Phú Thọ chi ngay 14,5 tỷ đồng xử lý cấp bách sạt lở bờ sông Đà, yêu cầu 3 tháng phải xong
Phú Thọ chi ngay 14,5 tỷ đồng xử lý cấp bách sạt lở bờ sông Đà, yêu cầu 3 tháng phải xong
Hoan Nguyễn
Thứ ba, ngày 02/07/2024 15:57 PM (GMT+7)
Tỉnh Phú Thọ vừa phê duyệt dự án công trình xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông đoạn tương ứng từ km31+950 - km32+260 đê tả sông Đà, thuộc xã Dân Quyền, huyện Tam Nông với tổng mức đầu tư khoảng trên 14 tỷ đồng.
Phú Thọ chi 14,5 tỷ đồng xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông Đà xã Dân Quyền, huyện Tam Nông. Video: Hoan Nguyễn
Ngày 2/7, trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Quốc Bình – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Phú Thọ cho biết, dự án công trình xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông đoạn tương ứng từ km31+950 - km32+260 đê tả sông Đà, thuộc xã Dân Quyền, huyện Tam Nông vừa được tỉnh Phú Thọ phê duyệt tại Quyết định số 1191/QĐ-UBND ngày 27/6/2024 với chiều dài 310m và giao Sở NNPTNT tỉnh làm chủ đầu tư.
Công trình kè sạt lở khẩn cấp có vốn đầu tư 14,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, quỹ phòng chống thiên tai tỉnh Phú Thọ. Công trình sẽ được khởi công ngay trong tháng 7/2024, chậm nhất phải hoàn thành xong trước 30/10/2024.
"Việc cấp bách triển khai thực hiện dự án kè để ngăn chặn kịp thời sự cố sạt lở bờ, vở sông đoạn km31+950 - km32+260 đê tả sông Đà diễn ra nhanh, nguy hiểm; bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân trong khu vực sạt lở. Đồng thời, bảo vệ trụ T13 và an toàn cho cầu Trung Hà.
Khi công trình hoàn thành sẽ đảm bảo ổn định bờ sông, tuyến đê bối Hồng Đà, tuyến đường huyện, các công trình xây dựng trong khu vực. Từ đó, giúp người dân yên tâm cuộc sống, sản xuất nông nghiệp và hạn chế các thiệt hại rủi ro khi mưa lũ lớn về", ông Bình nhấn mạnh.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Phú Thọ, từ đầu năm 2023 đến nay, tại đoạn sông này liên tục xảy ra sạt lở nguy hiểm. Lúc đầu, sạt lở diễn ra ở khu vực đất bãi non, hiện nay sạt lở đã ăn sâu vào đất bãi già. Đất bãi sông được người dân xã Dân Quyền sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp với cây trồng chủ yếu là cây chuối, ngô, trồng hoa hồng, hoa cúc…
"Trước tình trạng sạt lở nguy hiểm, giải pháp thi công xử lý khẩn cấp là kè hộ chân bằng đá hộc thả rời tạo cơ phản áp để vừa đạt hiệu quả ngăn chặn sạt lở, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật vừa tiết kiệm kinh phí được lựa chọn thực hiện", ông Bình lý giải phương án thi công dự án kè khẩn cấp.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Hải, từ cuối tháng 4, đầu tháng 5/2024 tình trạng sạt lở bờ sông đoạn đê tả sông Đà xã Dân Quyền diễn ra phức tạp, nguy hiểm, cuốn trôi đất bãi, hoa màu của người dân. Đoạn sạt lở kéo dài 310 m, vở lở cao 8-10m. Điểm gần nhất cách đê bối Hồng Đà chỉ 35m; sạt lở đe dọa trực tiếp đến tuyến đê bối, tính mạng và tài sản của 30 hộ dân khu 13 và 14 xã Dân Quyền. Đặc biệt, sạt lở xói sâu vào sát trụ T13 cầu Trung Hà.
"Trước tình trạng sạt lở nguy hiểm, tỉnh Phú Thọ đã ban bố biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay thực hiện dự án kè theo quy trình một bước với kinh phí hơn 14 tỷ đồng để ứng phó, ngăn chặn sự cố sạt lở.
Đồng bộ tập trung nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thông báo cắm biển cảnh báo, bố trí cán bộ trực theo dõi chặt chẽ diễn biến các sự cố thiên tai tại khu vực sạt lở. Đồng thời lên phương án ứng phó, di dời các hộ dân khu vực nguy hiểm khi có sự cố phát sinh; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để sẵn sàng xử lý sự cố trường hợp cần thiết", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.
Nguyên nhân sạt lở được tỉnh Phú Thọ xác định do chế độ dòng chảy sông Đà thay đổi, dòng chủ lưu áp sát bờ tả; thủy điện Hòa Bình xả nước phục vụ sản xuất, phát triển điện làm khu vực bờ, vở sông Đà thuộc xã Dân Quyền bị sạt lở nghiêm trọng.
Đặc biệt, trong tháng 4, tháng 5 vừa qua, trên địa bàn tỉnh liên tục có mưa lớn, khiến mực nước sông Đà dâng cao; trong khi mực nước hạ lưu thấp tạo dòng chảy xiết, đáy sông sâu và lệch dòng chủ lưu về phía bờ tả, hình thành dòng nước mạnh gần bờ.
Đồng thời, địa chất khu vực bờ, vở sông Đà chủ yếu là cát, độ dính kết yếu. Từ đó gây ra tình trạng sạt lở nhanh, nghiêm trọng ở đoạn km31+950 - km32+260 đê tả sông Đà.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.