Ủy viên BCH Hội NDVN khóa VII Nguyễn Đức Hải: Phối hợp thực hiện hiệu quả ủy thác vốn tín dụng chính sách

Thu Hà (thực hiện) Thứ bảy, ngày 23/12/2023 09:15 AM (GMT+7)
Với vai trò là tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của giai cấp nông dân, trong những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam từ Trung ương tới cơ sở đã luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện hiệu quả công tác ủy thác vốn vay tín dụng chính sách xã hội.
Bình luận 0

Đó là nhấn mạnh của ông Nguyễn Đức Hải – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội và cũng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân khóa VII về những hoạt động trong công tác phối hợp ủy thác vốn vay tín dụng chính sách giữa Ngân hàng Chính sách xã hội với các cấp Hội Nông dân Việt Nam.

Tham gia Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân khóa VII, nhiệm kỳ 2018 – 2023, ông có đánh giá như thế nào về hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong nhiệm kỳ vừa qua?

- Trong nhiệm kỳ vừa qua, tôi đánh giá cao hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã có những đổi mới, hoạt động cụ thể, thiết thực và hiệu quả. Các phong trào thi đua do Hội phát động được lan tỏa sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực, đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong công tác ủy thác vốn vay với Ngân hàng Chính sách xã hội - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Hải - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội

Một trong những hoạt động đem lại hiệu quả thiết thực là các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ cho nông dân phát triển kinh tế. Đặc biệt là hoạt động hỗ trợ vốn cho nông dân đã được các cấp Hội triển khai mạnh mẽ. 

Trong đó, Hội Nông dân đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính xã hội tích cực triển khai tín dụng chính sách xã hội, đem lại nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Xin ông chia sẻ rõ hơn về những kết quả đạt được trong công tác phối hợp giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và Hội Nông dân Việt Nam trong triển khai tín dụng chính sách xã hội thời gian qua?

- Trong quá trình triển khai tín dụng chính sách xã hội, một trong những bài học kinh nghiệm, tạo nên thành công, đó là việc xây dựng, duy trì và thường xuyên củng cố, nâng cao hiệu quả phương thức quản lý tín dụng đặc thù, cách thức hoạt động nghiệp vụ sáng tạo. Trong đó, Ngân hàng CSXH triển khai phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có Hội Nông dân Việt Nam.

Với vai trò là tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của giai cấp nông dân, trong những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam từ Trung ương tới cơ sở đã luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội; xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp phù hợp, thực hiện ngày một hiệu quả các nội dung công việc ủy thác.

Cụ thể, Hội Nông dân các cấp đã làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền chính sách tín dụng ưu đãi đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là hộ nghèo, đối tượng chính sách; hướng dẫn thành lập và quản lý trên 51.000 Tổ TK&VV; giám sát chặt chẽ việc bình xét công khai đối tượng có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn tại cơ sở; hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng vốn vay, đôn đốc người vay trả nợ đầy đủ, đúng hạn, tích cực thực hành tiết kiệm theo Quy ước hoạt động của Tổ...

Bên cạnh đó, Hội Nông dân cũng thường xuyên chú trọng tới công tác tập huấn, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện nghiệp vụ ủy thác cho cán bộ Hội các cấp, Ban quản lý Tổ TKVV; đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật , góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay của hội viên nông dân, từ đó góp phần củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội.

Cùng với các tổ chức chính trị - xã hội, trong thời gian qua, hoạt động ủy thác của Hội Nông dân không ngừng mở rộng về quy mô. Đến nay, dư nợ tín dụng chính sách xã hội ủy thác qua Hội Nông dân Việt Nam đạt trên 97.000 tỷ đồng, chiếm 30%/tổng dư nợ các tổ chức chính trị - xã hội tham gia quản lý, bình quân tăng trưởng trong nhiệm kỳ Đại hội đạt 9,5%/năm. Chất lượng tín dụng không ngừng cải thiện, nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn giảm từ 0,38% đầu nhiệm kỳ xuống còn 0,2%, góp phần cùng Ngân hàng Chính sách xã hội đảm bảo mục tiêu bảo toàn và phát triển vốn cho Nhà nước.

Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong công tác ủy thác vốn vay với Ngân hàng Chính sách xã hội - Ảnh 2.

Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Đức Hải kiểm tra mô hình trồng bưởi của nông dân vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: VBSP

Theo ông, vai trò của các cấp Hội Nông dân được thể hiện như thế nào trong việc phối hợp, tổ chức các hoạt động ủy thác vốn vay tín dụng chính sách, hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển sản xuất kinh doanh?

- Chúng tôi đánh giá rất cao hoạt động ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội nói chung, Hội Nông dân nói riêng với quy trình, thủ tục chặt chẽ, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và khả năng quản lý của mỗi bên đã phát huy được những điểm mạnh của Hội.

Hội Nông dân có mạng lưới, cán bộ ở tất cả các xã, đặc biệt có chi hội hoạt động ở thôn/bản/ấp, gần dân, sát dân, giàu kinh nghiệm trong công tác xã hội, thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho hội viên, đặc biệt là hội viên nghèo, đối tượng chính sách. Vì vậy, đã huy động được sức mạnh tổng hợp với sự tham gia của hàng vạn cán bộ Hội Nông dân từ Trung ương đến cơ sở cùng phối hợp để triển khai tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng nhất, với quy mô rộng lớn nhất, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng.

