Phi công Mỹ bị thương vẫn cố lái oanh tạc cơ cứu đồng đội năm 1944

Thứ bảy, ngày 10/11/2018 10:05 AM (GMT+7)
Trung úy Lawley điều khiển oanh tạc cơ B-17 bằng tay trái và hạ cánh thành công, cứu mạng đồng đội sau khi bị 20 tiêm kích Đức tấn công.
Bình luận 0

img

Chiếc B-17 của Lawley sau khi hạ cánh khẩn cấp tại Anh. Ảnh: USAF.

Ngày 20.2.1944, trung úy William Lawley Jr. điều khiển oanh tạc cơ B-17 hạ cánh xuống lãnh thổ do quân Đồng minh kiểm soát với 8 thành viên tổ lái bị thương nặng và một động cơ bốc cháy, trong khi bản thân cũng bị trúng đạn và chỉ có một tay lành lặn. Hành động dũng cảm này giúp Lawley được trao Huân chương Danh dự, phần thưởng cao quý nhất của quân đội Mỹ, theo War History.

William Lawley gia nhập không quân Mỹ tháng 8.1942 và bắt đầu quá trình huấn luyện vào cuối năm đó. Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện phi công oanh tạc cơ tại căn cứ Altus, Lawley được phong hàm trung úy vào tháng 4.1943 và tới tham chiến tại châu Âu sau đó gần một năm.

Cuối tháng 2.1944, Mỹ mở màn chiến dịch Big Week, huy động hơn 1.000 oanh tạc cơ và 700 tiêm kích tấn công tiêu hao sinh lực không quân Đức, giúp Washington chiếm ưu thế trên không để tập kích hủy diệt ngành công nghiệp hàng không Đức. Trong chiến dịch này, Lawley điều khiển một oanh tạc cơ B-17 thuộc Phi đội oanh tạc cơ số 364.

Ngày 20.2.1944, khi đang tiếp cận mục tiêu ở vùng lãnh thổ bị Đức chiếm đóng, chiếc B-17 của Lawley bị 20 tiêm kích Đức tấn công, chia cắt khỏi đội hình và bị hư hỏng nặng. Những loạt đạn pháo 20 mm do tiêm kích Đức bắn vào chiếc B-17 khiến 8 thành viên phi hành đoàn bị thương nặng, phi công phụ thiệt mạng, Lawley cũng bị thương ở mặt và tay phải. Một động cơ của oanh tạc cơ B-17 bị bắn cháy, buộc Lawley phát tín hiệu cho toàn bộ phi hành đoàn bỏ máy bay, nhảy dù thoát hiểm.

Tuy nhiên, khi phát hiện một số đồng đội bị thương quá nặng không thể nhảy dù thoát ly, Lawley quyết định bám trụ đến cùng để điều khiển máy bay hạ cánh ở lãnh thổ do quân Đồng minh kiểm soát.

Tiêm kích Đức vẫn tiếp tục lao tới tấn công chiếc B-17 đang cố tìm cách hạ cánh. Dù bị thương ở mặt và không thể dùng tay phải, trong khi kính buồng lái và bảng điều khiển phủ đầy máu, Lawley vẫn kịp cho máy bay bổ nhào để tránh đạn.

img

Lawley khi được trao tặng Huân chương Danh dự tháng 8/1944. Ảnh: USAF.

Sĩ quan cơ giới trên chiếc B-17 đã nhảy dù từ trước, khiến Lawley phải nhờ xạ thủ ném bom Harry Mason hỗ trợ điều khiển máy bay. Phi công này không chịu băng bó, tiếp tục ngồi ở ghế lái và dồn hết sức lực để giữ cho chiếc oanh tạc cơ tiếp tục bay cho tới khi kiệt sức hoàn toàn và bị ngất vì mất máu.

Sau khi được Mason sơ cứu và tỉnh lại, Lawley thả hết bom để máy bay nhẹ hơn và tiết kiệm nhiên liệu. Phi công này kịp cho máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống một căn cứ tiêm kích ở phía nam London, Anh ngay khi một động cơ khác bắt đầu bốc cháy và oanh tạc cơ cạn nhiên liệu. Tất cả những người bị thương trên máy bay đều sống sót sau cú hạ cánh.

Lawley tham gia thêm 14 nhiệm vụ chiến đấu khác trước khi trở về Mỹ vào tháng 6.1944. Ngày 8.8.1944, Lawley được tặng thưởng Huân chương Danh dự vì hành động dũng cảm trong chiến đấu. Sau chiến tranh, Lawley đảm nhận nhiều nhiệm vụ trong các cơ quan mới thành lập của không quân Mỹ cho tới khi nghỉ hưu năm 1972.

Duy Sơn (VnExpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem