![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/3-2010/images/2010-07-28/1435957982-mua-20rong-202-20.jpg) |
Múa rồng |
Tìm lại nét xưa
Dự án “Phục hồi phát triển múa cổ Thăng Long – Hà Nội” do Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội thực hiện đã đi được một đoạn đường khá dài. 4 năm qua đã có gần 30 điệu múa từ các làng quê nội và ngoại thành được giới thiệu, nghiên cứu phục hồi để tái hiện trước công chúng. Các thành quả của dự án sẽ được chọn lọc, trình diễn trong một tác phẩm lớn mang tên “Thăng Long mở hội tìm lại dấu xưa” vào tối 3-10.
Cho đến nay, tổng số diễn viên tham dự chương trình đã lên đến hơn 700 người, gồm các nghệ sĩ từ các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, các diễn viên quần chúng trong các đội múa cổ ở cơ sở, một số nghệ nhân và cả các nhà tu hành - những người sẽ thể hiện tinh hoa nghệ thuật múa của nhà Phật.
Được biết, tháng 8, các đội hình sẽ bắt đầu luyện tập và tổng duyệt vào cuối tháng 9 để sẵn sàng cho đêm diễn. Trong hơn 1 giờ, các nghệ nhân, diễn viên quần chúng sẽ thể hiện 9 điệu múa gồm: Chạy cờ, trống bồng, trống cổ, bài bông, lễ chữ, giảo long, múa của xã Phù Đổng (Gia Lâm) gồm múa ông hổ, ông hiệu trống, hiệu chiêng, hiệu cờ, múa giải oan thích kết, lục cúng. Đây cũng là một phần trong tinh hoa mà mấy năm qua các thành viên dự án đã mất rất nhiều công sức tìm tòi, khai thác, phục hồi.
Tân cổ hài hòa
Hai phần đầu và cuối chương trình mang tên “Lửa thiêng Hà Nội mở hội ngàn năm” và “Mừng Thăng Long chiến thắng” sẽ được sáng tác hoàn toàn mới, do các nghệ sĩ trẻ đảm nhiệm. Đó là các biên đạo Minh Thông, Hồng Phương, Tuyết Minh, Kiều Lê. Âm nhạc sẽ được giao cho các nhạc sĩ Xuân Thuỷ và Quang Vinh.
Theo bà Chu Thuý Quỳnh - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa VN - Tổng đạo diễn của chương trình, phần đầu sẽ khoảng 10 phút, thể hiện không khí hoang sơ của khu vực Thăng Long thời xưa, tái hiện huyền sử chàng trai làng Lệ Mật đánh rắn đưa được xác công chúa vào bờ và được vua cho khai khẩn đất hoang lập nên vùng Thập tam trại trù phú (là khu vực Giảng Võ, Vạn Phúc, Cống Vị… ngày nay).
Phần cuối mang tinh thần hội tụ văn hoá dân tộc và hội nhập quốc tế với những màn múa thể hiện hình ảnh, bản sắc của các dân tộc anh em kéo về mừng Thăng Long chiến thắng, hình ảnh bạn bè quốc tế đến thăm Hà Nội trong một không khí hoà bình, hữu nghị.
Bà Chu Thuý Quỳnh nhấn mạnh: Ở đoạn cuối của phần kết, tất cả sẽ như một bức tranh tráng lệ, thể hiện sự hoành tráng của sân khấu và ý nghĩa phong phú của văn hiến dân tộc.
Các điệu múa cổ sẽ trở thành biểu tượng ở trên bục, còn ở phía trước là cảnh tụ hội. Như vậy, sân khấu sẽ được lắp đặt quy mô với nhiều bục bệ và rất nhiều đạo cụ trong sự phối hợp nghệ thuật ánh sáng hiện đại để tạo ra nhiều hiệu quả đẹp mắt.
“Hướng mở” trong sự phối hợp nghệ thuật cổ với sáng tác mới và các hiệu quả kỹ thuật âm thanh, ánh sáng đem lại hy vọng về những màn diễn thú vị. Điều này càng đòi hỏi các nhà biên đạo hiểu tinh thần, đặc trưng múa cổ để có những sáng tạo phù hợp và hài hoà trong phong cách thể hiện.
Nếu tác phẩm này có thể thành công trong nhìn nhận của giới và sự thưởng thức của công chúng, đây sẽ là gợi ý hay cho các chương trình nghệ thuật sau này không chỉ của Hà Nội.
Hoàng Thi
Vui lòng nhập nội dung bình luận.