Phú Yên: Tuyệt phẩm cây cảnh bonsai mini đắt đỏ dành cho nhà giàu chưng Tết
Phú Yên: Tuyệt phẩm cây cảnh bonsai mini đắt đỏ dành cho nhà giàu chưng Tết
Phan Huy Thùy
Thứ tư, ngày 11/01/2023 05:02 AM (GMT+7)
Những ngày cận kề Tết Nguyên đán, sắc xuân tràn ngập khắp muôn nơi cũng là lúc anh em hội “Bonsai Chiến Hữu” ở huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) tề tựu cùng nhau trong bầu không khí thân tình, ấm áp để thỏa niềm đam mê bất tận với cây cảnh, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm quý trong thú chơi tao nhã cũng lắm công phu.
Clip: Hội “Bonsai Chiến Hữu” ở huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên).
"Nghề chơi lắm công phu"
Chơi cây cảnh bon sai là thú vui thanh nhã từ xưa đến nay ở hầu khắp các nước Á Đông, đặc biệt là Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam. Theo chiết tự thì "bon" có nghĩa là chậu, khay; "sai" có nghĩa là cây. Bởi thế bonsai là cây trồng trong chậu, cây nhỏ trồng chậu làm cảnh, kiểng.
Hội tụ đủ các yếu tố "Cổ, kỳ, mỹ, văn" mới là cây bonsai quý. Nghề chơi cây cảnh bonsai đòi hỏi cầu kỳ, thậm chí tốn kém nhiều tiền bạc. Để có được một cây bonsai độc, đẹp, lạ; người chơi phải cất công sưu tầm, tìm kiếm, trao đổi, sở hữu, cắt tỉa chăm sóc kỹ lưỡng.
Anh Đỗ Văn Quang, thành viên của "Bonsai Chiến Hữu", người chơi cây cảnh lâu năm ở thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân), cho biết: "Tôi phải đi cả ngày trời, lên rừng xuống biển, tìm được cây cũng bắt mắt, chẳng dễ chút nào. Cây trong rẫy của người ta là phải đàm phán để mua lại, với người dân là cây bụi, còn mình là cây quý hiếm.
Gặp cây dưới lòng suối, trên núi cao là đào, vác, vận chuyển thật khéo đem về trồng. Để cây sống được, cả một vấn đề, chưa kể đến công kỹ thuật chăm sóc. Nhưng bù lại, niềm hạnh phúc khi nhìn thấy cây tươi tốt như giúp mình quên mệt mỏi, lạc quan, yêu đời lắm".
"Cây trong tự nhiên không dễ tìm, chúng tôi phải tự trồng theo nhiều cách khác nhau như cắt, giâm cành, chiết, ghép vào gốc cây khác, đợi 2-3 năm cho cây sống tốt, lại tiếp tục cắt, uốn, phân tán cành, phân tầng, tạo dáng thế và thường xuyên theo dõi sự phát triển của cây.
Sau vài năm nữa mới có thể thẩm định được giá trị của cây. Không để ý, cây lớn nhanh, không kịp uốn tỉa, coi như bỏ, phải trồng lại từ đầu", anh Nguyễn Văn Tiến, thành viên của "Bonsai Chiến Hữu", bật mí:
Còn theo anh Nguyễn Văn Diên (hội viên Bonsai Chiến Hữu), việc tạo dáng, thế cần phải tỉ mỉ, khéo léo, nếu sơ suất để gãy cành, coi như hỏng hết. Để có được bonsai được giá, khách hàng ưa chuộng, phải chăm sóc cầu kỳ,tỉ mẩn từng công đoạn uốn tỉa, cắt gọt, chà rửa thân cây, phun thuốc ngừa nấm mốc, sâu bọ.
Mãn nhãn với dàn cây cảnh "Bonsai Chiến Hữu"
Cùng chung sở thích chơi cây cảnh, những anh em ở huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên cùng nhau gắn kết, lập hội "Bonsai Chiến Hữu". Thuần túy để chia sẻ niềm vui, kinh nghiệm và động viên nhau theo đuổi đam mê với nghệ thuật bonsai. Dần dần, số lượng hội viên tăng lên, chủ yếu đang sinh sống ở tại địa phương, làm đủ ngành nghề, không phân biệt tuổi tác, sinh hoạt rất lành mạnh, tạo được nhiều ấn tượng đẹp.
Hội "Bonsai Chiến Hữu" trưng bày, giới thiệu dàn cây bonsai mini đẹp mắt, thu hút nhiều người tham gia thưởng lãm trong dịp Tết Qúy Mão. Để dễ dàng vận chuyển và bảo quản, các anh em chỉ đưa đến loại bonsai mini nhỏ gọn, còn những cây lớn thì để tại vườn nhà.
Đủ các loại cây như sanh, si, đa, mai chiếu thủy, hải châu, linh sam, lộc vừng, sung, khế… Nhiều dáng cây độc đáo, đa dạng như: trực, xiêu, hoành, huyền, thác đổ, dáng bay; thế cây cũng phong phú đủ kiểu, từ kinh điển của sách vở cho đến sự sáng tạo bay bổng theo trí tưởng tượng.
Mỗi thế, dáng cây đều có ý nghĩa riêng của nó, gửi gắm vào đó những triết lý nhân sinh sâu sắc mà mỗi chủ nhân, nghệ nhân muốn truyền đạt. Ấn tượng ở cách bài trí, sắp đặt khéo và trang trọng, giàu tính thẩm mỹ, để tất cả cây lớn nhỏ đều có cơ hội tôn lên vẻ đẹp của chúng. Khách đến xem cũng trầm trồ, mê mẩn.
Anh Lê Minh Tuấn, thành viên của "Bonsai chiến hữu" cho biết: "Hôm nay anh em tất niên, cũng là dịp gặp gỡ vui vẻ cuối năm, giới thiệu các tác phẩm cho mọi người chiêm ngưỡng. Giá cả của cây cũng đủ cả, từ hàng triệu đến chục triệu là tùy vào nhiều yếu tố, cũng có cây trưng bày để giao lưu chứ chủ nhân không bán".
"Mua cây để chơi, ủng hộ người trồng nên giá cả là một phần, phần nữa là cái tình của người mong muốn sở hữu. Tôi bán cây, hạnh phúc nếu người chơi hiểu, thiết tha yêu quý cây, còn không, thà để mình chăm chứ nhất định không bán, tiếc lắm", anh Tuấn cho hay.
Nhân lên nét đẹp văn hóa cây cảnh bonsai
Anh em trong hội "Bonsai Chiến Hữu" ở Đồng Xuân, Phú Yên làm đủ nghề để mưu sinh, cây cảnh chỉ là thú vui sau những giờ lao động mệt mỏi. Điều họ mong muốn, được quan tâm hơn nữa của chính quyền địa phương và bà con nhân dân để nghệ thuật bonsai ngày càng lan tỏa.
Cần thêm sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành để anh em có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với các câu lạc bộ Hội sinh vật cảnh trong toàn tỉnh. Ngoài ra có thêm nhiều cuộc thi, triển lãm, trưng bày cây cảnh, xa hơn nữa là có kế hoạch truyền nghề, quảng bá để phát triển kinh tế từ cây cảnh bonsai gắn với du lịch ở địa phương miền núi Đồng Xuân, Phú Yên.
Trong cuộc sống hiện đại tất bật ồn ào, tìm về với cây cảnh bon sai là có nhiều ý nghĩa. Càng vui hơn khi nhiều người trẻ tham gia hội "Bonsai Chiến Hữu". Tình yêu thiên nhiên, tâm hồn thư thái, neo vào lòng người sự tĩnh lặng an yên, nhìn sức sống kiên cường bền bỉ của cây như tiếp thêm nghị lực sống cho chính con người vậy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.