Điều đáng nói, 7 chữ ấy vốn không có trong các Dự thảo sửa đổi Hiến pháp hay Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi 2003 trình Quốc hội vào năm 2012, ngay cả khi Quốc hội đã thảo luận qua 2 kỳ họp liên tiếp. Những chữ ấy chỉ được bổ sung gần như ngay trước khi Quốc hội nhấn nút biểu quyết vào ngày 28 và 29.11.2013.
10 năm “thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế”
Trở lại quy định về quyền thu hồi đất, hơn 10 năm trước, Luật Đất đai 2003 được Quốc hội thông qua, Điều 38 luật này ghi rõ: “Nhà nước thu hồi đất trong các trường hợp sau: (trích khoản 1): “Nhà nước sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế”. Theo quan điểm của các nhà làm luật, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, cần bảo vệ quy định thu hồi đất vì “phát triển kinh tế”.
Bên cạnh những dự án kinh tế, những khu đô thị mới mọc lên ở nhiều vùng quê, người ta chưa thể quên những câu chuyện đau lòng từ những xung đột “giữa người dân mất đất” và các đơn vị cưỡng chế thu hồi đất cho các dự án kinh tế trong 10 năm qua. Không chỉ mồ hôi, nước mắt mà có cả máu đã đổ và sinh mạng đã bị cướp đi liên quan đến câu chuyện thu hồi đất, đền bù hỗ trợ, tái định cư.
Nổi cộm là vụ nổ súng chống lại đoàn cưỡng chế của nông dân Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng) đầu năm 2012 làm rúng động cả nước, hay dữ dội và bi thương như vụ Đặng Ngọc Viết tự sát dưới chân tượng Phật sau khi bắn chết 5 cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Thái Bình vào tháng 9.2013, tức chỉ khoảng 1 tháng trước khi Quốc hội chính thức sửa đổi quy định thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ tái định cư trong Luật Đất đai 2013. Hay vụ thu hồi đất ở Văn Giang (Hưng Yên) làm Khu đô thị Eco Park đã kéo theo khiếu kiện của người dân địa phương trong nhiều năm với nhiều hệ luỵ...
Trong đại đa số câu chuyện “thu hồi đất”, phần thiệt thòi hay tổn thương nhiều nhất vẫn thuộc về người dân mất đất. Vậy trước cơ hội sửa đổi Hiến pháp 1992 (sau 21 năm) và sửa đổi Luật Đất đai 2003 (10 năm), những bất hợp lý này có được sửa đổi?
Liên tiếng kiên trì và mạnh mẽ
Trong số các cơ quan báo chí lên tiếng về vấn đề này, Báo NTNN đã thể hiện tiếng nói kiên trì trong việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nông dân và những người dân mất đất, với quan điểm rõ ràng và nhất quán: Nên bỏ nội dung “thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế” ra khỏi Dự thảo Luật Đất đai.
Không phải đợi đến ngày 21.1.2013, khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII ban hành Nghị quyết 563 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai 2003 (sửa đổi), Báo NTNN mới bắt đầu tham gia phản biện. Nhưng từ chủ trương này của Quốc hội, và sau đó là kế hoạch lấy ý kiến người dân của Chính phủ, NTNN đã chủ động đẩy mạnh các hoạt động góp ý, phản biện để xây dựng Luật Đất đai với các chuyên trang chuyên đề tập trung trên cả báo in và Báo điện tử Dân Việt.
Từ đó, nhiều bài viết thể hiện rõ quan điểm của tờ báo đã được đăng tải: “Cần thu hẹp quyền thu hồi đất” (ngày 13.3.2013); thu hồi đất, phần thiệt về dân: 1m2 đất chỉ bằng... bát phở (13.3.2013); Lo ngại lợi ích nhóm trong quy định thu hồi đất (15.3.2013); Thu hồi đất - Bèo bọt và vớ bẫm (15.3.2013); “Cần thêm thời gian để hoàn thiện dự thảo luật” (17.6.2013); Hai chữ “thu hồi” trong câu chuyện đất đai (17.6.2013); Sửa luật để giảm khiếu kiện, chống lợi ích nhóm (17.6.2013); Thu hồi đất: Phải làm rõ khái niệm “thật cần thiết” (19.6.2013); Tách nhóm lợi ích ra khỏi đất đai (8.7.2013).
Không chỉ bằng các bài báo in, NTNN còn tổ chức Bàn tròn trực tuyến góp ý xây dựng Luật Đất đai trên Báo điện tử Dân Việt với khách mời là các chuyên gia uy tín, tâm huyết trong lĩnh vực đất đai như GS-TSKH Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; TS Nguyễn Duy Lượng - Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân VN; Đại diện Liên minh Đất đai và một số chuyên gia khác ủng hộ quan điểm chỉ thu hồi đất vì mục đích công.
Trong số các ý kiến đa chiều của các vị đại biểu (ĐB) Quốc hội, NTNN cũng đã đăng tải nhiều ý kiến mạnh mẽ như: ĐB Giàng Thị Bình (đoàn Lào Cai) với ý kiến “Thay thế thu hồi bằng trưng mua”; ĐB Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) nêu ra “4 lý do để không tán thành” đối với quy định do các cơ quan soạn thảo đưa ra “thu hồi đất vì mục đích kinh tế - xã hội” trong cả Hiến pháp lẫn Luật Đất đai... Những ý kiến phản biện sắc sảo, đa chiều trên nhiều diễn đàn khác nhau về Dự thảo Luật Đất đai đã khiến Quốc hội đi đến quyết định bất ngờ nhưng hợp lý: Lùi biểu quyết thông qua Dự thảo Luật Đất đai 2003 sửa đổi sang kỳ họp cuối năm 2013.
Bổ sung ở “phút 89”
Cho đến giữa kỳ họp lần thứ 3 (tháng 10.2013), chuyện thu hồi đất vì mục đích kinh tế - xã hội hay không vẫn chưa ngả ngũ trên bàn nghị sự Quốc hội. Nhưng sự việc đã biến chuyển nhanh chóng và tích cực gần như chỉ ngay trước ngày Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua Hiến pháp 2013 (ngày 28.11.2013). Tại bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp được đưa ra biểu quyết (với 97% ĐB Quốc hội tán thành), khoản 3 của Điều 54 đã được viết thành: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”.
Chỉ 1 ngày sau đó, Luật Đất đai 2013 cũng đã được Quốc hội thông qua, có ghi rõ nội dung Nhà nước thu hồi đất với mục đích “phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” (tại điểm a, khoản 1, Điều 16, Luật Đất đai 2013).
"Trong việc hợp tác vận động xây dựng Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, chúng tôi đã nhận được sự hợp tác hết sức tích cực và hiệu quả của Báo NTNN. Báo có những cán bộ chuyên nghiệp, năng động, thiện chí, và đặc biệt là có tư duy lập kế hoạch rất tốt, có tâm và có tầm nhìn... Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao sự cam kết của NTNN trong việc thực hiện tôn chỉ mục đích của mình là tờ báo của nông dân, là nơi thể hiện rất sâu, mạnh và có hệ thống tiếng nói của nông dân về các vấn đề của họ…”.
Bà Lê Kim Dung - Đại diện Tổ chức Oxfam tại Việt Nam.
Bình luận về sự bổ sung 7 chữ này, GS-TSKH Đặng Hùng Võ (chuyên gia phân tích chính sách đất đai độc lập) đánh giá đây là một bước tiến lớn, khi Quốc hội ghi thẳng vào Hiến pháp, sau đó là Luật Đất đai. Bởi dù vẫn giữ nội dung thu hồi đất vì mục đích kinh tế - xã hội, nhưng giờ đây, các dự án thu hồi đất kiểu này phải được xem xét kỹ vì lợi ích quốc gia, công cộng, chứ không thể chỉ thiên về mục đích kinh tế như trước, vốn thường đem lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư, còn người mất đất chịu nhiều thiệt thòi.
Như vậy, sau nhiều tháng góp ý phản biện để xây dựng luật, báo chí nói chung đã góp phần làm gia tăng sự đồng thuận, thúc đẩy Quốc hội “tìm ra” 7 chữ nói trên, với kỳ vọng giảm thiểu sự tổn thương cho nông dân khi bị thu hồi đất.
Tất nhiên, có được điều luật tốt, chưa hẳn sẽ được thực thi tốt trong thực tế. Báo NTNN và báo chí nói chung sẽ tiếp tục phản ánh những chuyển biến trong đời sống thực tiễn. Điều luật tốt chỉ có ý nghĩa khi thực sự điều chỉnh hài hoà lợi ích của các nhóm lợi ích trong xã hội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.