Phiên thảo luận ở tổ của quốc hội: Tháo gỡ khó khăn cho nông dân

Thứ năm, ngày 23/05/2013 08:32 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều đại biểu đặt câu hỏi: Vì sao tình hình nông nghiệp, nông dân khó khăn như thế mà Chính phủ lại không có giải pháp nào để tháo gỡ?
Bình luận 0

Ngày 22.5, tại phiên thảo luận ở tổ, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2012; triển khai thực hiện những tháng đầu năm 2013, nhiều đại biểu đặt câu hỏi: Vì sao tình hình nông nghiệp, nông dân khó khăn như thế mà Chính phủ lại không có giải pháp nào để tháo gỡ?

Băn khoăn về tính xác thực của báo cáo

Theo báo cáo đánh giá bổ sung của Chính phủ, trong tổng số 15 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2012, có 11 chỉ tiêu hoàn thành đạt và vượt kế hoạch. Cũng theo báo cáo, cán cân thương mại đã được cải thiện, xuất siêu năm 2012 là 780 triệu USD; chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,81%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 18,13% năm 2011 và 11,75% năm 2010…

img
Thảo luận tình hình kinh tế tại đoàn ĐBQH TP. Hà Nội.

Tuy nhiên, đánh giá về vấn đề này, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) tỏ ý băn khoăn về tính chính xác của báo cáo. “Tôi thấy con số rất tròn trịa, mà tròn trịa như thế thì liệu có chính xác không? So với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách và báo cáo tổng hợp ý kiến của nhân dân của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam thì 3 báo cáo này có sự vênh nhau, cần phải xem xét, đánh giá lại”- ông Thảo cho biết.

“Không nên mừng vì xuất siêu”

Thảo luận về tình hình xuất khẩu hàng hóa, nhiều đại biểu cho rằng, thực tế dù năm 2012 chúng ta đã xuất siêu trên 780 triệu USD nhưng đây lại là một dấu hiệu đáng lo. Một căn bệnh nữa theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), đó là toàn bộ nền kinh tế nước ta đang chuyển sang phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. “Chúng ta giảm nhập siêu chỗ khác, nhưng nhập siêu Trung Quốc năm 2012 đã đạt mức kỷ lục là 16,7 tỷ USD. Điều này chứng tỏ, chúng ta đang đi chữa bệnh, nhưng lại chữa bằng cách rất nguy hiểm” - ĐB Nghĩa.

Ngọc Lê

Cũng theo ông Thảo, về thực hiện nhiệm vụ những tháng đầu năm 2013, phần đánh giá tình hình cũng cần xem xét lại vì tại hội nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá vấn đề này có sự tham gia của nhiều cơ quan, ban, ngành, có nhiều ý kiến đánh giá không lạc quan như báo cáo của Chính phủ.

Đồng tình, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) đề nghị Chính phủ xem lại số liệu thống kê trong báo cáo đánh giá bổ sung. “Tôi đi nhiều tỉnh thấy báo cáo của tỉnh nào cũng nói GDP tăng tới 9-10% trong khi GDP của cả nước chỉ tăng hơn 5%(?) Nếu định bệnh không chuẩn thì khó tìm được thuốc chữa. Vậy thì làm sao để trị dứt bệnh đây?” - bà An đặt câu hỏi.

Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) thúc giục: “Chúng ta cần phải “chạy” nhanh gấp 2, gấp 3 bây giờ mới có thể đạt được chỉ tiêu đề ra, nếu không sẽ rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn”.

Khó khăn dồn hết cho nông dân

Đánh giá về báo cáo của Chính phủ, đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) bày tỏ quan điểm: “Mặc dù Chính phủ vẫn đánh giá nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò quan trọng và là “phao cứu sinh” của nền kinh tế, nhưng trong các giải pháp của Chính phủ về tình hình kinh tế không hề đề cập tới những vấn đề của nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Bà Dung cũng đặt câu hỏi, vì sao tình hình nông nghiệp, nông dân khó khăn như thế mà Chính phủ lại không có giải pháp để tháo gỡ?

Cũng liên quan đến vấn đề nông nghiệp, nông dân, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) thẳng thắn chỉ ra: “Trong báo cáo của Chính phủ, những mặt hạn chế vẫn vậy, nhưng tình hình khó khăn hơn rất nhiều, nhất là hụt thu ngân sách. Nhưng trong báo cáo của Chính phủ không nêu rõ nguyên nhân của những hạn chế cũng như chỉ ra trách nhiệm cụ thể”.

Đặc biệt, theo bà Tâm, riêng về nông nghiệp, lĩnh vực có giá trị xuất khẩu cao, nhưng tại sao lại không có sự ổn định, nhất là tình trạng được mùa - mất giá cứ lặp đi, lặp lại. Bà Tâm cho biết, thực tế không phải Nhà nước không lo cho nông dân, nhưng vấn đề là lo chưa đúng, chưa hợp lý, chưa hiệu quả? Do vậy, Quốc hội phải gây áp lực với Chính phủ để tạo ra những chuyển biến trong lĩnh vực này.

“Mọi lĩnh vực của nông nghiệp, từ chăn nuôi, thủy sản, lúa cứ loay hoay trong khó khăn và cuối cùng dồn hết vào người nông dân. Thế nhưng, trong báo cáo, Chính phủ vẫn không đưa được ra giải pháp cụ thể nào”- bà Tâm lo ngại.

Nông dân thiệt thòi quá

Trao đổi với PV NTNN về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) cho rằng, thực tế hiện nay, người nông dân đang phải tự bơi trong cơ chế thị trường. Từ việc giá cả vật tư đầu vào như con giống, thức ăn, thuốc thú y cho đến đầu ra sản phẩm, chúng ta vẫn chưa có một cơ quan xuyên suốt để lo, quản lý, mà vẫn để thị trường chi phối, mặc cho người nông dân tự lo là chính. Vì thế, cần có chính sách để bảo hộ cho sản xuất nông nghiệp trong nước, chứ không thể cứ vin vào WTO mà bỏ mặc được. Hiện tại thì nông dân thiệt thòi quá”.

Lê Hân - Long Nguyên

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem