Phim truyền hình 2021: Tâm lý gia đình tiếp tục “lên ngôi”, đề tài nông thôn chiếm sóng

Thúy Ngọc Thứ năm, ngày 23/12/2021 07:10 AM (GMT+7)
Hiện nay, nhiều khán giả đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với những bộ phim truyền hình Việt Nam. Những đổi mới trong xây dựng kịch bản, lựa chọn đề tài… đã giúp phim truyền hình Việt Nam tiếp cận gần hơn với đông đảo khán giả.
Bình luận 0

Phim tâm lý gia đình luôn chiếm ưu thế

Phim truyền hình 2021: Tâm lý gia đình tiếp tục lên ngôi, đề tài nông thôn chiếm sóng - Ảnh 1.

Đề tài tâm lý tình cảm gia đình tuy cũ nhưng lại nhiều drama và gần gũi với khán giả. Ảnh: VTV

Trong năm 2021, dòng phim gia đình vẫn tiếp tục chiếm sóng trên màn ảnh nhỏ, lý do đơn giản vì đây là mảng đề tài vẫn được khán giả quan tâm đặc biệt. Đề tài tâm lý tình cảm gia đình với những câu chuyện như mâu thuẫn giữa các thế hệ, ngoại tình, tuy rất cũ nhưng lại nhiều drama và gần gũi với đại chúng. Với các phim như: "Trở về giữa yêu thương", "Hãy nói lời yêu", "Thương ngày nắng về", "11 tháng 5 ngày", "Hướng dương ngược nắng", "Cây táo nở hoa", "Thương con cá rô đồng" …

Phim truyền hình Việt Nam đang tạo được bước chuyển mình lớn trong lòng khán giả Việt với những bộ phim "hot" khai thác đề tài hôn nhân gia đình. Đó là một tín hiệu đáng mừng cho phim truyền hình Việt Nam khi thu hút được tỉ suất người xem lớn, khiến khán giả ngày càng có thiện cảm hơn với phim Việt, nhất là ở những khung giờ vàng.

Một trong những bộ phim làm mưa làm gió trong năm nay phải kể đến "Hương vị tình thân". Tác phẩm này được Việt hóa từ bộ phim "My only one" của Hàn Quốc. Cốt truyện cơ bản của bản Việt và Hàn đều tương tự. Nội dung xoay quanh cuộc đời nhiều chông gai và khốn khó của cô gái mất cha mẹ từ nhỏ, một mình bôn ba giữa cuộc đời cùng câu chuyện "Hoàng tử - Lọ Lem", luôn vấp phải sự ngăn cản vì không môn đăng hộ đối.

Cũng khai thác đề tài về tình cảm gia đình nhưng bộ phim "Thương con cá rô đồng" lại nặng nề hơn "Hương vị tình thân" khi hàng loạt diễn biến trong phim đều là chuỗi bi kịch, dường như không lối thoát xung quanh 5 anh em: Thương, Nhớ, Thiệt, Lắm, Lành.

Có lẽ, khi xem bộ phim này, khán giả sẽ bức xúc và lên án nhân vật dì Tư quá nhẫn tâm và độc ác (Nghệ sĩ Ưu tú Hạnh Thúy đảm nhận). Tuy nhiên, "Thương con cá rô đồng" đã mang lại phong vị mới cho khán giả yêu phim truyền hình Việt. Đặc biệt, sự tham gia của nhiều diễn viên như: NSƯT Hạnh Thúy, Lê Phương, Như Đan, Quốc Huy, Quang Thái, Đình Hiếu, Thanh Ngọc... là một trong yếu tố thu hút khán giả.

Tiếp đó phải kể đến "Hãy nói lời yêu" - một bộ phim hay mang đến góc nhìn mới về gia đình hiện đại. Bộ phim xoay quanh mối quan hệ gia đình, giữa vợ – chồng, cha mẹ – con cái. Các mối quan hệ xã hội của thế hệ trẻ hiện nay với những góc nhìn vô cùng mới mẻ và giàu ý nghĩa. Đây là một bộ phim với tình tiết vô cùng gây cấn. 

Phim truyền hình 2021: Tâm lý gia đình tiếp tục lên ngôi, đề tài nông thôn chiếm sóng - Ảnh 2.

Phim truyền hình Việt Nam đang tạo được bước chuyển mình lớn trong lòng khán giả Việt với những bộ phim "hot" khai thác đề tài hôn nhân gia đình. Ảnh: VTV

Còn "Hướng dương ngược nắng", được tung ra vào năm 2021 là sân chơi để các diễn viên thể hiện và tỏa sáng. Phim đã chạm tới cảm xúc của rất nhiều đối tượng, đó là những người làm cha mẹ và cả những người trẻ trong xã hội đương đại. "Hướng dương ngược nắng" thu hút khán giả nhờ xây dựng nội dung phim hấp dẫn về cuộc chiến của gia tộc họ Cao. Nhiều khán giả khen chuyện tình cảm lẫn những màn tranh đấu trong "Hướng dương ngược nắng" được xử lý khéo léo.

Nếu như các bộ phim trước đều tập trung khai thác về những góc sáng tối trong cuộc sống. Có phim thì đậm chất hình sự, chính trường, thương trường tranh giành, đấu đá. Có phim lại thiên về tình yêu tay ba, ngôn tình, bi kịch cũng dày đặc khiến người xem cảm thấy vừa hấp dẫn nhưng lại ngột ngạt, não nề, lê thê… Nhưng có thể nói, giữa một "rừng" drama thì "11 tháng 5 ngày" lại là "món ngon lạ" trên màn ảnh nhỏ giúp người xem tìm cho mình đủ vị trong cuộc sống nhưng không quá lên gân, không quá bi kịch mà chứa đầy tình cảm.

