Phó Thủ tướng ghi nhận việc đấu thầu thuốc quốc gia thời gian qua của Bộ Y tế đã tiết kiệm hơn 470 tỷ đồng. Nếu mở rộng đấu thầu ở nhiều biệt dược khác có thể sẽ tiết kiệm được nhiều tiền hơn.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Giá thuốc không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề nhân đạo. Việt Nam người nghèo, người có thu nhập trung bình còn rất nhiều. Chúng ta cứ nói, giá thuốc Việt Nam thấp hơn giá thuốc nhiều nước trên thế giới nhưng thu nhập của chúng ta có cao hoặc bằng thu nhập các nước đó hay không? Do đó, để tiết kiệm tiền túi của người dân, giảm chi ngân sách nhà nước, Bộ Y tế cần nghiên cứu để mở rộng đấu thầu thuốc để giảm giá thành, tiền tới đấu thầu cả trang thiết bị y tế nữa. Một cái kim tiêm chỉ vài chục đồng, nhưng số lượng sử dụng hàng triệu cái, nếu đấu thầu giúp tiết kiệm được vài đồng một kim tiêm thì cả năm cũng lên tới vài tỷ thậm chí vài chục tỷ đồng ngân sách”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc chiều 9.4. Ảnh: T.D.
Theo báo cáo, Bộ Y tế đã hoàn thành đấu thầu tập trung 5 hoạt chất với 22 thuốc (5 thuốc biệt dược, 17 thuốc generic) để cung cấp cho các cơ sở y tế trên toàn quốc trong 2 năm 2018 -2019. Đây là thuốc có tỷ trọng sử dụng lớn về giá trị, số lượng. Tổng giá kế hoạch của các gói thầu là 2.746 tỷ đồng (xây dựng dựa trên việc tham khảo giá thuốc trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các cơ sở y tế), giá trúng thầu là 2.269 tỷ đồng, giảm được 477 tỷ đồng (Cụ thể, giảm khoảng 17,37% so với giá kế hoạch. Trong đó, biệt dược giảm 114,3 tỷ đồng, khoảng 6,9%, thuốc generic giảm 362,7 tỷ đồng, khoảng 33%).
Mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia: thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá ngày 23.3.2018, Bộ Y tế đã khẩn trương xem xét, quyết định 30 thuốc có số lượng sử dụng lớn để đấu thầu tập trung năm 2018. Khẩn trương sửa Thông tư 09 để mở rộng danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, cấp địa phương để tổ chức đấu thầu trong năm 2018.
Theo kế hoạch, Bộ Y tế đã giao cho Trung tâm mua sắm thuốc tập trung đấu thầu đối với các thuốc sử dụng trong chương trình mục tiêu Y tế - Dân số. Các bên liên quan sớm hoàn thành đàm phán giá 8 thuốc biệt dược gốc sử dụng nhiều (đã thẩm định Kế hoạch đàm phán giá, gồm 8 mặt hàng, giá kế hoạch dự kiến là 2.866 tỷ đồng). Sau khi có kết quả sẽ mở rộng thêm khoảng 25 biệt dược gốc.
Ngoài ra, các đơn vị triển khai đàm phán giá đối với 139 thuốc biệt dược gốc hết bản quyền đã có nhiều thuốc generic thay thế. Trường hợp các thuốc này đàm phán giá không thành công sẽ thực hiện đấu thầu rộng rãi với thuốc nhóm 1.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.