Phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Nam Định giúp trên 5.000 hộ thoát nghèo

Thu Hà Chủ nhật, ngày 14/08/2022 11:00 AM (GMT+7)
Từ phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, trên địa bàn tỉnh Nam Định đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân xuất sắc. Nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi có quy mô sản xuất lớn, có thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm, tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động địa phương.
Bình luận 0

Nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi

Để phong trào mang lại hiệu quả, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Nam Định tích cực đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư vấn hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong 5 năm qua, Hội đã trực tiếp tổ chức 89 lớp đào tạo nghề cho gần 3.000 lao động nông thôn. Hàng năm, các cấp Hội phối hợp và trực tiếp tổ chức hàng trăm buổi tập huấn cho hội viên về khoa học kỹ thuật và công nghệ mới.

Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh vận động hội viên, nông dân tham gia 286 mô hình cánh đồng lớn sản xuất hàng hóa tập trung; khuyến khích nông dân tham gia thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất; chỉ đạo, hướng dẫn thành lập 4 HTX và 92 tổ hợp tác với 1.328 thành viên; 31 tổ hội nghề nghiệp với 661 thành viên tham gia.

Điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Nam Định giúp trên 5.000 hộ thoát nghèo - Ảnh 1.

Mô hình nuôi cá chuối đặc sản của nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở huyện Nghĩa Hưng, Nam Định. Ảnh: Thu Hà

Việc vận động nông dân tham gia các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm được chú trọng. Nhiều hộ nông dân liên kết với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa theo chuỗi sản phẩm an toàn có thương hiệu uy tín trên thị trường. Điển hình là mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu gạo Nam Định giữa Công ty TNHH Toản Xuân với trên 1.000 hộ nông dân, diện tích gần 2.000ha; chuỗi liên kết sản xuất, chế biến nông sản của Công ty Minh Dương...

Từ phong trào cũng đã xuất hiện nhiều cá nhân điển hình tiên tiến, những tấm gương xuất sắc. Nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi có quy mô sản xuất lớn với số vốn hàng tỷ đồng, thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm, tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động địa phương. Tiêu biểu như ông Triệu Đình Hợi, thôn Vụ Nữ, xã Hợp Hưng (Vụ Bản) phát triển mô hình nuôi thỏ giống New Zealand, thu lãi mỗi năm khoảng 1,4 tỷ đồng; hiện tại, gia đình ông sở hữu trang trại nuôi thỏ rộng 2ha, tổng đàn ổn định 800 con sinh sản, hơn 7.000 con thương phẩm.

Ông Bùi Văn Sớm, xóm 12, xã Hải Quang (Hải Hậu) với mô hình trồng, thu mua, sấy cây đinh lăng dược liệu kết hợp nuôi cá, quy mô 4ha, thu nhập 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 20 lao động thường xuyên; trực tiếp bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra luôn ổn định, tạo mối liên kết trong sản xuất theo chuỗi.

Ông Hoàng Duy Thắng, thôn Hạ, xã Yên Khánh (Ý Yên) xây dựng mô hình VAC kết hợp chăn nuôi lợn nái, lợn thương phẩm, nuôi cá, ba ba và trồng rau màu; lợi nhuận thu được hàng năm trên 1,5 tỷ đồng.

Nâng cao cả chất và lượng phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi còn góp phần thúc đẩy việc thành lập các loại hình trang trại, gia trại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã thành lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nông thôn. Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ mới xuất hiện, đem lại thu nhập cao.

Tiêu biểu như mô hình chăn nuôi lợn sạch bằng thảo dược theo quy trình VietGap kết hợp trồng trọt của ông Nguyễn Văn Thục, xóm 4, xã Trực Thái (Trực Ninh) với quy mô trên 250 con, mỗi năm tiêu thụ 70-80 tấn thịt lợn thương phẩm. Ông đã thành lập HTX chăn nuôi đa dạng sinh học Trực Thái; xây dựng cửa hàng nông sản Trực Thái để giới thiệu sản phẩm nông sản sạch VietGap và OCOP.

Ngoài ra, còn nhiều mô hình tiêu biểu như mô hình HTX nuôi trồng thủy sản Huy Bình, xóm Thượng, thôn An Duyên, xã Đại An (Vụ Bản) với 7 thành viên; hoạt động chính là nuôi trồng thủy sản gắn với chăn nuôi gia súc, gia cầm, dịch vụ thủy nông, kinh doanh vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, cây, con giống.

Tổ hợp tác dịch vụ vật tư nông nghiệp xã Giao Phong (Giao Thủy) với 26 thành viên, kinh doanh vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng sản phẩm cung cấp cho nông dân…

Phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã giúp nông dân đổi mới suy nghĩ, cách làm, tích cực khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương và nội lực gia đình; biết sử dụng lao động hợp lý, sử dụng đồng vốn hiệu quả; vận dụng sáng tạo những tiến bộ mới vào sản xuất gắn với bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững. Mỗi năm, phong trào đã thu hút trên 150 nghìn hộ nông dân đăng ký tham gia và có trên 50% số hộ đăng ký tham gia đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Cũng từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đã có 12.500 lượt hội viên, nông dân có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ về mô hình sản xuất, giống, vốn; tạo việc làm cho 157.000 lao động; giúp trên 5.000 hộ vươn lên thoát nghèo.

Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Nam Định tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". Nhân rộng điển hình tiên tiến, cách làm hay, mô hình sáng tạo, hiệu quả từ cơ sở. Hướng dẫn và tổ chức cho nông dân tích cực tham gia Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh liên kết sản xuất thông qua mô hình tổ hợp tác, HTX, chi hội, tổ hội nghề nghiệp, tạo ra vùng sản xuất tập trung; đồng thời tích cực tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem