Mỗi mùa thi đại học, câu chuyện về những ông bố, bà mẹ có hoàn cảnh khó khăn, bằng mọi giá kiếm tiền đưa con"lai kinh ứng thí" lại được kể ra, khiến nhiều người xúc động. Người ta không chỉ thương cái cảnh họ vật vờ giữa nắng chờ con ngoài cổng trường mà còn thương những khuôn mặt đăm chiêu, đôi mày nhíu lại vì lo lắng kết quả thi của con và lo về khoản nợ còn đang "đứng đợi" trước cửa nhà.
Nỗi lo, nỗi khổ của họ chẳng nổi bật như người cha từng chui nắp cống lấy tiền đưa con đi đại học năm xưa, nhưng nó luôn hiện hữu trong những đôi mắt đang không ngừng hướng vào cảnh cổng trường đại học, nơi con họ đang cố gắng, nỗ lực thi vào.
Bán gà, bán lợn lấy tiền cho con đi thi
Trước cổng trường cấp 2 Ba Đình (Hà Nội), một ông bố nọ đang cầm chiếc điều cày tự chế, rít hơi dài rồi ngẩng cổ lên nhả khói. Cơn phê thuốc chưa dứt, ông đã ngoái nhìn lên cánh cổng trường cao vút, đôi mắt đăm chiêu, định đứng dậy tiến gần nhưng nghĩ thế nào lại xích đến chiếc vỏ bao xi măng của thợ hồ đang thi công trên đường, ngả lưng xuống nhắm nghiền mắt lại.
Ông bố tranh thủ ngả lưng chờ con làm bài thi
Hình ảnh những ông bố bà mẹ đứng, ngồi, nằm vật vờ như vậy xung quanh các điểm thi không còn lạ trong các kỳ thi cao đẳng, đại học. Năm nay, tuy số lượng thí sinh ra Hà Nội dự thi đã giảm đi đáng kể, nhưng người ta vẫn bắt gặp các bậc phụ huynh vật vờ chờ con trong mọi tư thế.
Mỗi người họ đều có một nỗi lo riêng, có thể là lo về bài thi của con, cũng có thể là lo tính toán chi ly, sao cho số tiền có trong tay đủ để lo cho con thi cử suốt 4 ngày.
Tôi tiến đến gần một người phụ nữ có khuôn mặt gầy gộc, góc cạnh, tay ôm khư khư một bịch gì đó trông như bịch cơm hỏi chuyện. Cô là Lại Thị Hằng (quê Yên Lạc, Vĩnh Phúc) có con đang làm bài thi môn Anh Văn tại điểm thi trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Vì không có tiền thuê trọ cho hai mẹ con suốt mấy ngày thi nên con trai cô phải xuống trước, thuê phòng ở ghép cùng bạn bè, còn cô, 4 giờ sáng ngày 1/7 mới tất tưới khăn gói, đi xe buýt xuống cùng con.
Cô chia sẻ: "Cô chẳng biết đến Hà Nội bao giờ nên hôm nay đi xe chật vật quá cháu ạ. Hơn 7 giờ sáng mới xuống đến nơi thì thằng cu nó đã vào phòng thi rồi, cô tự hỏi đường rồi tìm đến đây. Nắng nôi thế này, chẳng biết chúng nó có làm được bài không nữa".
Cô mở cái bịch, hé nắp hộp cơm cho khỏi bị thiu. Trong đó chỉ có nhúm dưa chua, hai ba miếng đậu rán và túi mắm nhỏ. Cô bảo: "Nhà quê ăn thế là tươm rồi, dù sao thì chiều tối cô cũng về chứ ở đây thì lấy đâu ra chỗ mà ngủ. Hơn nữa, đàn lợn, đàn gà ở nhà cũng chẳng thiếu cô được".
Cả nhà làm nông nghiệp, vợ chồng cô vẫn tính trồng sớm mấy sào hoa màu, đến tháng 6 thu hoạch lấy tiền đưa con đi thi đại học. Nhưng "người tính không bằng trời tính", cơn bão vừa rồi quét cho đồng ruộng tang hoang, dưa rau mất sạch. "Thôi thì vay họ hàng rồi về kiếm tiền trả sau vậy. Cả đời con mới có một kỳ thi quan trọng, bằng mọi giá phải đi chứ. Có thế sau này chúng nó mới khác mình được". Nói rồi, người mẹ ấy phe phẩy cái quạt, mắt đảo nhìn những người xung quanh cũng đang lo lắng giống mình.
Sống tại vùng đồi núi nghèo nàn, chú Hà Hữu Quảng (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) cũng phải go gắn lắm mới có đủ tiền đưa con đi thi đại học. Quê chú, phần lớn các gia đình đều thuộc diện nghèo, cận nghèo, quanh năm chỉ cấy cày, công việc đồng áng cho thu nhập thấp mà không ổn định.
"Năm nào cũng thế, cứ đến mùa thi là người dân trong làng lại rục rịch bán thóc, lợn, gà... lấy tiền đưa con đi thi đại học. Cả năm làm lụng, tiền của đổ dồn vào mua thức ăn cho lợn, gà... đến khi có việc cần lại bán đi lấy tiền lo. Người dân quê tôi chẳng mấy khi có khoản tiền tiết kiệm, mà có thì cũng phải giữ nguyên đấy để khi có việc lớn hơn như cưới xin, ma chay, bệnh tật... lấy ra mà lo liệu chứ không dám tiêu. Con thi đại học cũng là việc lớn nhưng nếu tự thu vén được, không phải động đến khoản tiền tiết kiệm là tốt nhất".
Chính gia đình chú Quảng, để có tiền đưa con xuống Hà Nội thi cũng phải bán 2 tạ thóc và đàn lợn nhỏ 5 con. "Tất cả được hơn 6 triệu, đưa thằng cu đi thi hết khoảng 2, 3 triệu, số còn lại để thuê cày bừa, phân bón cho vụ sắp tới và mua thêm một con lợn giống. "Đấy là nhà tôi còn có lợn mà bán chứ nhiều nhà không có còn phải đi vay mượn, chật vật lắm. Có bao nhiêu tiền đổ dồn hết cho con đi thi, chúng nó mà thi không được thì đúng là tội quá", bác Quảng tâm sự.
Dốc sức, dốc tiền lo cho con ăn học, thi cử, ông bố bà mẹ nào cũng muốn con đỗ đạt làm rạng danh gia đình (ảnh minh họa)
Với những bố mẹ có con thi 2 đợt thì áp lực tiền bạc tăng gấp đôi. Bác Nguyễn Văn Thắng ( Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc) cho hay, con gái bác đăng kí vào trường ĐHQG Hà Nội, tháng trước cũng xuống thi thử đánh giá năng lực. Hôm nay, bác lại đưa xuống thi tiếp. Mọi chi phí ăn ở đi lại tốn kém, hai vợ chồng bác phải tính toán rất kỹ, từng khoản, từng đồng mới đủ
"Cũng may, vụ lúa chiêm vừa rồi được mùa, bán đi cũng đủ tiền lo cho con trong 2 lần thi"- bác Thắng tâm sự.
Con cái là người thực hiện ước mơ của cha mẹ
Dốc sức, dốc tiền lo cho con ăn học, thi cử, ông bố bà mẹ nào cũng muốn con đỗ đạt làm rạng danh gia đình, cho dù sau đó họ lại phải bước vào nỗi lo mới lớn hơn, lâu dài hơn.
Cô Lại Hằng chia sẻ: "Kể khổ thì cứ kể vậy thôi chứ ai mà không mong con đỗ. Vì có thế thì đời nó mới khác đời bố mẹ được. Thằng cu nhà cô học cũng khá lắm, cũng chăm chỉ, ngoan ngoãn, mấy lần thi thử đều được trên 20 điểm. Mong kỳ này nó đỗ, chứ mà trượt để năm sau phải thi lại thì vừa mất thời gian vừa tốn kém".
Nhưng dù có phải thêm 2, 3 lần lo tiền đưa con đi thi đại học chắc chắn những bậc phụ huynh ấy vẫn làm, bởi cái đích của họ chính là sự khấm khá, thành đạt của con cái.
"Năm ngoái con tôi thi trượt nhưng năm nay cả nhà vẫn động viên nó thi lại. Ai cũng đặt niềm tin vào nó như vậy tôi biết nó cũng áp lực lắm. Nhưng thôi thì ở đời mỗi người một công việc, một trách nhiệm, bố mẹ nó lo kiếm tiền thì nó phải lo học sao cho tốt", cô Thùy Hương (quê Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ.
Những tâm tư của các ông bố bà mẹ đang vật vờ bên ngoài chờ con thi đại học, liệu bên trong cánh cổng trường kia, có mấy sĩ tử hiểu được.
Trời trưa càng nắng nóng, các sĩ tử bước ra với đủ sắc thái khác nhau, kẻ cười, người khóc, kẻ vui, người buồn. Nhưng các ông bố bà mẹ thì chỉ có chung một tâm trạng, đó là cười nói, hỏi han, quan tâm, chăm sóc con cái, dù trên gương mặt họ mồ hôi không ngừng rơi và trong lòng họ vẫn canh cánh nỗi lo "chẳng may con nó đỗ".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.