Mà "có đức thì xúc không hết", phóng sinh còn là sự tu dưỡng tính tình, chống lại việc sát sinh bừa bãi. Như vậy, phóng sinh nên được coi là một mỹ tục. Nó không mâu thuẫn khi con người, nhất là dân ta, một nước có diện tích mặt nước có tỷ trọng lớn, lại phong phú nguồn lợi thủy sản, cần phát triển nghề cá. Vấn đề là phải khai thác một cách khoa học để bảo vệ nguồn lợi lâu dài. Về văn hóa, hành động phóng sinh giúp con người thư giãn, hiền lành, hạn chế bạo lực và giết chóc.
Nhưng do trình độ văn minh và thiếu ý thức, thiếu cẩn trọng và cân nhắc nên việc phóng sinh có nhiều mặt bất lợi cho môi trường, trái với ý thức tốt đẹp ban đầu của người dân. Người ta thường mua các loại cá đồng, cá sông đã được đánh bắt bằng nhiều cách trong đó có bẫy điện để thả xuống sông và ao hồ. Trong thực tế lũ cá này đang hấp hối và dù có được thả một cách hào phóng, chúng vẫn không thể tiếp tục sống trong thiên nhiên sau khi bị tổn thương do đánh bắt, do đã bị bày bán nhiều ngày ở các chợ. Như vậy việc phóng sinh gây ra lãng phí về sản lượng cá, giảm thu nhập quốc dân nếu được tiến hành trên diện rộng. Số chim và cá sống sót không được bao nhiêu trong khi số bị chết sau khi được thả rất lớn.
Ngoài ra, việc phóng sinh thường đi đôi với xả rác thải vào sông hồ gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đề cao ý thức bảo vệ nguồn thủy sản, người ta lại dửng dưng với hành động nguy hại là góp phần giết chết các dòng sông bằng túi ni lông và xác cá chết...
Ngày xưa đã có tục phóng sinh. Nhưng cha ông làm rất khéo, không thả nhiều để "cầu phúc" mà thả cá tượng trưng. Người ta chọn những con thật khỏe mạnh, nuôi vài ngày cho thích nghi với môi trường mới rồi đưa thả. Bên cạnh đó cha ông rất kiêng kỵ săn bắt loại cá con, có tác dụng diệt chủng các loài cá nhiều hơn là giá trị thực tế thu được.
Phóng sinh không nên ham nhiều để lòe thiên hạ hay hiểu nhầm rằng càng thả nhiều càng lắm lộc lắm phúc. Đó là một nét văn hóa thú vị và độc đáo mà đã là văn hóa thì không nên hãnh hổ suy nghĩ quá thực dụng.
Nguyễn Quang Thân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.