Bài ca dành cho khiếm thính thắng lớn tại lễ trao giải Oscar 2022

Phương Việt Thứ hai, ngày 28/03/2022 10:57 AM (GMT+7)
Coda là chữ viết tắt của "Child of deaf adults" (Con cái của người khiếm thính). Bộ phim với "dàn diễn viên vô danh" đã giành giải thưởng Phim hay nhất tại lễ trao giải Oscar 2022.
Bình luận 0

"Coda" nhận giải Kịch bản chuyển thể xuất sắc

Năm 1987, Marlee Matlin làm nên lịch sử khi trở thành diễn viên khiếm thính đầu tiên thắng giải Oscar. Nữ diễn viên giành chiến thắng ở hạng mục Diễn viên nữ xuất sắc nhất với màn trình diễn trong phim Children of a Lesser God. Năm nay, Matlin không nằm trong danh sách đề cử, nhưng bộ phim Coda của cô đã được đề cử ở ba hạng mục: Phim hay nhất, Kịch bản chuyển thể hay nhất và Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất giành cho diễn viên khiếm thính Troy Kotsur.

Bài ca giành cho người khiếm thính thắng lớn tại đêm trao giải Oscar 2022 - Ảnh 1.

Coda giành giải thuong Phim hay nhất tại Oscar 2022. (Ảnh: Poster phim).

Trên lý thuyết, Coda không phải là một bộ phim xuất sắc hay một kịch bản có tính đột phá. Một khung cảnh cảm động, quen thuộc về cô bé 17 tuổi có tên Ruby (do diễn viên trẻ Emilia Jones thủ vai, người có giọng ca tuyệt vời xuất thân từ một gia đình nghèo khó. Ruby đứng giữa lằn ranh của hai lựa chọn, một là theo đuổi ước mơ với học bổng âm nhạc, hai là ở lại Massachusetts để làm việc trên con thuyền đánh cá của gia đình. Tên của bộ phim Coda là viết tắt của cụm từ "Children of deaf adult" (Con cái của người khiếm thính) và Ruby là một đứa trẻ như vậy. Bố mẹ cùng em trai của cô bé đều là người khiếm thính.

Ruby nói với một người bạn: "Cậu không hề biết cảm giác nghe mọi người chế nhạo gia đình cậu, còn cậu phải bảo vệ họ vì họ không nghe được còn cậu thì có".

Cô bé là đôi tai, là tiếng nói và cầu nối của gia đình cô với xã hội. Với nghề đánh cá gia truyền từ đời ông cố nội, gia đình cô vận hành như một doanh nghiệp nhỏ. Thức dậy lúc 3h sáng mỗi ngày để ra khơi, cô mệt nhoài và thường ngủ quên trong lớp học. Khi gia đình chuyển sang kinh doanh riêng, vai trò của Ruby càng trở nên không thể thiếu.

Ruby luôn gồng mình để là đôi tai của cả gia đình khiếm thính. Thế nhưng khán giả phải lặng người khi ở cuối phim, khi cô gái trẻ 17 tuổi cất tiếng hát, người cha vốn sống trong sự im lặng của cô đã rơi nước mắt. Lúc ấy, ông không nghe con gái bằng đôi tai của mình mà lắng nghe bằng cả trái tim, ông hiểu rằng, ước mơ theo đuổi âm nhạc của cô con gái nhỏ đáng trân trọng biết bao.

Dư vị lạc quan chưa bao giờ là cũ

Coda ra mắt tại Liên hoan phim Sudance vào năm ngoái và nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt. Bộ phim chính thức ra mắt khán giả vào tháng 8/2021 trên Apple TV.

Được đón nhận nồng nhiệt bởi giới chuyên môn, thế nhưng Coda vẫn có những khiếm khuyết riêng của nó. Bộ phim mang một sắc thái chiều lòng đám đông, tính toán để mang lại những cảm xúc ấm áp cho người xem. Bộ phim cũng được cho là sử dụng những nguyên liệu tương đối bề mặt và chưa khai thác hết được tiềm năng của câu chuyện mà nó kể lại. 

Người xem có thể nhận thấy sự xấu hổ của Ruby khi có bố mẹ khiếm thính trong rất nhiều những bộ phim khác, đơn cử như cảnh Ruby phải nghe bố mẹ mình quan hệ tình dục ầm ĩ ở phòng bên cạnh, bởi họ không thể nghe được chính bản thân mình. Giáo viên âm nhạc tại trường của Ruby cũng là một hình ảnh điển hình, nghiêm khắc và luôn kỳ vọng, áp đặt sự hoàn hảo ở những đứa trẻ trong trường.

Bài ca giành cho người khiếm thính thắng lớn tại đêm trao giải Oscar 2022 - Ảnh 2.

Ruby, đứa con của người khiếm thính. (Ảnh trong phim).

Đúng là Coda có những màu sắc quen thuộc, nhưng bộ phim là một bước ngoặt khi đưa văn hóa của người khiếm thính lên màn ảnh rộng. Đạo diễn Sian Heder đã chuyển thể kịch bản Coda từ La Famille Bélier của Pháp, bộ phim từng bị chỉ trích vì chọn diễn viên bình thường. Trong khi đó, ba trên bốn diễn viên chính của Coda là người khiếm thính.

Marlee Matlin, diễn viên khiếm thính thủ vai Jackie Rossi cho biết, cô đã từng muốn bỏ ngang khi nhà sản xuất đề nghị tìm một vài diễn viên nổi tiếng không khiếm thính vào vai chồng của mình trong phim. Chính đề tài khiếm thính đã mang lại những cảnh quay đầy tình người và có sức lay động trong Coda. Một cảnh trong đó là khi Ruby hỏi mẹ mình: "Mẹ có bao giờ ước con bị điếc không?". Ruby đã ôn tồn trả lời: "Khi con mới ra đời, mẹ đã ước điều đó xảy ra đối với con". Jackie đã ước điều đó, bởi cô sợ rằng nếu Ruby có khả năng nghe, cô sẽ đánh mất đi sợi dây kết nối giữa mình và đứa con gái bé bỏng. Một cảnh khác, khi Mr V, giáo viên âm nhạc hỏi Ruby rằng, cô có cảm giác như thế nào khi cất tiếng hát. Ruby nhún vai và trả lời Mr V bằng ngôn ngữ ký hiệu ASL, thứ ngôn ngữ mà cô được học đầu tiên trong đời.

Bài ca giành cho người khiếm thính thắng lớn tại đêm trao giải Oscar 2022 - Ảnh 3.

Emilia Jones trong phim Coda. (Ảnh: AppleTV).

Một nửa lời thoại trong phim Coda là ngôn ngữ ký hiệu. Cùng với dàn diễn viên khiếm thính, đạo diễn Sian Heder đã sử dụng hai đạo diễn ngôn ngữ Alexandria Wailes và Anne Tomasetti ký hiệu để hợp tác viết nên lời thoại. Trên trường quay, luôn có những chuyên gia ngôn ngữ ký hiệu để đảm bảo diễn viên giao tiếp đúng chuẩn. Những chi tiết như trong căn nhà của người khiếm thính, ghế sofa luôn hướng ra phía cửa chính đã làm nên một bộ phim ca ngợi và trân trọng văn hóa người khiếm thính.

Coda là câu chuyện về sự trưởng thành, về lựa chọn giữa gia đình hay ước mơ. Cốt truyện này vốn không quá xa lạ ở Hollywood, nhưng đạo diễn Sian Heder và dàn diễn viên đã biến kịch bản này thành một bộ phim tràn ngập cảm xúc và lôi cuốn từ đầu đến cuối. Coda với thành công tại đêm trao giải Oscar 2022 cho thấy những tác phẩm mang dư vị tích cực, lạc quan chưa bao giờ là lỗi thời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem