thành phong trào sản xuất có sức lan tỏa mạnh mẽ trong khu vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Bắc Kạn.
Bình luận 0

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP), thời gian qua, thành phố Bắc Kạn đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, mở ra cơ hội thuận lợi để người dân tham gia trong các chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị hàng nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiệu quả, bền vững.

Phát triển sản phẩm OCOP từ thế mạnh nông nghiệp

Cụ thể, thành phố Bắc Kạn đã và đang triển khai kế hoạch số 180/KH-UBND ngày 22/3/2024 của UBND tỉnh Bắc Kạn về thực hiện Chương trình OCOP năm 2024 theo kế hoạch đề ra. Chương trình này không chỉ đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương mà còn tạo ra cơ hội lớn để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy sự sáng tạo và nâng cao đời sống người dân.

Phát triển sản phẩm OCOP từ thế mạnh nông nghiệp ở Bắc Kạn: Kỳ vọng tạo nên đột phá- Ảnh 1.

Công tác quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP được các địa phương chú trọng triển khai. Ảnh: Tạp chí Thiên nhiên và Môi trường.

Chương trình OCOP được triển khai đồng bộ theo chu trình hàng năm, gắn với việc thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung.

Điều này không chỉ giúp xây dựng nông thôn mới mà còn đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và các đơn vị liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện. Việc tăng cường công tác tuyên truyền nội dung chương trình để các đơn vị và người dân hưởng ứng tham gia cũng là một trong những mục tiêu quan trọng.

Đồng thời, chương trình còn đặt mục tiêu củng cố, nâng cấp sản phẩm OCOP đã được công nhận và phát triển các sản phẩm mới. Đặc biệt, việc xây dựng thương hiệu, mở rộng quy mô sản xuất và hướng đến các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế như Organic, ISO: 22000, HACCP, VietGAP… được đặt lên hàng đầu. Công tác quảng bá và giới thiệu sản phẩm cũng được chú trọng thông qua việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong xúc tiến thương mại.

Các phòng, ban, ngành và UBND các xã, phường xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong việc phát triển kinh tế, lồng ghép các hoạt động của Chương trình với nhiệm vụ chuyên môn và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về kết quả thực hiện nhiệm vụ. Triển khai các bước của Chu trình OCOP ngay từ đầu năm, dựa trên các cơ chế chính sách và nguồn lực hiện hành, đánh giá thực trạng và ưu tiên hỗ trợ các chủ thể OCOP. Công tác quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm theo quy định cũng được chú trọng.

Bà Đỗ Thị Minh Hoa – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn cho biết, để hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm, Bắc Kạn đã tổ chức thành công nhiều sự kiện xúc tiến thương mại, giúp người tiêu dùng tiếp cận được các sản phẩm đặc sản của địa phương, đồng thời tạo cơ hội cho các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản gặp gỡ, giao lưu, kết nối tìm kiếm đối tác, ký kết giao thương, tiêu thụ các sản phẩm nông sản của Bắc Kạn.

Trong thời gian tới, với các sản phẩm đã được đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, Bắc Kạn sẽ tiếp tục đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá để người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến thông qua các hoạt động quảng bá, kết nối cung - cầu như hội chợ, hội nghị, chương trình do Sở Du lịch, Sở Công Thương tổ chức.

Phấn đấu có thêm 04 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên

Năm 2024, thành phố Bắc Kạn đặt ra mục tiêu phát triển ít nhất 4 sản phẩm mới đạt từ 3 sao trở lên và ít nhất 1 chủ thể mới tham gia Chương trình OCOP. Hỗ trợ ít nhất 1 chủ thể mới có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP trong năm 2024. Đảm bảo ít nhất 3 sản phẩm có truy xuất nguồn gốc quy trình sản xuất và duy trì ít nhất 2 chủ thể tham gia liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP. 

Thành phố cũng đặt mục tiêu duy trì và xây dựng sản xuất sản phẩm OCOP theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến từ 21 sản phẩm trở lên, đồng thời đăng ký chứng nhận lại đối với các sản phẩm hết hạn trong năm 2023 và 2024. Mỗi tháng, sẽ có ít nhất 2 tin, bài, phóng sự tuyên truyền về Chương trình OCOP trên các phương tiện truyền thông.

Phát triển sản phẩm OCOP từ thế mạnh nông nghiệp ở Bắc Kạn: Kỳ vọng tạo nên đột phá- Ảnh 2.

Các bạn thanh niên Bắc Kạn livestream quảng bá sản phẩm OCOP. Ảnh: TL

Đặc biệt, để đạt được các mục tiêu này, thành phố Bắc Kạn đã xây dựng kế hoạch kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực cho các cán bộ và chủ thể OCOP. Phối hợp với cấp Tỉnh tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ và chủ thể OCOP về các mục tiêu, nhiệm vụ và quy trình triển khai Chương trình OCOP. 

Đồng thời, tổ chức các hoạt động tuyên truyền về sự cần thiết và nguyên tắc triển khai Chương trình, hướng dẫn cách thức phát triển sản phẩm OCOP dựa vào thế mạnh địa phương; Hướng dẫn các chủ thể kinh tế, hộ kinh doanh đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình, dựa trên khảo sát và đánh giá hiện trạng sản phẩm; Tiếp nhận và đánh giá phiếu đăng ký sản phẩm, tổ chức đánh giá và lựa chọn sản phẩm đủ điều kiện tham gia Chương trình OCOP.

Thành phố Bắc Kạn cũng tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho các chủ thể OCOP, bao gồm kiến thức về thị trường, quảng bá sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, và xây dựng câu chuyện sản phẩm. Hỗ trợ cộng đồng phát triển sản phẩm mới và nâng cấp sản phẩm đã được công nhận, từ việc thiết kế bao bì, nhãn mác đến quy trình sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm. Tổ chức đánh giá sản phẩm theo Bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP do Trung ương ban hành, đồng thời trình cấp Tỉnh đánh giá các sản phẩm tiềm năng 4 sao.

Ngoài ra, thành phố còn tăng cường công tác xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm thông qua việc củng cố và nâng cấp các điểm trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP. Phối hợp tổ chức và tham gia các đợt giới thiệu quảng bá sản phẩm, tham gia các hội chợ, triển lãm trên toàn quốc. Phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ các chủ thể xây dựng Website quảng bá và bán sản phẩm, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử như voso.vn, Postmaket.vn.

Thành phố cũng rà soát, đánh giá và cấp đổi giấy chứng nhận cho các chủ thể OCOP. Đánh giá thực trạng các chủ thể OCOP đã được cấp giấy chứng nhận năm 2021 và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận OCOP. Phối hợp với cấp Tỉnh kiểm tra chất lượng sản phẩm, thông tin ghi nhãn và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo các chủ thể tuân thủ quy chế quản lý sản phẩm OCOP.

Các chủ thể OCOP cần tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm theo kế hoạch và đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường. Tích cực tham gia các lớp tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, sản xuất kinh doanh và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Tuân thủ các quy định của Chương trình OCOP, không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.

Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP) năm 2024 tại thành phố Bắc Kạn đặt mục tiêu rõ ràng và yêu cầu sự phối hợp đồng bộ của tất cả các phòng, ban, ngành và chính quyền địa phương. Đây là cơ hội lớn để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo thêm việc làm và nâng cao đời sống người dân. Việc thực hiện chương trình này không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào của mỗi cá nhân, tổ chức tham gia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem