Phương Lạp – kẻ khiến nghĩa quân Lương Sơn Bạc suy tàn – thực sự là ai?

Vô Kỵ Chủ nhật, ngày 12/05/2019 16:33 PM (GMT+7)
Phương Lạp được nhắc đến và khắc họa trong tiểu thuyết Hậu Thủy hử của Thi Nại Am và La Quán Trung, có thể coi là nhân vật quan trọng gắn với hành trình suy tàn của 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc.
Bình luận 0

Trận chiến Lương Sơn – Phương Lạp trong Hậu Thủy Hử

Trong những hồi cuối cùng của tác phẩm, sau khi nhận chiêu an của triều đình, Tống Giang và các vị anh hùng Lương Sơn Bạc đã đánh bại quân Liêu, dẹp tan các cuộc khởi nghĩa của Điền Hổ, Vương Khánh, trước khi nhận lệnh đánh dẹp Phương Lạp.

img

Trong Hậu Thủy Hử, trận chiến với Phương Lạp khiến nghĩa quân Lương Sơn chịu tổn thất nặng nề.

Cuộc chiến với Phương Lạp đã gây ra tổn thất nặng nề cho nghĩa quân Lương Sơn. Nhiều anh hùng tên tuổi Lương Sơn Bạc đã tử trận vì quân Phương Lạp, trong đó có 15 chánh tướng: Tần Minh, Từ Ninh, Đổng Bình, Trương Thanh, Lưu Đường, Sử Tiến, Sách Siêu, Trương Thuận, Nguyễn Tiểu Nhị, Nguyễn Tiểu Ngũ, Lôi Hoành, Thạch Tú, Giải Trân, Giải Bảo.

Trong hơn 100 đầu lĩnh Lương Sơn tham gia trận chiến này thì 59 người bị tử trận, 10 người ốm chết dọc đường, 7 người không trở về triều, chỉ còn 27 người hồi kinh nhận quan tước. Cuối cùng, Phương Lạp bị Võ Tòng bắt được trên đường chạy trốn và bị mang về kinh xử tử.

Trận chiến với Phương Lạp và kết cục của các anh hùng Lương Sơn Bạc được miêu tả trong Tục Thủy Hử vô cùng chi tiết, sâu sắc, bi tráng và đầy ám ảnh. Nhưng thực tế, tất cả những thứ đó đều là do Thi Nại Am (và La Quán Trung) hư cấu.

Theo ghi chép chính sử, Phương Lạp chưa từng giao tranh với quân lực của Lương Sơn. Phương Lạp đã thực sự xưng đế và bị tiêu diệt bởi những đội quân khác của triều đình nhà Tống chứ không phải quân Lương Sơn Bạc.

img

Phương Lạp bị bắt giữ sau trận giao đấu kinh điển với Võ Tòng.

Lãnh tụ cuộc khởi nghĩa nông dân

Thời Bắc Tống, những năm Tuyên Hòa, Huy Tông hoàng đế u mê, quyền bính nằm trong tay 6 gian thần là Thái Kinh, Chu Diến, Vương Bồ, Lý Nghiên, Đồng Quán, Lương Sư. Chính trị hủ bại, chiến sự liên miên, tai họa đồn dập, bách tính khổ cực.

Hoạn quan Đồng Quán muốn lấy lòng Tống Huy Tông vốn thích cây cỏ lạ, đá quý, sai tâm phúc Chu Miễn thành lập Ứng phụng cục (Cục cung ứng phục vụ hoàng đế) nhằm cướp bóc nhân dân Giang Nam cống nộp và chuyên chở hoa thạch cho vua, khiến trăm họ kiệt quệ điêu linh, nhân dân căm giận.

Vùng Thanh Khê thuộc Mục Châu (nay là huyện Thuần Anh, Chiết Giang) là nơi sản xuất các loại kì hoa dị thạch thường bị “Ứng phụng cục” của Chu Miễn cử người tới vơ vét. Phương Lạp, một điền chủ ở địa phương, tính tình hảo sảng, kết giao rộng rãi, nhà có vườn sơn, thường lấy nhựa sơn đem bán làm nguồn nuôi sống gia đình.

Từ ngày có bọn Chu Miễn, gia đình Phương Lạp bị chúng hạch sách rất nhiều. Phương Lạp thấy hoàn cảnh của mình cũng giống như bao người dân trong vùng, liền quyết tâm tổ chức những người cùng khổ lại thành một khối, chống lại quan triều đình. Năm 1120, mấy trăm nông dân căm thù quan lại tụ tập trong vườn sơn nhà Phương Lạp. Tại đây, Phương Lạp rưng rưng nước mắt mà nói rằng:

img

Phương Lạp & cuộc khởi nghĩa nông dân của Phương Lạp trong tranh cổ Trung Hoa.

