Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ Hòa Bình là chị Nguyễn Thị Bảy (SN 1969) – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Lương Phú, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc. Chị đã chiến thắng bệnh "hiểm nghèo" trở thành chỗ dựa cho nông dân
Vượt qua căn bệnh "hiểm nghèo", bà Bảy đã trở thành chỗ dựa, giúp những người nông dân trên địa bàn tỉnh có thu nhập ổn định.
Nữ Giám đốc với nghị lực "phi thường"
Vượt gần 40km giữa cái nắng gắt của ngày rằm tháng 7 âm lịch để có mặt HTX dịch vụ nông nghiệp Lương Phú, chúng tôi bắt gặp bà Bảy đang thái cây thuốc, hỏi ra mới biết đó là "cây thuốc để hỗ trợ điều trị bệnh ung thư".
Qua câu chuyện, chúng tôi mới thấy rõ được nghị lực "phi thường" của bà Bảy - nữ giám đốc tận tâm với những người nông dân.
Sinh ra trên mảnh đất xứ Mường, từ nhỏ bà Bảy cũng đã có sở thích đan lát và thêu thùa. Năm 1996, khi HTX chưa thành lập, bà Bảy đã tìm hiểu về nghề mây tre đan. Sau đó, bà Bảy tham gia lớp đào tạo nghề đan lát do Hội Cựu chiến binh huyện Tân Lạc tổ chức.
Sau lớp đào tạo, do có năng khiếu về nghề mây tre đan nên bà đã được Hội Cựu chiến binh huyện chọn để dạy nghề cho các lớp trên địa bàn huyện. Sau những lần đi dạy nghề cho người dân, bà Bảy đam mê với nghề đan lát lúc nào không hay, bà muốn đi các nơi để học hỏi, nâng cao tay nghề rồi về truyền dạy cho người dân.
Khoảng năm 1998-1999, bà Bảy quyết định về Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội) để học nghề. Vốn có năng khiếu với nghề nên bà Bảy học rất nhanh. Sau vọn vẻn 3 tháng, bà đã làm thạo mọi công việc và nắm được hết cách làm các mẫu sản phẩm tại đây.
Lúc này, bà Bảy về quê tập hợp các chị em phụ nữ trong những ngày nông nhàn để truyền nghề, rồi lấy nguyên liệu từ chỗ học để mang về xứ Mường cho chị em gia công. Nhờ vậy, tranh thủ lúc nông nhàn, chị em cũng kiếm được đồng ra, đồng vào. Nhiều chị em không phải xa gia đình để kiếm sống.
Công việc của chị em là đan lát sản phẩm, còn bà Bảy cùng con trai lặn lội ngược xuôi trả hàng cho đối tác. Sau những lần như vậy, bà Bảy cũng dần rút ra được những kinh nghiệm quý báu.
Bà cho rằng, muốn nghề đan mây phát triển mạnh không thể đi làm gia công mãi. Năm 2013, bà Bảy thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp Lương Phú, lúc này có 13 hộ gia đình tham gia.
HTX đi vào hoạt động, gần 1 năm trời, bà Bảy dành thời gian để đi tìm hiểu thị trường. Trong nhà còn duy nhất 2 chiếc xe tay ga, bà cũng đem bán nốt để làm chi phí đi lại, chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm mối hàng.
"Nghề đan lát đã mất nhiều công, việc giao hàng, trả hàng còn phức tạp hơn nhiều. Hàng lỗi, hàng hỏng, hàng chưa đạt chất lượng... không ít chuyến hàng HTX phải bù lỗ để trả công cho chị em. Khó khăn, vất vả cực nhọc là vậy, nhưng nhìn chị em có việc làm, thu nhập ổn định, bao mệt mỏi trong tôi lại tan biến", bà Bảy tâm sự.
Mãi đến năm 2020, tại một buổi gặp mặt các doanh nghiệp phía Bắc do Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình tổ chức, bà Bảy may mắn gặp và trao đổi với một công ty chuyên làm về hàng cỏ gianh ở Hà Nội.
Sau chuẩn bị vùng nguyên liệu, HTX đã bắt tay liên kết với công ty. HTX của bà Bảy có trách nhiệm đào tạo nghề và thu mua toàn bộ sản phẩm mà chị em nơi đây làm ra, để cung ứng cho đối tác ở Hà Nội. Từ khi chuyển sang làm các sản phẩm cỏ gianh, thu nhập của chị em nâng lên rõ rệt và ổn định hơn trước do chủ động được nguyên liệu và đầu ra.
Thời điểm này, khi HTX bắt đầu đi vào hoạt động ổn định, biến cố bỗng đổ ập tới gia đình bà. Người chồng bao năm kề vai sát cánh với bà bệnh nặng qua đời.
Nỗi đau mất người thân chưa kịp nguôi, khoảng 2 tháng sau, bà Bảy phát hiện mình bị ung thư vú… Sau đợt phẫu thuật, bà phải trị xạ nhiều lần, cơ thể bà suy kiệt… Cánh cửa cuộc đời khi đó như đóng sập trước mắt bà.
Có lẽ niềm hy vọng cuối cùng của bà khi đó chỉ còn lại là nghị lực sống. Thay vì suy sụp, bà tự động viên mình phải sống và sẽ sống khỏe bởi ngoài mình còn có hàng trăm chị em đang trông chờ vào mình. Nếu bà từ bỏ chị em sẽ như thế nào. Bất chấp cơn đau hành hạ, bà tìm đến công việc đan lát. Bà vẫn lo liên hệ với các mối hàng nhằm duy trì công việc cho bà em phụ nữ nơi đây.
Ngày nối ngày trôi qua, công việc của HTX ngày một nhiều hơn, bà Bảy cũng vất vả trăm đường. Chính niềm say mê công việc đã giúp bà quên đi những ngày cận kề với cái chết. Sức sống mãnh liệt và tinh thần lạc quan đã kéo bà trở lại cuộc đời. Sức khỏe của bà dần hồi phục, tóc mọc lại.
"Sau 4 năm chiến đấu giành giật sự sống, tôi đã dần được bình phục. Giờ tôi đã đi đến khắp nơi để truyền nghề và giúp bà em phụ nữ học nghề. Nếu không có niềm đam mê và tâm huyết với công việc và bà con, chắc tôi không vượt qua được chặng đường gian khó vừa qua" - bà Bảy nhớ lại.
Suốt mấy năm qua, mặc dù phải đương đầu với căn bệnh "hiểm nghèo", nhưng bà Bảy đã giúp hàng trăm hộ gia đình ở các huyện Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu, Lạc Sơn… của tỉnh Hòa Bình có việc làm và thu nhập ổn định từ 3 - 6 triệu đồng/tháng. Từ đầu năm đến nay, HTX đạt doanh thu trên 2 tỷ đồng.
Sau khi nghề đan lát giúp những người dân có được thu nhập ổn định, trong suy nghĩ của bà Bảy vẫn luôn đau đáu làm thế nào để giúp những người nông dân có thể nâng cao thu nhập hơn nữa. Một lần tình cờ bà Bảy vào thăm người chị ở Ninh Thuận, vô tình thấy người dân trong đấy trồng nha đam. Họ bán với giá 800 đồng/kg nhưng vẫn cho thu nhập ổn định.
Sau chuyến đi ấy, bà Bảy ngày đêm lên mạng nghiên cứu và tìm hiểu về cây nha đam. Khi bắt đầu lên ý tưởng trồng cây Nha đam, bà Bảy đã bị nhiều người khuyên can, lo sợ bà sẽ thất bại vì cây nha đam chưa được đưa vào trồng tại tỉnh Hòa Bình.
Hơn nữa, bà Bảy vừa vực dậy sau căn bệnh "hiểm nghèo", nếu thất bại sẽ là "cú sốc" lớn khiến bà suy sụp không còn nghị lực để chống chọi với căn bệnh.
Dù vậy, bà Bảy vẫn không mảy may lay động quyết tâm của mình, cuối năm 2022, HTX của bà Bảy đã liên kết với Công ty CP BioBee Việt Pháp đưa cây nha đam vào trồng tại mảnh đất xứ Mường.
Bà Bảy cho biết, hiện nay, cây nha đam đang được HTX triển khai trồng cây nha đam với diện tích hơn 25ha với gần 100 hộ tham gia ở các huyện Kim Bôi, Tân Lạc, Mai Châu, Lạc Sơn, Kỳ Sơn, trong đó nhiều nhất hai huyện Tân Lạc và Kim Bôi.
Theo bà Bảy, cây nha đam rất dễ trồng và ít bị bệnh. Một ha có thể trồng 5 vạn cây. Cây nha đam ưa ẩm nhưng không ưa úng, thích hợp với đất đồi có độ dốc vừa phải. Chỗ đất úng nước cây không phát triển và có thể chết, nếu thời tiết quá nóng lá hay bị thối. Nếu chăm sóc tốt thì sau 10 tháng sẽ cho thu hoạch, bình thường thì 1 năm. Đây là loại cây trồng 1 lần thu hoạch được nhiều năm, mỗi tháng thu hoạch 1 lứa nếu chăm tốt. Một năm có thể thu hoạch 6-8 lứa.
Khi cây nha đam cho thu hoạch, từ 2 -3 lứa đầu tiên sản lượng không đáng kể vì lúc này chỉ tỉa để dọn vườn. Tính từ lứa thứ 4 trở đi, mỗi lứa sẽ thu được 50-60 tấn bẹ/ha. Với giá cố định hiện HTX đang thu mua là 2.000 đồng/kg bẹ, mỗi lứa có thể thu được trên dưới 100 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí có thể thu về được 50-60 triệu đồng.
"Hiện, đầu ra cây nha đam đang rất ổn định, HTX đang liên kết với các đơn vị có nhà máy ở Hải Dương. Nhiều hộ trồng cây nha đam có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm", bà Bảy cho hay.
Bà Bảy cũng cho biết thêm, ngoài trồng nha đam, hiện nay HTX đang trồng 20ha khoai lang và đang có 5 ha khoai lang cho thu hoạch.
Không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nông dân trên địa bàn tỉnh, giúp người dân phát triển mô hình kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bà Bảy còn hỗ trợ về vốn cho nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tham gia ủng hộ các hoạt động xã hội, từ thiện trên địa bàn. Năm 2023, bà Nguyễn Thị Bảy đã được Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2021-2023. Năm 2024, HTX dịch vụ nông nghiệp Lương Phú đã được Chủ tịch liên minh HTX tỉnh Hòa Bình tặng giấy khen vì đã có thành tích trong phát triển kinh tế tập thể, HTX năm 2023.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.