Thông qua hoạt động ủy thác, Hội Nông dân các cấp đã tuyên truyền sâu rộng, làm thay đổi nhận thức trong cộng đồng. Người dân nghèo khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã mạnh dạn thay đổi suy nghĩ, cách làm; chủ động tiếp cận vốn tín dụng để đầu tư sản xuất, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống. Hội viên nông dân nghèo, từ tâm thế "bị động" nay chủ động trở thành chủ thể chính trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Các cấp Hội Nông dân, thông qua hoạt động ủy thác, có điều kiện thực hiện tốt hơn việc lồng ghép chương trình tín dụng chính sách với phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Thông qua hoạt động ủy thác vốn vay, giúp cán bộ hội nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, quản lý tài chính, tín dụng. Đồng thời, giúp Hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, phát huy vai trò, nhiệm vụ là trung tâm nòng cốt cho phong trào nông dân, xây dựng giai cấp nông dân xứng đáng là chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Ngược lại, hoạt động ủy thác thông qua tổ chức chính trị - xã hội góp phần giúp Ngân hàng Chính sách xã hội tiết giảm chi phí quản lý, công tác quản lý nợ, hướng dẫn sử dụng vốn, đôn đốc thu hồi nợ và thực hành tiết kiệm được thực hiện tốt hơn.

Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong công tác ủy thác vốn vay với Ngân hàng Chính sách xã hội - Ảnh 3.

Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn thăm mô hình vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: VBSP

Phát huy những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ có những định hướng, giải pháp nào trong việc phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam để thực hiện hiệu quả việc đưa vốn tín dụng chính sách đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác?

- Trong thời gian tới, trước yêu cầu phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, vấn đề đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân, nhất là các hoạt động dịch vụ hỗ trợ vốn, trong đó có hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đòi hỏi được sự quan tâm hơn nữa của các cấp Hội và Ngân hàng Chính sách xã hội.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII Hội Nông dân Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội và Hội Nông dân các cấp cần tiếp tục phối hợp thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục phối hợp, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành ở trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện hiệu quả hơn Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030.

Đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền tập trung bố trí đủ nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung kịp thời cơ chế chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và các Chương trình mục tiêu Quốc gia trong từng thời kỳ, tạo điều kiện để các đối tượng thụ hưởng chính sách, trong đó có hội viên nông dân, được tiếp cận ngày một nhiều hơn, thuận lợi hơn nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội và các dịch vụ tài chính, ngân hàng.

Hai là, đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến hội viên và các tầng lớp nhân dân. Động viên, khích lệ, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, ý thức trách nhiệm của người nghèo, tạo điều kiện thuận lợi để hội viên nông dân, nhất là hộ nghèo, đối tượng chính sách thêm tự tin, khát vọng vươn lên, mạnh dạn vay vốn; thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Vận động để hội viên nông dân thấy rõ vai trò chủ thể của mình trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng nền "nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại".

Ba là, tiếp tục thực hiện các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, hoạt động Tổ TK&VV, hoạt động giao dịch xã phù hợp với yêu cầu trong giai đoạn mới nhằm xây dựng kênh dẫn vốn nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả đến các đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội, nhất là trong điều kiện nền kinh tế - xã hội chịu tác động mạnh mẽ của xu thế hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế số, cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư cũng như tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh…

Quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ Hội các cấp tham gia hoạt động ủy thác, đội ngũ Ban quản lý Tổ TK&VV. Xây dựng đội ngũ làm ủy thác tín dụng chính sách có tính chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao; chủ động, tích cực và đủ khả năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội cũng như các giải pháp thiết thực để đẩy mạnh phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi một cách sâu rộng, phát huy hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tiễn tại từng địa phương.

Bốn là, tăng cường phối hợp, liên kết giữa các cấp Hội Nông dân với Ngân hàng Chính sách xã hội, chính quyền và các ban ngành liên quan trong công tác quản lý vốn tín dụng chính sách; không chỉ trong công tác rà soát, bình xét cho vay đúng đối tượng, giải ngân, thu nợ, thu lãi… mà cần quan tâm, gắn hoạt động cho vay với các hoạt động dạy nghề, đào tạo chuyển giao khoa học - kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn hội viên, nông dân tiếp cận phương thức thương mại điện tử…

Tập trung hỗ trợ, hướng dẫn hội viên xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình trang trại tổng hợp, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái, ứng dụng công nghệ cao; mô hình liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giúp hội viên nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội; lồng ghép công tác ủy thác cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn với các chương trình dự án của Hội và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Xây dựng và mở rộng các mô hình cho hộ nghèo, hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn vay vốn theo dự án có sự hướng dẫn, tư vấn của Hội, hỗ trợ các đối tượng thụ hưởng sử dụng vốn vay một cách hiệu quả.

Năm là, đổi mới phương pháp, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị nhận ủy thác cấp dưới; kiểm tra, nắm chắc tình hình sử dụng vốn của người vay; thực hiện hiệu quả vai trò giám sát, phản biện xã hội đối với quá trình triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Duy trì và thực hiện hiệu quả chế độ thông tin hai chiều, chế độ giao ban định kỳ, đột xuất giữa các cấp Hội với Ngân hàng Chính sách xã hội. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong hoạt động ủy thác và thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, nhân rộng điển hình tiên tiến xuất sắc trong các cấp Hội.

- Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem