Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương: Thủ tướng đối thoại với nông dân để khơi thông nguồn lực phục vụ "tam nông"

Anh Thơ (ghi) Thứ hai, ngày 30/12/2024 09:47 AM (GMT+7)
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 được tổ chức trong bối cảnh nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đạt được nhiều thành tựu dù vừa trải qua rất nhiều khó khăn do thiên tai, biến động thị trường, khẳng định vị trí không thể thiếu được của tam nông.
Bình luận 0

Trước thềm Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 sẽ được tổ chức vào sáng mai, 31/12, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương về ý nghĩa của Hội nghị trong bối cảnh nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đạt được nhiều thành tựu dù vừa trải qua rất nhiều khó khăn do thiên tai, biến động thị trường, khẳng định vị trí không thể thiếu được của tam nông trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của đất nước.

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương: Thủ tướng đối thoại với nông dân để khơi thông nguồn lực phục vụ "tam nông" - Ảnh 1.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 được tổ chức trong bối cảnh nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đạt được nhiều thành tựu dù vừa trải qua rất nhiều khó khăn do thiên tai, biến động thị trường, khẳng định vị trí không thể thiếu được của tam nông.

Ngày mai, 31/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024. Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của sự kiện này?

- Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 được tổ chức trong bối cảnh năm vừa qua nông nghiệp, nông dân, nông thôn trải qua nhiều khó khăn, thử thách do tác động của biến động thị trường, đặc biệt là thiên tai mà cụ thể là cơn bão số 3 – YAGI đã khiến nhiều địa phương ở miền Bắc chịu thiệt hại nặng nề. 

Nhưng năm 2024 cũng chứng kiến sự bùng nổ trong xuất khẩu nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản với những kỷ lục mới được xác lập, con số kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 đạt 62,5 tỷ USD, với giá trị xuất siêu 17,9 tỷ USD; xuất khẩu gạo đạt 9 triệu tấn; xuất khẩu trái cây đạt 7,2 tỷ USD,… cho thấy dư địa nâng cao kim ngạch xuất khẩu của nông lâm thủy sản Việt Nam còn rất lớn.

Tôi cho rằng, đây là kết quả của gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo của Chính phủ, các bộ ngành chức năng; sự nỗ lực, đồng thuận của người dân, khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn có bước phát triển mạnh mẽ. Diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp, kết cấu hạ tầng hiện đại; đời sống của nông dân và cư dân nông thôn liên tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; chỉ số phát triển con người (HDI) tăng liên tục trong nhiều năm qua; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78,7%.

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 càng có ý nghĩa hơn khi Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định với thế và lực đã tích lũy được, với thời cơ, vận hội mới, đất nước ta đã hội tụ đủ điều kiện và đang đứng trước cơ hội lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh. 

Hội nghị sẽ là dịp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ban ngành trực tiếp lắng nghe tiếng nói của nông dân – chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, giải đáp các kiến nghị của bà con để khơi thông nguồn lực phục vụ phát triển tam nông trong kỷ nguyên mới của đất nước.

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương: Thủ tướng đối thoại với nông dân để khơi thông nguồn lực phục vụ "tam nông" - Ảnh 2.

Xuất khẩu gạo năm 2024 đạt kỷ lục mới, 9 triệu tấn.

Ông đánh giá như thế nào về công tác phản biện xã hội của Hội Nông dân Việt Nam thông qua những hoạt động như Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam?

Có thể nói, trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Hội Nông dân các cấp đã thể hiện vai trò nòng cốt chính trị, nỗ lực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, làm tốt vai trò là cơ quan đại diện của nông dân, đặc biệt là từ khi có Nghị quyết số 46-NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Hội cũng làm rất tốt công tác hỗ trợ nông dân, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Hội Nông dân Việt Nam đã cùng với các đoàn thể khác tham gia tích cực vào công tác phản biện xã hội, góp phần vào công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, chung tay xây dựng giai cấp nông dân, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tôi cho rằng, việc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam và đưa hội nghị trở thành một hoạt động thường niên từ năm 2018 đến nay chứng tỏ, Hội đã và đang làm rất tốt công tác phản biện xã hội; bởi quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND các tỉnh cũng tổ chức lắng nghe tiếng nói của nông dân, từ đó thấy được những vấn đề còn tồn tại, bất cập và đề xuất hệ thống giải pháp khắc phục, nhiều chính sách mới đã ra đời sau những lần đối thoại như thế này.

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các chủ trương, chính sách, việc đối thoại, lắng nghe người dân là rất cần thiết để có thể điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, từ đó tạo động lực phát triển.

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương: Thủ tướng đối thoại với nông dân để khơi thông nguồn lực phục vụ "tam nông" - Ảnh 3.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam - Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn Lắng nghe nông dân nói, tạo được sự lan tỏa lớn. Trong ảnh: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy trao đổi với nông dân bên lề Diễn đàn.

Từ Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5/8/2008, Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đều nhấn mạnh đến việc coi trọng đời sống vật chất, tinh thần cho dân cư nông thôn, xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh". Ông đánh giá như thế nào về những tác động của các Nghị quyết đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam?

Cùng với sự phát triển của đất nước trong 40 năm đổi mới, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam cũng trải qua các thời kỳ phát triển với những thay đổi căn bản, toàn diện.

Nghị quyết số 19- NQ/TW, "Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đưa ra các quan điểm mới, mang tính thời đại với nhiều đột phá, bám sát tiến trình phát triển nhanh và bền vững của đất nước, đó là:

Khẳng định mối quan hệ giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Theo đó, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở cấp độ cao hơn, phù hợp với tiến trình phát triển chung của đất nước. Bảo đảm phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa vùng, miền, địa phương; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".

Nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Theo tinh thần đó, nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; mục tiêu cao nhất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn.

Nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước; chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường.

Nâng cao yêu cầu về xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn trở thành nơi "đáng sống". Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; môi trường xanh, sạch, đẹp; đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Sự phát triển vượt bậc của khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đặc biệt là trong những năm gần đây là minh chứng thực tế sống động về chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng ta. Trong công cuộc đổi mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Đảng đã thể hiện lối tư duy sáng tạo, không ngừng đổi mới; kiên định, kiên trì trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường với phương châm: Tập trung giải phóng năng lực sản xuất, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Xin chân thành cảm ơn ông!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem