Trông người mà buồn ta
Năm 2006, dưới bàn tay của đạo diễn tài ba Lý An, "Brokeback Mountain" trở thành một tác phẩm điện ảnh gây chấn động thế giới. Khán giả không thể không rớt nước mắt cảm động, đau nhói khi nhìn thấy hình ảnh hai chiếc áo lồng vào nhau cùng tấm bưu thiếp cảnh núi Brokeback Mountain.
|
Cảnh trong phim “Hotboy nổi loạn”. |
Hay câu chuyện tình yêu giữa hai người anh em cùng chung huyết thống trong "From beginning to End" (phim Brazil) đã gây kinh ngạc ngay chính trong một xã hội tự do phóng khoáng như Brazil. Các phim "Song hoa đếm" (Hàn Quốc), "Bí ẩn hình xăm" (Trung Quốc), "Yes or No" (Thái Lan - phim đồng tính nữ, dành cho tuổi học trò) đều chất chứa một nỗi niềm, thông điệp riêng.
Những cảnh "mặn nồng" trong các phim nước ngoài đều được các đạo diễn đưa vào một cách hợp lý, nhẹ nhàng khiến người xem thêm yêu mến diễn viên, đồng cảm cùng nhân vật và kết phim là một ánh mắt đầy thiện cảm dành cho những người đồng tính luyến ái.
Ở Việt Nam, trong thời hội nhập, dù xã hội đã cởi mở, nhưng đồng tính luyến ái tại Việt Nam luôn là điều gì đó bí ẩn. Với giới điện ảnh, áp lực doanh thu đã khiến phim đồng tính Việt có cái nhìn hời hợt và biến những suy nghĩ tưởng chừng là "nghệ thuật" trở nên thương mại hóa, thậm chí chủ động chào mời khán giả bằng những hình ảnh "nóng" khiêu khích người xem.
Trước đây, vì vẫn chưa dám mạnh tay khai thác mảng đề tài đồng tính, các nhà làm phim đưa hình ảnh người thuộc giới tính thứ 3 vào nghệ thuật thứ 7 như là một công cụ để gây cười hoặc chỉ thoáng qua để thêm hương sắc trong các tác phẩm của mình. Các nhân vật “má mì" của Anh Vũ trong phim "Gái nhảy", của Thái Hòa trong "Để mai tính" là những hình ảnh điển hình cho đồng tính nam "lộ", ẻo lả.
|
Phim chủ đề đồng tính của VN chưa tạo được rung cảm nghệ thuật cho khán giả. |
Mới nhất, một bộ phim có cái nhìn đa chiều về người đồng giới là "Hotboy nổi loạn" của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đã phần nào xoá đi ấn tượng xấu về phim đồng tính Việt. Thế nhưng kịch bản vẫn còn non khi đạo diễn, biên kịch phim dường như chủ định vạch ra một con đường tối: Hễ cứ đồng tính nam là ra... đứng đường bán dâm. Cách giải quyết bi kịch của hai nhân vật chính cũng khá tiêu cực và không mấy điển hình bởi khi phát hiện ra giới tính của mình, họ liền bỏ quê để lên thành phố.
Cách hiểu lệch lạc
Ngay từ khi ra mắt, phim "Cảm hứng hoàn hảo" của đạo diễn Nguyễn Lê Dũng được tác giả tuyên bố: "Đa phần người đồng giới hiện nay là "bị nhiễm" chứ không phải là tạo hóa trái ngang", và cách kể chuyện của phim cũng thể hiện sự lệch lạc, kém hiểu biết về kiến thức giới tính pha trộn với cái nhìn phản cảm dành cho người đồng giới. Vị đạo diễn này đã hùng hồn khẳng định làm phim này chỉ vì... danh tiếng: "Đề tài đồng tính nóng, dễ gây sự chú ý nên tôi làm nó để tạo danh tiếng".
Diễn viên Lương Mạnh Hải, đồng tác giả kịch bản phim “Hotboy nổi loạn” cho biết: "Quan điểm của người Việt bây giờ đã cởi mở, thoáng hơn trước nhưng vẫn còn mất nhiều thời gian hơn nữa để mọi người có thể đón nhận thế giới đồng tính luyến ái như một tất yếu của xã hội hay là không ác cảm, "ghê rợn" khi xem phim thể loại đồng tính".
Chính vì muốn nổi tiếng bằng đề tài đồng tính chứ không phải muốn xây dựng một bộ phim nhân văn về thế giới đồng tính nên đạo diễn đã biến nó thành một tác phẩm điện ảnh hời hợt, thậm chí thô thiển.
Câu chuyện 3 cô chị gái vì muốn cứu em trai khỏi bị đồng tính mà thi nhau khỏa thân trước mặt cậu, rủ nhau tắm chung để "kích thích" bản năng đàn ông của em trai đã khiến nhiều khán giả "muốn ói" khi rời khỏi rạp xem phim. Thật kinh ngạc cho cái cách "chữa bệnh đồng tính" kỳ quặc như vậy.
Mặc dù "vào cuộc" sau điện ảnh thế giới hàng 40- 50 năm về đề tài đồng tính, nhưng điện ảnh VN có vẻ lại bước thụt lùi chính vì các biên kịch, đạo diễn sức yếu nhưng vẫn hiên ngang đòi... ra gió. Bao giờ phim đồng tính Việt sẽ chạm cửa thiên đường vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.
Bồng Sơn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.