Trong tháng Năm này, bốn bộ phim tài liệu xuất sắc nhất thuộc dự án First Time Filmmakers (Lần đầu làm phim với Discovery) tại Việt Nam - sẽ lần lượt được ra mắt trên sóng Discovery. Đây là những bộ phim phản ánh sự chuyển biến nhanh chóng trong quá trình đô thị hóa tại Việt Nam dưới góc nhìn của các nhà làm phim Việt.
Nhân dịp này, Dân Việt cũng đã có cuộc trò chuyện với ông Vikram Channa - Phó Chủ tịch phụ trách sản xuất và phát triển của Discovery Networks khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
|
Ông Vikram Channa - Phó Chủ tịch Discovery Networks khu vực châu Á - Thái Bình Dương |
Ông đánh giá thế nào về kết quả của dự án First Time Filmmakers tại Việt Nam?
- Chúng tôi đã có được bốn bộ phim tài liệu sắp lên sóng Discovery và vô cùng tự hào về những tác phẩm đã ra đời từ dự án này. Điều chúng tôi muốn làm khi triển khai dự án là biến niềm đam mê và kiến thức của những người làm phim tại Việt Nam thành những sản phẩm thực tế. Cách tiếp cận của Discovery đặc biệt ở chỗ, chúng tôi muốn làm ra những bộ phim cho tất cả mọi người.
Những người tham gia dự án làm ra những bộ phim mà không chỉ khán giả Việt Nam mà khán giả toàn thế giới xem được. Từ khía cạnh đó, tôi cảm thấy rất hài lòng với việc hợp tác giữa chúng tôi và các nhà làm phim Việt Nam trong việc thực hiện dự án này.
Bốn bộ phim được lựa chọn đều rất đặc biệt và khác biệt, mặc dù chúng đều có chung chủ đề về sự chuyển đổi của Việt Nam từ một xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại, ảnh hưởng bởi sự đô thị hóa, toàn cầu hóa.
Những bộ phim tài liệu lên sóng Discovery phải đáp ứng được tiêu chí đặc biệt gì?
- Có một điều cần lưu ý là những bộ phim tài liệu này luôn có tính chất báo chí, thông tin. Nếu chú ý, các bạn sẽ thấy rằng các bộ phim tại Discovery kết hợp giữa khả năng kể chuyện tài tình trong lối làm phim của Holywood và tính chân thực của báo chí. Đó là tác phẩm báo chí điện ảnh.
Chính cách kể chuyện tuyệt vời bằng hình ảnh nhưng lại không quên chú trọng vào sự thật đã khiến cho các bộ phim được yêu thích bởi khán giả trên toàn thế giới. Ở nhiều nơi, phim tài liệu được coi là sự mở rộng của báo chí. Do đó người ta không chỉ chú trọng hoàn toàn vào tính điện ảnh của nó mà còn rất quan tâm tới khía cạnh phản ánh sự thật nữa. Và dự án này của chúng tôi cũng nhằm giúp cho nhà làm phim nhìn ra yêu cầu này ở phim tài liệu.
|
Cảnh trong phim “Rạp chiếu phim di động của ông Long” (phát sóng tối 12.5) |
Ông có thể phân tích rõ thêm về cái “được” của các nhà làm phim Việt khi tham gia dự án này?
- Chỉ những nhà làm phim trong nước mới có một cái nhìn rõ ràng nhất về điều gì đang xảy ra trong xã hội của họ. Thế nhưng cách tiếp cận của họ có thể lại hơi địa phương và chỉ chú trọng vào thị trường nội địa. Thông qua việc hợp tác với Discovery cũng như các đối tác khác của chúng tôi, họ sẽ hiểu nhiều hơn về cách một bộ phim tài liệu được kết cấu, gọt rũa, để có thể được yêu thích bởi cả các khán giả quốc tế. Đó là điều quan trọng nhất của dự án này.
Bên cạnh đó, đây là một dự án với nhiều thách thức: kinh phí có hạn, thời gian có hạn để các nhà làm phim hoàn thành tác phẩm của mình và kịp phát sóng. Thông qua những khóa đào tạo tuyệt vời, người tham gia dự án được tự mình quản lý kinh phí, thời gian và hoàn thành bộ phim theo phong cách mà Discovery muốn họ làm theo - cách làm phim theo yêu cầu của thị trường. Như vậy là nhà làm phim ngoài việc biết được những kiến thức về làm phim tài liệu thì còn có được những kỹ năng, kinh nghiệm về việc làm quản lý, kinh doanh.
Đề cập đến vấn đề đầu tư kinh phí, theo ông đây có phải là yếu tố quan trọng làm nên thành công của một bộ phim tài liệu?
- Cũng không hẳn như vậy. Cuối cùng thì những tác phẩm hay mà bạn đã được xem, đặc biệt là trong thế giới Youtube như hiện nay, nhiều khi lại đến từ một chiếc máy quay đơn giản. Nói tóm lại, việc làm phim và hiểu cách làm phim không mấy liên quan đến ngân sách cho một bộ phim. Dù ngân sách bạn có bao nhiêu, bạn cũng có thể làm ra được một bộ phim đặc biệt trong khuôn khổ ngân sách đó. Tất nhiên nếu bạn có kinh phí lớn hơn, bạn có thể có nhiều cơ hội để có những hình ảnh tốt hơn.
Nói chung, kinh phí liên quan nhiều hơn đến hình ảnh và phong cách, còn kỹ năng hay hiểu về cách làm phim thì không phụ thuộc vào kinh phí. Bạn có thể làm một bộ phim hay từ 1.000 USD, và bạn cũng có thể làm một bộ phim tệ dù bỏ ra 1 triệu USD. Điều đó thực tế cũng đã xảy ra.
Có nhiều bộ phim Holywood với kinh phí khổng lồ nhưng không phải là những bộ phim xuất sắc. Trong khi đó, rất nhiều bộ phim tài liệu nổi tiếng, được yêu thích vì tác giả thể hiện được năng lực tầm nhìn của mình. Và thực tế là cũng không ít bộ phim tài liệu hay từ những dự án First Time Filmmakers đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế danh tiếng, không chỉ ở châu Á mà trên toàn thế giới.
|
Cảnh trong phim “Thành phố 1.000 tuổi” (ra mắt tối 19.5) |
Ông so sánh thế nào khi First Time Filmmakers được triển khai tại Việt Nam so với tại các nước khác trong khu vực?
- Chúng tôi đã triển khai dự án này ở các quốc gia khác nhau trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Gần đây nhất, chúng tôi đã thực hiện dự án này ở Trung Quốc, Malaysia và Singapore. Có một điều thú vị là xuất hiện sự tương đồng giữa các quốc gia này, cũng như những quốc gia khác ở châu Á. Nhìn chung, các nước này đều phải trải nghiệm một sự chuyển đổi giữa xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại hơn.
Câu chuyện chuyển đổi này tuy mới đến với Việt Nam gần đây thôi, nhưng nó đã đến với Trung Quốc, Singapore từ sớm hơn rồi. Sự xung đột giữa truyền thống và hiện đại đó đã tác động đến đời sống của mọi người. Thực tế là ở tất cả các nền văn hóa này, những nhà làm phim đều có chung một đặc điểm, đó là họ rất giỏi trong việc phản ánh những thay đổi và tác động của nó đến xã hội.
Sau dự án này, Discovery đã có dự định gì tiếp theo tại Việt Nam?
- Vào thời điểm hiện tại, chúng tôi đang tập trung vào việc quảng bá các bộ phim đã được lựa chọn. Những bộ phim này sẽ được phát sóng trên kênh Discovery vào tối thứ Năm hàng tuần từ ngày 5.5.2011. Như vậy điều đầu tiên là để nhiều người trên khắp thế giới biết đến những bộ phim này đã. Sau vài tháng, chúng tôi sẽ nghĩ đến những kế hoạch khác tại Việt Nam.
Cảm ơn ông!
Khánh Linh (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.