“Hiện nay quan lại thu thuế và bắt lao dịch nặng nề như thế, mà bọn chúng còn hạch sách đòi đút lót nữa. Dân chúng ta sản xuất được bao nhiêu sơn, giấy, cũng bị chúng vơ vét sạch sanh. Chúng ta lao động cực khổ suốt năm mà kết cục cả nhà từ già trẻ trai gái đều chịu đói rét, ngay đến cơm cũng không được bữa nào no, các ngươi thấy như thế nào”.

Nghe đến đó, mọi người đồng thanh: “Xin ngài ra lệnh, chúng tôi nguyện chết tuân theo”.  Được nông dân trong vùng ủng hộ, Phương Lạp lấy danh nghĩa diệt Chu Miễn, phát động cuộc khởi nghĩa. Cờ khởi nghĩa vừa giương lên, dân chúng đã nô nức hưởng ứng; chỉ trong mười mấy ngày; nghĩa quân đã lên tới mấy vạn.

Những thắng lợi liên tiếp

Phương Lạp xưng là Thánh Công, đặt niên hiệu Vĩnh Lạc, cắt cử quan lại, tướng sĩ, chia quân làm sáu đạo, thanh thế rất mạnh. Đô giám Lương Triết là Thái Tôn, Nghiên Viên cho rằng nghĩa quân sẽ không chịu nổi 1 trận đánh, đem 5.000 quân binh tới đàn áp. Phương Lạp cho quân mai phục, diệt toàn bộ quan binh. Hôm sau thừa thắng, chiếm huyện thành Thanh Khê.

Đầu tháng Chạp, nghĩa quân chiếm thành Mục Châu (huyện Kiến Đức, tỉnh Chiết Giang), sau đó đánh chiếm các huyện xung quanh như Thọ Xương, Phân Tủy, Đồng Lư, Toại An… Tiếp đó, nghĩa quân chia làm 2 đạo. Một đạo do Phương Bách Hoa là em gái Phương Lạp chỉ huy, tiến đánh Hàng Châu; đạo thứ 2 do đích thân Phương Lạp chỉ huy tiến sang phía tây đánh Hấp Châu (huyện Hấp, tỉnh An Huy).

img

Phương Lạp xưng vương được 70 ngày trước khi bị triều Tống bắt và xử tử hình.

Hấp Châu là trọng điểm quân sự phía đông nam của triều Tống. Phương Lạp huyết chiến với tướng triều đình là Quách Sư Trung. Ngày 20 tháng Chạp, Quách Sư Trung tử trận. Nghĩa quân đại thắng, tin tức lan truyền, quan quân các thành như Vụ Nguyên, Tích Khê, Kỳ Môn... nghe tiếng nghĩa quân đã kinh hoảng bỏ chạy. Phương Lạp dẫn chủ lực quay lại phía đông, đánh Phú Dương, Tân Thành.

Ngày 29 tháng Chạp, đại quân tới hợp với đội tiên phong của Phương Bách Hoa cùng công phá thành Hàng Châu. Phương Lạp cho nghi binh xuôi dòng Tiền Đường, dụ quan quân ra bờ sông mà đánh, còn chủ lực thì theo đường núi đánh thẳng vào cửa Sung Kiên.

Phương Lạp đốc quân công phá mãnh liệt, 2 tướng Trần Kiến và Triệu Ước tự trói xin hàng, bị nghĩa quân chém chết. Phương Lạp chiếm được Hàng Châu, uy danh lừng lẫy. Nông dân các nơi lũ lượt giương cờ của Phương Lạp nổi lên.

Sai lầm chiến lược

Thái học sinh Lã Tương tham gia nghĩa quân hiến kế với Phương Lạp hãy nhân lúc Kim Lăng ít lực lượng phòng bị mà chiếm Kim Lăng, rồi trấn giữ Trường Giang mà xây dựng căn cứ địa ở vùng đông nam. Mưu sĩ Trần Cô Dũng cũng đề xuất trước hết nên chiếm Kim Lăng, sau đó vượt Trường Giang lật đổ triều Tống.

img

Khởi nghĩa thất bại nhưng Phương Lạp vẫn được coi là vị lãnh tụ nông dân được kính trọng nhất trong lịch sử.

Nhưng Phương Lạp không nghe, muốn tiến chiếm Giang Nam trước. Do đó, Lạp phái đại tướng Phương Thất Phật chỉ đem theo khoảng 6 vạn quân tiến lên phía bắc vây đánh Tú Châu, còn mình dẫn đại quân xuống phía nam đánh Vụ Châu.

Lúc này triều Tống quả thực lo Phương Lạp chiếm Kim Lăng, dựa vào địa thế hiểm trở của Trường Giang mà chống triều đình, vội cử Đàm Trắc và Đồng Quán đem 15 vạn quân xuống phía nam vây đánh Phương Lạp. Quân Tống vượt Trường Giang, chia binh giữ Kim Lăng, Trấn Giang, rồi phân 2 đạo, 1 sang phía đông tăng viện cho Tú Châu, 1 sang phía tây tới Hấp Châu, chuẩn bị cùng đánh nghĩa quân.

Phương Thất Phật đánh Tú Châu lâu ngày chưa hạ được. Đúng lúc viện binh quân Tống tới, nghĩa quân bị đánh từ 2 phía, phải tử chiến phá vây, vừa đánh vừa rút, 6 vạn quân chỉ còn lại trên 2 vạn. Tháng Giêng năm 1121, đại quân của Phương Lạp đã chiếm Vụ Châu, Cù Châu, Xử Châu nhưng tướng Tống là Vương Bẩm lại thừa cơ tái chiếm Hàng Châu.

Đầu tháng 3, Phương Lạp tái công phá Hàng Châu, đánh nhau dữ dội với quân Vương Bẩm, cuối cùng bị thua, phải rút về phía nam. Ít lâu sau, Mục Châu bị vây, Đàm Trắc và Đồng Quán dùng thủy quân và lục quân cùng đánh. Quân Phương Lạp bị địch lừa, đốt mất doanh trại, kho bãi, phải lui về Thanh Khê.

img

Phương Lạp chính là nguồn cảm hứng cho cuộc khởi nghĩa có thực trong lịch sử của Tống Giang tại Hà Bắc.

Khởi nghĩa thất bại

Quân Tống lùng bắt gia quyến của các thủ lĩnh nghĩa quân để uy hiếp buộc họ đầu hàng. Những tướng sĩ nghĩa quân vì thế đành lần lượt ra hàng, như Mậu Nhị đại vương và Hồng Tài, 1 dũng tướng đắc lực của Phương Lạp. Toàn bộ mấy chục vạn quân dưới quyền chỉ huy của Hồng Tài bị di tản, khiến nghĩa quân đang đánh Tín Châu (thành phố Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây) ở phía nam bị thất lợi.

Hơn 20 vạn nghĩa quân ở Thanh Khê đánh nhau dữ dội với quan quân, 7 vạn người hi sinh anh dũng, số còn lại tan tác. Phương Lạp cùng ít quân rút vào hang động bí mật. Quan quân dùng người địa phương thông thạo địa hình dẫn đường vây bắt, cuối cùng Phương Lạp cùng 52 người bị bắt. Ngày 24.8, Phương Lạp bị hành hình.

Từ lúc khởi binh, Phương Lạp đã chiếm được 6 châu, 52 huyện, nghĩa quân đông tới trăm vạn. Cuối cùng thất bại chỉ 7 tháng sau khi xưng hiệu, do nhiều nguyên nhân. Trong đó lí do chính là vào thời điểm quyết định ông đã mắc sai lầm về chiến lược tiến quân và không điều khiển được toàn cục. Sau khi Phương Lạp chết, các thủ hạ vẫn tiếp tục chống lại triều đình khiến các nhà Tống phải đánh dẹp mãi tới tháng 3 năm 1122 mới hoàn thành.

Phương Lạp thất bại và bị giết, nhưng nhân dân một số địa phương thuộc huyện Hấp và Thuần An vẫn kính trọng vị lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa nông dân. Tên của Phương Lạp được đặt cho một số địa danh, đến nay một số vùng ở An Huy hay Hàng Châu, vẫn còn động Phương Lạp, trại Phương Lạp.

Khởi nghĩa Phương Lạp tuy bất thành nhưng đã giáng 1 đòn nặng nề vào sự thống trị của triều Tống hủ bại và trở thành niềm cảm hứng lớn lao cho phong trào khởi nghĩa nông dân mạnh mẽ sau đó. Chính là cuộc dấy binh của của Tống Giang có-thật-trong-lịch-sử cùng 36 tráng sĩ ở Hà Bắc, sau lan rộng ra Thanh Châu, Tề Châu cùng Bộc Châu và cuộc khởi nghĩa của các ngư dân ở Lương Sơn Bạc (Sơn Đông).

Câu chuyện 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc lưu truyền trong dân gian khởi phát từ chính các sự kiện có thật kể trên trước khi được Thi Nại Am góp nhặt, gia công và hư cấu thành bộ tiểu thuyết lừng danh “Thủy Hử”. Chỉ có điều hình ảnh, vai trò và giá trị của Phương Lạp đã bị Thi Nại Am và La Quán Trung làm sai lệch trong “Tục Thủy Hử” khiến độc giả đời sau có cái nhìn không đúng về vị lãnh tụ khởi nghĩa nông dân này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem