Theo các DN, chỉ riêng về phí bảo trì đường bộ, hiện nay các loại xe đầu kéo đang chịu mức phí là 17.160.000 đồng/xe tính chung cho 12 tháng hoạt động. Trên thực tế, hoạt động của phương tiện một năm chỉ khoảng 9 tháng, còn lại 90 ngày phải ngừng hoạt động do ngày nghỉ, ngày lễ tết, xe bảo trì, bảo dưỡng… Do đó, nhiều ý kiến cho rằng việc thu phí bảo trì đường bộ tính chung 12 tháng khiến DN bị lỗ.
Phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa trên đường vào cảng Cát Lái. Ảnh: H.K
Ông Phạm Văn Lợi - Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ Vận tải Trưởng Lợi dẫn chứng DN của ông có 40 xe đầu kéo, 1 tháng 1 đầu kéo tốn gần 20 triệu tiền phí. Tổng cộng mỗi tháng riêng phí bảo trì đường bộ, cầu đường, DN ông tốn gần 800 triệu đồng. Điều này gây áp lực rất lớn với DN và đẩy họ vào khó khăn. Trong khi nếu tính trừ đi những ngày không chạy để thu phí bảo trì đường bộ thì số tiền DN tiết kiệm được sẽ rất lớn.
Ngoài ra, các DN vận tải hàng hóa cũng cho biết đang phải đóng nhiều phí BOT khi hoạt động ở khu vực TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Tại khu vực này, các trạm thu phí “bủa vây” khắp nơi nên xe cộ chạy ra đường là phải đóng phí, thậm chí mức phí này còn cao hơn chi phí nhiêu liệu đầu vào cho phương tiện.
Đại diện một DN dẫn chứng, một xe đầu kéo vận chuyển hàng từ Cảng quận 7 (TP.HCM) đi Vũng Tàu tốn chí phí qua trạm BOT là 800.000 đồng/chuyến, trong khi đó chi phí nhiên liệu vào khoảng 750.000 đồng/chuyến. Còn Cảng quận 7 đi Biên Hòa chi phí qua các trạm BOT là 560.000 đồng/chuyến, trong khi đó chi phí nhiên liệu vào khoảng 437.500 đồng/chuyến.
Nhiều DN đang thắc mắc vì sao các bộ, ngành liên quan chưa thực hiện giảm phí BOT từ 10 – 15% theo chỉ đạo của Chính phủ về việc giảm phí BOT trong năm 2016.
Luật sư Thái Văn Chung - Phó Chủ nhiệm CLB Hỗ trợ pháp lý DN TP.HCM thông tin, nhiều DN vận tải đang làm các thủ tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo giảm mức phí bảo trì đường bộ đối với phương tiện vận tải hàng hóa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.