Phương tây phập phồng dự đoán Nga trả đũa

Thứ ba, ngày 08/05/2018 18:05 PM (GMT+7)
Trong khi phương Tây tiếp tục tư duy hằn học, Tổng thống Nga đã nêu khái quát mục tiêu phát triển đất nước cùng tư thế sẵn sàng đối thoại.
Bình luận 0

Nga sẽ trả đũa

Ngay trong ngày Tổng thống Nga V. Putin nhậm chức, 7.5, tờ Le Figaro của Pháp có bài viết cho rằng chính sách đối ngoại của Nga đã dẫn đến mối quan hệ thiếu tin tưởng với phương Tây.

Theo đó, quan hệ giữa Nga và phương Tây đang ở tình trạng xấu nhất kể từ sau chiến tranh Lạnh. Tờ báo Pháp dẫn ý kiến giới chuyên gia dẫn ra các luồng ý kiến khác nhau.

Có ý kiến cho rằng sau khi đã đưa nước Nga trở lại thành một “cường quốc quốc tế”, ông Putin có thể dành 4 năm nhiệm kì tiếp theo tại điện Kremlin để phục hồi nền kinh tế,... cải thiện quan hệ với châu Âu và Mỹ.

Ngược lại, cũng có luồng ý kiến mong chờ khả năng ông Putin duy trì chính sách hiện nay, thậm chí củng cố tình trạng đối đầu với phương Tây. Đáng chú ý là chính sách cứng rắn với phương Tây của ông Putin lại được đánh giá là rất thành công cả về đối nội hay đối ngoại. Bằng chứng là ông đã tái đắc cử tổng thống Nga nhiệm kì thứ tư với hơn 70% phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử hồi tháng 3 vừa qua.

img

Lấy tiếng dự báo, truyền thông phương Tây thực chất đang tuyên truyền chống Nga một cách lộ liễu

Theo giới phân tích Pháp, rất khó có khả năng quan hệ hai giữa Nga với phương Tây sẽ được cải thiện. Moscow chưa bao giờ chấp nhận thất bại trong Chiến tranh Lạnh.

Le Figaro dẫn ý kiến một nhà ngoại giao cho biết Nga chưa thể “bỏ qua” những can thiệp của phương Tây ở Kosovo (năm 1999) và Libya (năm 2011) mà Nga đã cố gắng phản đối.

Nhà ngoại giao này (không được Le Figaro nêu rõ tên) cho rằng ông Putin muốn tạo điều kiện để Nga trả đũa và sẽ quyết tâm thực hiện đến cùng.

Theo tờ báo Pháp, các rào cản chiến lược căn bản dẫn đến sự suy thoái trong các mối quan hệ giữa Nga và phương Tây vẫn còn tồn tại. Nổi bật nhất là việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3.2014.

Phương Tây còn lo ngại về phương pháp "chiến tranh hỗn hợp" được Nga sử dụng, thậm chí là cách tiếp cận bằng khả năng sử dụng răn đe hạt nhân của ông Putin.

Chủ đề căng thẳng khác là cuộc chiến ở Syria vẫn luôn nóng bỏng trong các chương trình nghị sự. Việc tham chiến trợ giúp chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad tại Syria từ tháng 9.2015 đã làm tăng đáng kể ảnh hưởng quốc tế của Nga, cho phép bảo vệ cơ sở của Nga và tiếp cận Địa Trung Hải.

Sự hằn học của phương Tây

Ngoài các vấn đề nổi cộm cũ như Ukraine, Syria và sự can thiệp trong các cuộc bầu cử mà phương Tây tiếp tục cáo buộc Nga một cách vô căn cứ, Le Figaro cho rằng đã xuất hiện những bất đồng mới làm xấu thêm tương lai của mối quan hệ Nga - phương Tây.

Trong khi tiến hành cuộc chiến thông tin của mình, phương Tây lại cáo buộc Nga đang phát triển mạng lưới quốc tế với các công nghệ mới làm yếu tố then chốt của kho vũ khí trong chính trị quốc tế.

Ví dụ cũ được nêu ra là, trong một vài năm qua, kênh truyền hình RT của Nga, được điện Kremlin tài trợ, đã mở rộng ảnh hưởng của mình khắp thế giới phương Tây.

img

Máy bay Rafale của Pháp xuất kích tấn công Syria hôm 14.4

Bên cạnh đó, các phong trào dân túy và cực hữu ở châu Âu bị chính phương Tây coi là “phi dân chủ” và cáo buộc Nga hỗ trợ các phong trào này!

Nga cũng bị cáo buộc “quyến rũ” và khai thác những căng thẳng nội bộ ở các nền dân chủ phương Tây. Nga sử dụng các mạng xã hội, phương tiện truyền thông của chính phủ và các hoạt động “tấn công mạng” để khai thác lỗ hổng của các công ty đại chúng, khoét sâu các chia rẽ và làm cản trở các quy trình ra quyết định.

Hoạt động của Nga cũng vượt qua Đại Tây Dương, ủng hộ Venezuela, làm suy yếu các liên minh của Mỹ bằng cách bán vũ khí cho các quốc gia Trung Đông (Arabia Saudia, Ai Cập ...).

Le Figaro cho rằng các hoạt động của Nga còn dễ dàng hơn nhờ sự can thiệp ở Syria. Việc này đã tạo ra các “lỗ hổng ngoại giao” và Nga đã nhanh chóng tận dụng.

Nga cũng không ngần ngại bán hệ thống phòng không S-400 cho một trong những quốc gia thành viên lớn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Thổ Nhĩ Kỳ.

Tờ báo Pháp cổ vũ Anh khi cho rằng London đã dám đối mặt với tất cả những vấn đề gây khó chịu kể trên khi “ lên án mạnh mẽ” Nga trong vụ cựu điệp viên người Nga Skirpal bị đầu độc hồi đầu tháng 3. Trước đó, tháng 11.2017, Thủ tướng Anh Theresa May đã cáo buộc ông Putin "quân sự hóa" tin tức.

Dẫn thông tin từ tờ The Guardian, tờ báo Pháp cho biết các nhà ngoại giao Anh có ý định sử dụng các hội nghị quốc tế trong tương lai để xây dựng một "chiến lược chống lại các chiến dịch thông tin sai lệch của Nga" với các đồng minh.

Một ủy ban lưỡng đảng của Quốc hội Anh đã công khai can thiệp công việc nội bộ của Nga khi nêu ra cái cớ là “thãm nhũng của Nga không còn là vấn đề tài chính mà là mối đe dọa về an ninh và chính sách đối ngoại đòi hỏi các biện pháp trừng phạt mới”.

img

Máy bay Tornado của Anh xuất kích từ căn cứ Akrotiri trên đảo Síp để tấn công Syria ngày 14.4

Có lẽ người Pháp đang bồn chồn và lo lắng nên mới nghĩ tới chuyện bị Nga trả đũa, nhất là sau hành động tấn công bất hợp pháp vào Syria hôm 14.4 cùng với Mỹ và Anh. Đến nay tất cả đều đã rõ, vụ việc được cho là tấn công bằng vũ khí hóa học ở Douma, vốn là cái cớ cho cuộc tấn công, hoàn toàn là một kịch bản dàn dựng, trong đó có bàn tay của Anh và Mỹ.

Đông Triều (Báo Đất Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem