Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ khảo sát, nắm tình triển khai thực hiện Đề án 61
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ khảo sát, nắm tình triển khai thực hiện Đề án 61
Phạm Hoài
Thứ tư, ngày 21/08/2024 19:39 PM (GMT+7)
Trong 2 ngày (20-21/8), đoàn công tác của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 61 tỉnh Hòa Bình do ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn đã khảo sát, nắm tình triển khai thực hiện Đề án tại hai huyện Yên Thủy và Tân Lạc.
Tham gia đoàn công tác có bà Đinh Thị Thảo, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình. Đoàn công tác đã khảo sát, nắm tình triển khai thực hiện Đề án 61 tại huyện Yên Thủy.
Trong 3 năm (2021 - 2024), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Thuỷ, việc triển khai, thực hiện Kết luận số 61-KL/TW về Đề án "Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020” và Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn huyện Yên Thủy đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể, sự đồng thuận trong nhân dân.
Đồng thời, tạo được chuyển biến tích cực về nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong việc tham gia, phối hợp thực hiện các chương trình, dự án. Huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Qua 3 năm triển khai thực hiện Đề án 61, các cấp Hội Nông dân huyện Yên Thủy đã phối hợp tổ chức 60 lớp tập huấn, hội thảo cho trên 3.100 lượt hội viên tham gia. Đến nay, huyện đã xây dựng được 21 sản phẩm OCOP; 5 sản phẩm được công nhận nhãn hiệu tập thể. Có 4 cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; 9 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart; giới thiệu và xuất khẩu bưởi Diễn sang thị trường Mỹ, Anh quốc. Hỗ trợ thành lập mới 29 mô hình kinh tế tập thể, trong đó có 1 hợp tác xã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận là hợp tác xã điển hình toàn quốc. Toàn huyện thành lập mới 23 chi Hội Nông dân nghề nghiệp, 40 tổ hội nghề nghiệp...
Tại huyện Tân Lạc, trong 3 năm (2021 - 2024) triển khai thực hiện Kết luận số 61-KL/TW, Đề án số 01-ĐA/TU, Chương trình hành động số 25-CTr/TU, đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể, sự đồng thuận trong Nhân dân.
Phát huy vai trò chủ động, vận dụng sáng tạo của Ban Chỉ đạo Đề án 61 huyện, góp phần tạo được chuyển biến tích cực về nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong việc tham gia, phối hợp thực hiện các chương trình, dự án huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gắn với chương trình mục tiêu Quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, niềm tin của nông dân và Nhân dân với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố và nâng cao.
Vai trò, trách nhiệm của Hội nông dân các cấp, vai trò chủ thể, nòng cốt của cán bộ, hội viên nông dân trong tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân ở địa phương ngày càng được nâng lên, các phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh, góp phần ổn định, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Hiệu quả hoạt động Hội Nông dân nâng lên
Sau 3 năm thực hiện Đề án 61, đến nay, nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân tăng từ 1,26 tỷ đồng lên 6,1 tỷ đồng. Hội nông dân huyện còn nhận ủy thác từ Ngân hàng NN&PTNT, Liên Việt và NHCSXH số tiền trên 440 tỷ đồng, tín chấp cho nông dân vay vốn thúc đẩy phát triển sản xuất. Việc sử dụng nguồn vốn vay đối với hội viên nông dân đạt hiệu quả thiết thực, giúp nông dân có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Bên cạnh đó, hỗ trợ các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực của địa phương và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi thông qua hội chợ, xúc tiến thương mại, các sàn giao dịch trong và ngoài tỉnh. Trong 3 năm, đã hỗ trợ xây dựng 6 nhà mái ấm nông dân, với tổng số tiền 300 triệu đồng.
Công tác giảm nghèo và an sinh xã hội được cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở quan tâm chỉ đạo thực hiện, triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo bền vững, lồng ghép với các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện được đẩy mạnh, tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 9,4% giảm 1,14% so với năm 2020; thu nhập bình quân đạt 39,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế đạt 89,9%, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,6%...
Tại buổi khảo sát, ông Đinh Công Sứ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 61 đề nghị Ban Chỉ đạo 61 huyện Tân Lạc và huyện Yên Thủy tiếp thu các ý kiến đóng góp tại buổi khảo sát để việc thực hiện Đề án thời gian tới đạt hiệu quả.
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo 61 huyện Tân Lạc và huyện Yên Thủy tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; quan tâm củng cố, xây dựng Hội Nông dân các cấp, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ hội có bản lĩnh chính trị vững vàng; tăng cường công tác đào tạo nâng cao trình độ cho nông dân và tổ chức hội các cấp; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát quản lý việc sử dụng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, vốn ủy thác; kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào sản xuất - kinh doanh giỏi...; có những giải pháp cụ thể giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 61...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.