Đề tài gia đình cũng là đề tài dễ dàng tiếp cận khán giả đại chúng nhất, từ những người trẻ đến các bà, các mẹ, trong đó lực lượng xem phim đông đảo nhất chính là các mẹ bỉm sữa. Những vấn đề trong gia đình như mối quan hệ vợ chồng, ly hôn, làm mẹ đơn thân, mâu thuẫn với gia đình chồng - vợ là những thứ dễ chiếm được sự đồng cảm vì nó gần gũi với đời sống.

Riêng với đề tài gia đình, quan trọng nhất có lẽ ở cách phát triển - giải quyết xung đột, phải mang hơi thở đương đại, hòa hợp được với cảm nhận lẫn suy nghĩ của khán giả hiện nay.

Phim đề tài nông thôn trỗi dậy mạnh mẽ

Phim truyền hình 2021: Tâm lý gia đình tiếp tục lên ngôi, đề tài nông thôn chiếm sóng - Ảnh 3.

Đề tài nông thôn trỗi dậy mạnh mẽ. Ảnh: VTV

Sau thành công của những bộ phim về gia đình, tình yêu, hình sự... gần đây, đề tài nông thôn đang xuất hiện trở lại trong phim truyền hình Việt Nam, tạo thêm sắc màu mới cho khán giả. Mảng phim truyền hình về nông thôn đã vượt qua khó khăn nội tại để trỗi dậy mạnh mẽ. 

Giới làm nghề cho rằng, nông thôn là mảnh đất màu mỡ đối với "nghệ thuật thứ bảy", nhất là mảng phim truyền hình. Chất liệu nông thôn ở ta có nhiều câu chuyện hay, hấp dẫn và bối cảnh để làm phim, nhất là nước ta trước đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, các tác phẩm văn học về đề tài nông thôn ở Việt Nam không ít, đây chính là "kho tàng" để các biên kịch khai thác, chuyển thể đưa lên màn ảnh nhỏ.

Nếu là tín đồ của phim truyền hình, khán giả không thể quên những bộ phim có chất lượng về nội dung và nghệ thuật về đề tài này như: "Mùa hoa tìm lại" và "Phố trong làng".

Bom tấn "Mùa hoa tìm lại" do đạo diễn Vũ Minh Trí "cầm trịch" cũng tạo nên cơn sốt với người xem khi khai thác câu chuyện về nông thôn thời hiện đại. Đạo diễn Vũ Minh Trí đã mang một "luồng gió" mới về phim đề tài nông thôn trong "Mùa hoa tìm lại". Phim cho thấy rõ dẫu nhiều đổi thay của một nông thôn thời hội nhập nhưng cái tình, cái nghĩa, lối sống dung dị, hiền hòa bao đời vẫn được giữ, cao trào và bi kịch từ đó không quá gay gắt, đấu đá như các phim đề tài khác.

Phim truyền hình 2021: Tâm lý gia đình tiếp tục lên ngôi, đề tài nông thôn chiếm sóng - Ảnh 4.

Chất liệu nông thôn ở ta có nhiều câu chuyện hay, hấp dẫn và bối cảnh để làm phim. Ảnh: VTV

Xem phim này nhiều người thấy mình trong các nhân vật. Cái hay là bộ phim vẽ lên bức tranh của cuộc sống của nông thôn thời hiện đại, như Mỹ Lệ cùng Tuyết, Việt, Đồng hay những người dân ở làng quê ấy vẫn luôn ngụp lặn trong cơm áo, gạo tiền, danh vọng, sĩ diện… khiến cuộc đời họ rẽ sang nhiều ngả khác nhau. Tuy nhiên, chỉ cần con người có khát vọng về sự tử tế, và sống tử tế, thì cuối cùng họ cũng sẽ được đền đáp xứng đáng. 

Gần đây nhất phải kể đến "Phố trong làng" của đạo diễn Mai Hiền. Phim kể về cuộc sống của những người dân ở xã Tân Xuân bị ảnh hưởng nhiều bởi sự phát triển, hiện đại hoá. Làng quê yên bình ngày nào bỗng trở nên "có giá" nhờ đất, nhiều gia đình bỏ bê công việc, lao vào cờ bạc, đàn đúm… tệ nạn cũng từ đó nhiều lên, tỷ lệ thuận với số hộ dân đang mắc chứng "ngộ độc tiền". Giữa lúc Tân Xuân đang gặp phải vô vàn vấn đề, rối ren như vậy thì Nam, một công an chính quy được cử về giữ vị trí trưởng công an xã, khiến anh gặp nhiều bỡ ngỡ.

Ngoài những "con sâu làm rầu nồi canh" khiến cho mảnh đất Tân Xuân có phần xấu xí, thì vẫn còn những con người chất phác, chân thành, chính nghĩa, luôn ủng hộ Nam và những điều tốt đẹp. Ở vùng quê, Nam có thêm những người bạn, những người đồng nghiệp cùng chí hướng, chung lý tưởng và cũng đã tìm được cho mình tình yêu, hạnh phúc…

Mạch phim về đề tài nông thôn, nhất là thời hiện đại tiếp tục được các nhà làm phim khai thác. Nhìn nhận một cách khách quan, đề tài nông thôn đã cho khán giả thấy một cái nhìn mới mẻ hơn về dòng phim truyền hình ở thời điểm hiện tại. Đó là "không phải cứ drama, kịch tính" là sẽ thu hút khán giả, mà đôi khi người xem cần nhiều hơn ở cảm xúc và những thực tế.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem