|
Một lớp dạy nghề chăm sóc - thu hoạch cà phê ở Ia Pa (Gia Lai). |
Ông Nguyễn Tấn Thành - Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Gia Lai cho biết, thực hiện Đề án Dạy nghề cho lao động nông thôn tới năm 2020 theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, năm 2010 là năm đầu tiên thực hiện nên Sở LĐ-TB&XH chỉ lập kế hoạch dạy nghề cho khoảng 14.000 học viên. Vậy mà khảo sát, điều tra thực tế đã phát sinh thêm 17.000-18.500 học viên, chủ yếu là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đang rất cần được bổ sung kỹ năng lao động, kiến thức sản xuất
Số lượng học viên cần được đào tạo nghề miễn phí lớn như vậy khiến phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Gia Lai lúng túng, bởi toàn tỉnh hiện chỉ có 240 giáo viên đạt chuẩn trong tổng số 327 giáo viên dạy nghề. Trong 5 trở lại đây, các cơ sở dạy nghề tại Gia Lai chỉ tổ chức dạy được cho khoảng hơn 5.000 lao động nông thôn/năm. Tức là chỉ bằng 1/3 so với chỉ tiêu mong muốn. Và như vậy, khả năng đáp ứng là không thể...
Trong khi đó, cơ sở vật chất của các cơ sở dạy nghề cũng rất sơ sài, lao động ít có điều kiện thực hành. "Vì thế mà có nghịch lý: Bà con có nhu cầu học nghề để phát triển sản xuất, nhưng lúc mở lớp, vận động bà con đi học thì họ lại ngại vì học xong cũng không áp dụng được vào sản xuất"- ông Thành bày tỏ.
Một điểm khiến Gia Lai lúng túng nữa là các cơ sở đào tạo nghề hầu như không thể gắn kết với các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng lao động. Vì vậy, nghịch lý đào tạo lao động nông thôn nhiều nhưng không tìm được đầu ra nhiều năm qua như luôn song hành cùng nhau.
Điển hình như tại các huyện Ia Pa, Chư Pưh, Chư Păh…, hàng nghìn lao động là đồng bào dân tộc thiểu số địa phương được tham gia các lớp đào tạo nghề chăm sóc, cạo mủ cao su nhưng vẫn không được các doanh nghiệp tuyển dụng lâu dài. Một số rất ít lao động đã qua đào tạo may mắn được ký kết hợp đồng thời vụ thì phải chấp nhận không được hưởng BHYT, BHXH và các khoản trợ cấp ốm đau, thất nghiệp…
Thanh Luận
Vui lòng nhập nội dung bình luận.