PVN nâng đỡ, chi phối ngân hàng OceanBank như thế nào?

Thứ năm, ngày 21/12/2017 09:54 AM (GMT+7)
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia cùng các công ty con đóng góp nửa số vốn huy động của OceanBank nên ngân hàng phải chi lãi suất ngoài "thật đậm" để chăm sóc đặc biệt.
Bình luận 0

Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) vừa ra kết luận điều tra, đề nghị VKSND Tối cao truy tố ông Đinh La Thăng cùng sáu cựu lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia trong việc gây thất thoát 800 tỷ đồng khi đầu tư trái quy định vào Ngân hàng Đại Dương (OceanBank).

Từ hai tháng trước, trong phiên xử đại án tiêu cực xảy ra tại Oceanbank với chủ mưu là cựu Chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm, cuộc "bắt tay làm ăn" giữa PVN và OceanBank từng được toà xét hỏi nhiều lần để làm rõ sai phạm của những người liên quan.

Clip: Lời nói sau cùng của các bị cáo trong phiên xử đại án tiêu cực xảy ra tại Oceanbank. Nguồn: VNE

Theo cáo buộc, tháng 9.2008, lãnh đạo PVN ký thỏa thuận với ông Hà Văn Thắm (Chủ tịch HĐQT OceanBank) về việc PVN tham gia góp 20% vốn điều lệ vào ngân hàng, tương đương 800 tỷ đồng. Nguồn tiền lấy từ kết quả sản xuất kinh doanh của PVN.

img

Hà Văn Thắm. Ảnh: Zing

Với sự hợp tác này, ngày 13.5.2009, Chủ tịch HĐQT PVN Đinh La Thăng có văn bản gửi các đơn vị thành viên tập đoàn về việc sử dụng dịch vụ của OceanBank. Theo đó, để tạo điều kiện cho OceanBank trở thành định chế tài chính của tập đoàn trong việc quản lý dòng tiền, thực hiện việc chuyển tiền giữa PVN và các đơn vị thành viên, Hội đồng quản trị PVN yêu cầu các đơn vị sử dụng dịch vụ do OceanBank cung cấp.

Ngày 22.6.2009, Tổng giám đốc PVN tiếp tục có công văn đề nghị các đơn vị thành viên của tập đoàn này mở và sử dụng hệ thống tài khoản tại OceanBank. Tháng 9.2009, Tổng giám đốc PVN tiếp tục có văn bản gửi các đơn vị thành viên  "yêu cầu" các đơn vị chưa mở tại khoản tại OceanBank cần khẩn trương phối hợp với ngân hàng trong việc mở và sử dụng tài khoản theo chỉ đạo.

Trong gần một tháng xét xử, những người đại diện cho hàng chục công ty con của PVN đều thừa nhận khi có "lệnh" trên đều ký hợp đồng tiền gửi với OceanBank.

Hồ sơ vụ án cũng xác định giai đoạn 2010-2014 có hơn 50.000 cá nhân và gần 400 tổ chức gửi tiền tại OceanBank. Nhiều khách hàng lớn là các tổ chức kinh tế có vốn Nhà nước như PVN và Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam.

Nguyễn Minh Thu (cựu Tổng giám đốc OceanBank) khai lúc cao điểm Liên doanh Dầu khí VietsoPetro (VietsovPetro) gửi hàng trăm triệu USD. Lời khai này lúc đó đã khiến chủ tọa phiên tòa phải thốt lên "xin hãy nhân giùm tôi ra tiền Việt".

Lãnh đạo VietsoPetro khi đối chất tại tòa cũng thừa nhận con số trên. Ông Võ Quang Huy (nguyên kế toán trưởng VietsovPetro) cho hay liên doanh dầu khí này là khách hàng khổng lồ của OceanBank. Có thời điểm, VietsovPetro gửi tới 100 triệu USD và khoảng 1.000 tỷ đồng. Theo ông Huy, OceanBank được coi là "ngân hàng nhà" của ngành dầu khí. Ngành đã có chỉ đạo chung về việc các thành viên đều là khách hàng của ngân hàng này.

Trước tòa, đại diện Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVoil) cũng thừa nhận có hợp đồng tiền gửi trị giá 1.500 tỷ đồng tại OceanBank. Cựu chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm cũng từng khai suốt 5 năm (2009-2014), tổng số vốn OceanBank huy động 40.000 tỷ đồng thì có tới một nửa đến từ PVN và các công ty con của tập đoàn này.

Trong giai đoạn nói trên, sau khi trở thành cổ đông và đối tác chiến lược của Oceanbank, PVN đã giới thiệu, cử ông Nguyễn Xuân Sơn là Tổng giám đốc Oceanbank. Ông Sơn giữ chức Tổng giám đốc Oceanbank đến tháng 11.2010 rồi lại về PVN làm Phó tổng giám đốc từ tháng 11 năm này. Khi về PVN ông Nguyễn Xuân Sơn được giới thiệu làm người đại diện phần vốn góp của PVN tại OceanBank đến tháng 4.2011.

OceanBank ‘lại quả’ PVN như thế nào?

Quá trình thẩm vấn tại tòa cũng cho thấy lượng tiền gửi lớn khiến PVN có vai trò sống còn với OceanBank. Vì vậy, ngân hàng "lại quả" bằng việc chi "đậm" lãi suất ngoài hợp đồng với dòng tiền gửi.

Kết quả điều tra xác định từ 2010 đến cuối 2014, tổng số tiền lại OceanBank chi ngoài hợp đồng cho các khách hàng gửi tiền là gần 1.600 tỷ. Trong đó, hàng trăm tỷ chi cho chính lãnh đạo của PVN và các công ty con của tập đoàn này.

Cựu chủ tịch PVN Nguyễn Xuân Sơn (cũng là cựu tổng giám đốc Oceanbank) từng khai chi lễ tết hết 30-50 tỷ đồng trong 5 năm (2009-2014), đặc biệt đưa trực tiếp cho nguyên Kế toán trưởng PVN Ninh Văn Quỳnh 20-30 tỷ đồng. Ông Quỳnh trong một lần đối chất trước tòa đã khai có nhận 20 tỷ và số tiền này chi tiêu cá nhân.

Còn cựu Tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Minh Thu khai đã chi lãi ngoài chăm sóc các doanh nghiệp gồm: Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVoil) hơn 26 tỷ, Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) gần 10 tỷ; Liên doanh Dầu khí VietsoPetro (VSP) hơn 22 tỷ, Phân bón Dầu khí Cà Mau và Ban quản lý Khí điện đạm Cà Mau gần 17 tỷ, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) 35,5 tỷ, Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) hơn 8 tỷ, Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam và các công ty thành viên (PVIs) gần 20 tỷ…

Ông Nguyễn Xuân Sơn còn khai, trong thời gian đương chức tại OceanBank có hai năm ông đến tặng quà cựu kế toán trưởng VSP và 8-10 lần biếu quà cho cựu Tổng giám đốc Vietsovpetro. Ông Sơn nói không nhớ rõ nhưng mỗi lần đều biếu 200-300 triệu đồng cho mỗi người.

Bà Nguyễn Minh Thu cũng khai, trong lúc làm Tổng giám đốc định kỳ một năm 4 lần đến VietsovPetro để đưa tiền lãi ngoài hợp đồng. "Với khách hàng lớn như VietsovPetro thì đến thăm theo yêu cầu, mỗi lần ngành dầu khí hội họp cũng ghé qua. Mọi việc làm theo chỉ đạo của Chủ tịch Thắm”, bị cáo Thu khai trước tòa.

Về việc này cựu Giám đốc chi nhánh OceanBank Vũng Tàu cũng nói khi bị toà xét hỏi: "VietsovPetro là khách hàng lớn của OceanBank thì Tổng giám đốc đến thường xuyên cũng là bình thường"…

Đại diện các công ty trong ngành dầu khí mà các bị cáo có lời khai đưa tiền khi bị toà thẩm vấn đều phủ nhận việc được hưởng chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên, việc điều tra giai đoạn 2 của vụ án đã được mở ra, khi đó ai nhận hay không sẽ được làm rõ.

Ngay khi phiên toà vừa khép lại, nhiều lãnh đạo PVN đã bị khởi tố. Ngày 13.9, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố ba vụ án hình sự, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (VSP); Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR); Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), theo Điều 280 Bộ luật Hình sự.

Theo tài liệu điều tra, từ năm 2010 đến ngày 31.11.2014, tổng số tiền ngân hàng này đã chi trả lãi ngoài cho các khách gửi tiền là hơn 1.500 tỷ đồng. Trong đó chi cho VSP hơn 24 tỷ đồng; BSR hơn 19 tỷ đồng và PVEP hơn 76 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng cho rằng, việc nhận, sử dụng các khoản tiền ngoài lãi suất tại VSP, BSR, PVEP là vi phạm pháp luật, có dấu hiệu thỏa thuận, móc ngoặc giữa lãnh đạo các doanh nghiệp này với lãnh đạo OceanBank trong việc đưa, nhận tiền và để ngoài sổ sách kế toán nhằm chiếm đoạt.

Bảo Hà (VNE)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem