Hiến tạng: Quà tặng của những tấm lòng

Diệu Linh Thứ ba, ngày 10/04/2018 10:00 AM (GMT+7)
Từ sau khi cô bé Hải An 7 tuổi bị mất vì ung thư nhưng trước khi mất vẫn dũng cảm lựa chọn hiến tạng để cứu người khác, hàng ngàn người đã đi đăng ký hiến tạng nếu không may qua đời. Tuy nhiên, hiểu lầm xung quanh việc hiến tạng là không ít.
Bình luận 0

Mẹ con cùng nhau hiến tạng

Tôi gặp hai mẹ con bà Nguyễn Thị Hồng (58 tuổi, trú tại Phúc La, Hà Đông, Hà Nội) tại Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép các bộ phận cơ thể người (nằm trong Bệnh viện Việt Đức - 16 Phủ Doãn, Hà Nội) khi cả hai đang hớn hở chờ lấy thẻ ghi nhận đăng ký hiến mô tạng. Bà Hồng cho biết, bà là cán bộ về hưu, là một phật tử tu tại gia. Không chỉ đăng ký hiến tạng khi chết não mà khi mất bà Hồng cũng muốn hiến toàn bộ cơ thể cho y học. Con gái bà Hồng năm nay 27 tuổi cũng vui vẻ đăng ký hiến tạng cùng mẹ.

“Nhiều người Việt Nam vẫn có suy nghĩ là phải chết toàn thây, phải được chôn cất mồ yên mả đẹp, nhưng cô lại không nghĩ vậy. Mất đi là không mang theo gì cả, cát bụi lại trở về với cát bụi. Nếu có thể làm được điều gì tốt cho đời thì nên làm. Khi con người ta mất đi, thân xác sẽ hóa thành hư không, chỉ có tinh thần, tấm lòng, tình yêu là tồn tại mãi” - bà Hồng chia sẻ.

img

Một bệnh nhân được ghép tim từ người cho chết não tại Bệnh viện Việt Đức. ảnh: Diệu Linh

Bà Hồng cũng khẳng định tâm lý “đăng ký hiến tạng khi đang sống khỏe mạnh là trù ẻo mình” là hoàn toàn sai lầm. Vì đăng ký hiến tạng là một đằng, còn hiến được hay không lại là việc khác.    

“Mới phát tấm lòng thôi, còn có cơ hội hiến tạng được hay không còn phải tùy duyên phận. Duyên phận với cuộc đời và duyên phận giữa người cho và người nhận. Nhưng trước hết vẫn cần phải có tấm lòng đã. Và tôi cũng mong những người chẳng may có người thân chết não có thể suy nghĩ thoáng hơn, để hiến tạng của người thân, cứu giúp cho nhiều cuộc đời khác” – bà nói.

Mẹ con bà Hồng không phải là mẹ con duy nhất dẫn nhau lên trung tâm xin hiến tạng. Chị Nguyễn Phượng Hoàng – cán bộ trung tâm chia sẻ, cuối tháng 3, một người mẹ đã đưa con đến đăng ký hiến tạng sau khi mất. Người mẹ mang theo… giấy khai sinh của con vì con gái chị mới 11 tuổi. Chị bảo chị và con đã nói chuyện rất cụ thể về vấn đề này và con gái hoàn toàn đồng ý nếu có thể bày tỏ tấm lòng mình. “Khi tôi hỏi, cháu có sợ không, có suy nghĩ gì thì cô bé rất thản nhiên: “Đây là việc làm hết sức bình thường, không có gì đáng nói cả”. Thật là một cô bé chín chắn, suy nghĩ tiến bộ” – chị Hoàng cho biết.

Trước đó, cuối năm 2017, ông Đặng Hoàng Giang (44 tuổi, trú tại Hà Nội) đã cùng vợ là bà Vũ Chi Mai, 44 tuổi và hai con gái Mai Chi 17 tuổi, Mai An 11 tuổi cùng đến trung tâm hiến tạng. Ông Giang cho biết cả gia đình đều hiểu và tự nguyện đăng ký hiến tạng. “Tôi chia sẻ với các con rằng, chết là một phần của cuộc sống, chúng ta không thể chạy trốn nó, nhưng chúng ta có thể lựa chọn cách chết có ý nghĩa nhất. Và hiến tạng là một việc làm tốt đẹp nên thực hiện sau khi chết” – ông Giang chia sẻ.

Dọa tự tử để xin được... hiến tạng

Hiện nay mỗi năm Việt Nam có khoảng 10.000 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó có khoảng vài ngàn người chết não. Từ năm 2005 đến nay, mới có 54 người chết não hiến tạng. Nhờ 54 người chết não hiến tạng, 196 người khác đã được cứu sống nhờ được ghép tim, phổi, gan, thận… Nếu các nước trên thế giới, 90% các ca ghép tạng được lấy tạng từ người cho chết não thì ở Việt Nam, 90% các ca ghép là lấy tạng từ người sống mà chủ yếu là ghép thận”. 
GS-TS Trịnh Hồng Sơn – Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.
 

Ông Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép các bộ phận cơ thể người cho biết, về giá trị, thẻ ghi nhận đăng ký hiến mô tạng rất ít có cơ hội được sử dụng, thậm chí không ai mong muốn nó có cơ hội được sử dụng. Vì điều kiện lấy mô tạng là sau khi người hiến chết hoặc chết não. Những người chết không đúng cách, đúng lúc, chết già, chết bệnh đều có ít cơ hội hiến tạng. Tuy nhiên, đây là sự lan tỏa những suy nghĩ tích cực trong cộng đồng. Để nếu chẳng may người hiến hoặc người nhà người hiến bị tai nạn chết não sẽ đồng ý hiến tạng cứu sống người bị suy tạng, sắp chết. Ngoài ra, nhiều người chết có thể hiến giác mạc để đem lại ánh sáng cho hàng trăm người đang phải sống khổ sở trong bóng tối.

Có rất nhiều câu chuyện hiến tạng đã khiến hàng triệu con tim rung động và nhiều lòng tốt đã được đánh thức. Vào tháng 2.2018, cô bé Hải An 7 tuổi (Hà Nội) bị ung thư khó qua khỏi đã có nguyện vọng hiến tạng cứu người. Em mất nhưng giác mạc của em đã đem lại ánh sáng cho 2 người khác. Ông Phúc cho biết, sau câu chuyện bé Hải An, tổng cộng có gần 1.000 người đăng ký hiến tạng (trên tổng số 1.200 người hiến từ đầu năm đến nay).

Nhưng cũng có rất nhiều người năn nỉ xin được hiến tạng mà không đủ điều kiện. Chị Hoàng chia sẻ, có bà cụ đã hơn 80 tuổi, đăng ký kiến tạng cách đây 3 năm. Hôm trước, cụ đến trung tâm và cứ năn nỉ xin được hiến tạng vì “đợi đến khi tôi chết thì lâu quá, tôi sợ tạng tôi hỏng mất. Bây giờ tôi đang minh mẫn, khỏe mạnh”. Thậm chí, cụ còn bảo cụ sẽ ký đơn cam đoan không kiện trung tâm nếu lấy tạng của cụ khi cụ vẫn còn sống. “Nghe cụ nói vừa buồn cười, vừa cảm động” – chị Hoàng nói.

Có ông hơn 60 tuổi, còn khỏe mạnh đến yêu cầu: “Tôi muốn được hiến tạng nhưng chờ lâu quá, không biết chết lúc nào. Trung tâm bố trí cho tôi một chỗ ở để tôi có vấn đề gì thì lấy tạng luôn. Chứ tôi ở xa lấy sao kịp”. Còn có cả trường hợp gọi điện đến chia sẻ chị bị liệt, muốn hiến tạng luôn chứ sống đau khổ quá. “Nghe thật xót xa nhưng chúng tôi cũng không giúp được” – chị Hoàng ngậm ngùi.

Một ông cụ 75 tuổi chỉ còn có 1 bên mắt nhưng lại đến xin hiến… giác mạc. Cụ nói cụ nhìn thế đủ rồi và hiện mắt cụ còn đang tốt lắm, cụ vừa đi khám mắt xong và cụ muốn nhường lại ánh sáng cho người khác. Còn một cụ cũng hơn 70 tuổi sau khi nằng nặc đòi hiến tạng không được đã khiến nhân viên trung tâm một phen hốt hoảng khi tuyên bố: “Tôi về nhà tự tử. Trước khi tự tử tôi sẽ gọi điện cho các cô chú đến lấy tạng ghép cho người khác nhé”.

Sau khi được giải thích rằng đừng biến nghĩa cử cao đẹp của mình thành nỗi buồn, thành tội lỗi, các cụ đã nghĩ thông suốt, tuy nhiên vẫn ấm ức vì không có cơ hội hiến tạng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem