Đây là vụ đầu tiên đồng bào dân tộc thiểu số tiếp nhận khoa học kỹ thuật chăm sóc lúa lai cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon, xóa bỏ giống lúa thuần ở địa phương năng suất thấp bị lẫn tạp.
Cánh đồng buôn Ly, buôn Bầu (xã Ea Troil) lúa lai xanh mượt trên từng thửa ruộng vuông vức. Ông Lê Mô Y Lương, một người đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê ở buôn Ly, đang phát hoang bờ vùng để chuột khỏi ẩn nấp cho biết: “Tôi sản xuất 4 sào lúa lai, suốt vụ lúa không bị bệnh”.
|
Đoàn công tác của Sở NNPTNT tỉnh Phú Yên kiểm tra tình hình phát triển lúa lai tại huyện Sông Hinh. |
Đi sâu vào cánh đồng buôn H KLốc (xã Ea Bia), lúa lai đang trổ đòng. Ông Ma Nít làm 3.000m2 lúa lai, hồ hởi nói: “Trước đây sản xuất các giống lúa thuần ở địa phương thường hay bị sâu bệnh hại tấn công, có năm gặt 1 sào không quá 3 bao lúa (50kg/bao). Vụ này làm lúa lai, thấy cây lúa xanh tốt, cao lớn, mừng lắm. Chắc cũng được 7 bao/sào”.
Lúa lai còn trải dài đến cánh đồng các xã EaLy, EaLâm và xã Sông Hinh - xã xa nhất huyện Sông Hinh (giáp ranh huyện Ma Đrăk của tỉnh Đăk Lăk). Trưởng Phòng NNPTNT huyện Sông Hinh Nguyễn Khắc Sự cho hay, vụ đông xuân năm 2013 này, huyện Sông Hinh sản xuất 113,8ha lúa lai. Các xã có đồng bào dân tộc thiểu số đều trồng lúa lai. Lúa phát triển tốt, đang giai đoạn trổ đòng, năng suất ước đạt trên 70 tạ/ha cao nhất từ trước đến nay.
Sở NNPTNT Phú Yên nhận định, hiệu quả sản xuất lúa lai TH3-3 cho thấy rõ nhất là lượng giống giảm, ít sâu bệnh, lượng phân bón giảm, năng suất từ 70-80tạ/ha, cao hơn so với lúa thuần sản xuất ở địa phương 16 tạ/ha. Mặt khác, sản xuất giống lúa lai có khả năng kháng sâu bệnh cao nên đảm bảo được tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái do không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều.
Vì vậy, Sở NNPTNT Phú Yên yêu cầu ngành nông nghiệp các địa phương huy động nguồn lực mở rộng diện tích sản xuất lúa lai, nâng cao thu nhập giảm nghèo nông dân miền núi góp phần hoàn thành tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Mạnh Lê
Vui lòng nhập nội dung bình luận.