Đồng bào Cor đang vui mùa lúa rẫy được mùa.
Những ngày này, bản làng người Cor ở huyện vùng cao Tây Trà, Trà Bồng đang vui mùa thu hoạch lúa rẫy. Những ruộng lúa nương vàng ươm sáng rực khắp núi rừng.
Vào rẫy từ sáng sớm đến khi mặt trời đứng bóng trên đỉnh núi, mế Hồ Thị Xênh ở thôn Trà Linh, xã Trà Lãnh trên vai nặng trĩu gùi lúa về nhà.
Chỉ tay về phía đỉnh núi sau nhà, mế Xênh khề khà nói: “Năm nay, mưa nhiều nên lúa rẫy tốt lắm, hạt to phải biết. Nhà miềng (mình - pv) tỉa 3 mủng lúa, đã tuốt được 7 gùi, còn trên đó cũng được mấy chục gùi nữa. Mùa này no cái bụng”.
Chúng tôi theo chân anh Hồ Văn Quang, hàng xóm của mế Xênh đi bộ cắt rừng 30 phút đến rẫy lúa của gia đình ở ngọn núi cheo leo sau nhà. Đập vào mắt chúng tôi là những ruộng lúa rẫy cao đến khuất đầu người vàng óng, trĩu hạt, no tròn đong đưa theo gió nối liền nhau trên sườn núi lởm chởm đá.
Xen lẫn trong ruộng lúa rẫy, anh Quang còn trồng thêm cây bắp, cây mì, cây mè, chuối để đa dạng nguồn lượng thực cho gia đình. Nhà anh Quang ở địa điểm núi đá cao nên không có ruộng làm lúa nước, 6 miệng ăn đều nhờ vào lúa rẫy.
Những hạt lúa no tròn.
“Lúa rẫy từ lúc tỉa đến khi thu hoạch chỉ làm cỏ, không bón phân. Một năm gieo hai vụ, vụ này được mùa to, miềng bắt đầu tuốt những bông lúa chín tới từ ba ngày trước, được 5 quăng rồi” - anh Quang tay thoăn thoắt tuốt lúa phấn khởi nói.
Cũng như người Hrê, người Ca Dong, lâu nay người Cor vẫn giữ nghề trồng lúa rẫy truyền thống trên lưng chừng đồi, núi dốc. Hằng năm, bắt đầu từ tháng ba âm lịch trở đi, đồng bào Cor lại đốt diện tích nương không trồng các loại cây trồng khác để tỉa lúa, đàn ông đi trước chọc lỗ, đàn bà đi sau bỏ hạt rồi lấp lại.
Theo già Hồ Văn Sơn ở thôn Trà Dinh, xã Trà Lãnh, trước khi tỉa lúa rẫy, đồng bào làm lễ cúng để cầu xin thần linh ban cho mùa màng tốt tươi, con chim, con chuột không phá hoại cây lúa của dân làng.
Đến khi lúa chín chuyển màu vàng trên nương, báo hiệu mùa vàng đã đến, bà con tuốt vài nắm về giã gạo nấu cơm, chọn ngày “đẹp” làm lễ cúng mừng lúa mới mời hàng xóm làng giềng đến chung vui bữa cơm đầu mùa rồi mới tuốt lúa đại trà. Lễ cúng mừng lúa mới cũng là để cảm ơn thần lúa đã mang tới cho đồng bào mùa màng tốt tươi, có bát cơm đầy.
Tuy đã biết làm lúa nước, nhưng do diện tích ít nên bà con vẫn giữ cách tỉa lúa nương. Năm nay lúa rẫy được mùa, mọi người vui mừng. Giống lúa rẫy mà người Cor sử dụng được lưu truyền từ nhiều đời nay, không lai tạp như giống lúa nước. Thời gian sinh trưởng của từng loại giống khác nhau, từ 3,5 đến 6 tháng.
Cây lúa trồng trên vách núi chênh vênh, không cần nước thủy lợi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mà “phó mặc” cho trời. Những hạt lúa gửi vào lòng đất vươn mầm xanh cùng đất trời nhờ hút dưỡng chất của đất, ngậm hạt sương sa của trời, “tắm” nước từ những cơn mưa rừng.
Giã lúa bằng cối đá.
Khi lúa trên rẫy bắt đầu trổ bông, thường bà con sẽ làm chòi để canh giữ, xua đuổi chuột, chim, heo rừng phá hoại lúa. Đến khi thu hoạch, mọi người mang gùi trước bụng, dùng tay chọn tuốt những bông lúa chín bỏ vào gùi, giữ lại những bông lúa còn xanh. Họ không dùng liềm để cắt vì quan niệm rằng sẽ làm đau bông lúa.
Họ không quên chọn ra những hạt lúa khỏe mạnh nhất cất giữ làm giống cho mùa sau. Phụ nữ trong làng mang lúa ra phơi, lấy cối đá giã, rồi đổ ra nia sảy để lộ ra những hạt gạo có màu tím tím. Lúa rẫy nấu chín nở to, có màu tím, dẻo, mùi thơm ngát đặc trưng của sản vật núi rừng làm ấm bụng đồng bào.
A. Kiều (Báo Quảng Ngãi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.