Phụ huynh cầm dao ép hiệu trưởng quỳ xin lỗi ở Hà Tĩnh có thể bị xử lý thế nào?
Phụ huynh cầm dao ép Hiệu trưởng quỳ xin lỗi ở Hà Tĩnh có thể bị xử lý?
Quang Trung
Thứ tư, ngày 02/11/2022 09:12 AM (GMT+7)
Ông Võ Văn Điệp cầm dao xông vào phòng Hiệu trưởng trường tiểu học bắt quỳ xin lỗi, do bức xúc việc hai con bị nhắc chưa đóng bảo hiểm y tế. Với hành vi này, ông Điệp có vi phạm pháp luật không?
Chiều 1/11, nhà chức trách huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho biết, đang triệu tập ông Võ Văn Điệp để làm rõ hành vi Làm nhục người khác, theo điều 155 Bộ luật hình sự.
Theo thông tim ban đầu, khoảng 13h45 ngày 31/10, ông Điệp mang theo dao chừng 40 cm xông vào phòng của thầy Phan Đình Thống, Hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Lâm, đóng ở xã Sơn Lâm. Ông Điệp bị cáo buộc đe dọa, bắt thầy Thống phải quỳ xin lỗi.
"Do quá hoảng loạn, để bảo vệ tính mạng nên tôi phải quỳ xuống", ông Thống nói. Ông Điệp sau đó đi ra sân, to tiếng và đe dọa một số giáo viên.
Nhận tin báo, chính quyền địa phương cùng công an xã Sơn Lâm đến hiện trường, đưa ông Điệp về trụ sở.
Làm việc với lực lượng chức năng, ông Điệp thừa nhận hành vi, khai trưa cùng ngày có uống rượu tại đám cưới, khi nghe hai con đi học về kể việc bị Hiệu trưởng gọi lên phòng hỏi về việc tại sao phụ huynh chưa đóng bảo hiểm y tế nên bức xúc.
Có dấu hiệu vi phạm pháp luật
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, hành vi của phụ huynh như vậy là không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội và còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên phụ thuộc vào hậu quả xảy ra, phụ huynh này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi sử dụng hung khí nguy hiểm đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác là hành vi vi phạm pháp luật, nếu hành vi này khiến nạn nhân sợ hãi và hiểu rằng việc giết người có thể xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tâm lý sức khỏe, người thực hiện hành vi đe dọa giết người sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đe dọa giết người theo quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự.
Trong trường hợp hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác để buộc nạn nhân phải thực hiện hành vi theo ý muốn của người đe dọa nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của nạn nhân, đây là hành vi làm nhục người khác.
Nếu hành vi làm nhục người khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của nạn nhân, người thực hiện hành vi làm cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 155 Bộ luật hình sự.
Theo ông Cường, trong vụ việc này, phụ huynh đã thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình và cho rằng do mình say rượu và bức xúc khi con nói về chuyện đóng tiền bảo hiểm.
Nội dung thừa nhận hành vi của phụ huynh phù hợp với lời khai của thầy Hiệu trưởng và các tài liệu chứng cứ khác nên có thể xác định đây là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của Hiệu trưởng, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng của nạn nhân.
Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi và đặc biệt là làm rõ hậu quả đã gây ra đối với nạn nhân và xã hội, sẽ xác định hành vi là đe dọa giết người hay hành vi nhằm mục đích làm nhục người khác.
Trong trường hợp hậu quả được xác định là nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến đời sống tâm lý của Hiệu trưởng và các giáo viên trong trường, người thực hiện hành vi có thể bị xử lý hình sự về tội đe dọa giết người hoặc tội làm nhục người khác theo quy định của Bộ luật hình sự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.