Quan hệ Mỹ- Trung nhìn từ vụ bắn hạ khinh khí cầu: Cơn bão trong tách trà

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ năm, ngày 09/02/2023 10:40 AM (GMT+7)
Chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Antony Blinken được hai bên gửi gắm hy vọng giúp mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu tan băng, bớt giá.
Bình luận 0
Đại sứ Trần Đức Mậu: Cơn bão trong tách trà - Ảnh 1.

Khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn rơi ngoài khơi bờ biển Surfside Beach, Nam Carolina, Mỹ ngày 4/2/2023. Ảnh: Reuters

Chuyến thăm đã được hai bên thu xếp nhưng chưa được thực hiện thì đã bị phía Mỹ huỷ bỏ hoặc trì hoãn vô thời hạn. Nguyên cớ là phía Mỹ phát hiện một chiếc khinh khí cầu của Trung Quốc bay ngang qua lãnh thổ nước Mỹ suốt mấy ngày liền và rồi bị không quân Mỹ bắn hạ. Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vốn đã rất trắc trở từ một vài năm nay bất ngờ gặp thêm khúc mắc mới.

Trung Quốc quả quyết chiếc khinh khí cầu này bị gió thổi bay lạc ra ngoài quỹ đạo dự tính và phục vụ mục đích nghiêm cứu khoa học khí tượng. 

Phía Mỹ ngay lập tức cáo buộc Trung Quốc dùng khinh khí cầu thực hiện hoạt động do thám Mỹ, phê trách Trung Quốc khiêu khích Mỹ và tuyên bố "không thể chấp nhận" hành động này của Trung Quốc. 

Trung Quốc yêu cầu Mỹ xử lý vụ việc theo cách bình tĩnh và chuyên nghiệp nhưng Mỹ đã bắn hạ chiếc khinh khí cầu. Hành động này của Mỹ bị phía Trung Quốc phê phán nặng nề và Trung Quốc tuyên bố sẽ trả đũa. Đáng chú ý là vào cùng thời gian xảy ra chuyện này giữa Mỹ và Trung Quốc, một chiếc khinh khí cầu khác của Trung Quốc được phát hiện bay qua lãnh thổ một số quốc gia ở khu vực Trung Mỹ và Caribe. Trung Quốc đã chính thức xin lỗi các nước này.

Nhìn vào những biểu hiện ra bên ngoài từ Trung Quốc và Mỹ thì vụ việc chiếc khinh khí cầu này đã làm cho mối quan hệ giữa hai nước thêm phức tạp và nhạy cảm, thêm căng thẳng và càng thêm khó có triển vọng sớm được cải thiện trong thời gian tới.

 Mỹ coi việc chiếc khinh khí cầu của Trung Quốc bay vào không phận của Mỹ, bất kể vô tình hay chủ ý từ phía Trung Quốc, là chuyện tày đình trong khi Trung Quốc nhìn nhận việc Mỹ bắn hạ chiếc khinh khí cầu bất chấp mọi giải thích, quả quyết và đề nghị xử lý "bình tĩnh và chuyên nghiệp" vụ việc là chuyện rất lớn.

Trong thực chất, vụ việc này không hẳn quá nghiêm trọng đối với cả hai bên và bên này biết rất rõ bên kia sẽ phản ứng và hành động như thế nào khi chiếc khinh khí cầu bay vào không phận Mỹ, bất kể với chủ định của Trung Quốc hay ở ngoài sự kiểm soát của Trung Quốc. Bên này biết rất rõ phía kia không thể phản ứng và hành xử khác trong vụ việc này.

Nguyên do trước hết cho việc phía Mỹ hành động quyết liệt và phía Trung Quốc phản ứng mạnh là mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vào thời điểm hiện tại ở trong tình trạng "tồi tệ như chưa từng thấy kể từ nhiều thập kỷ trở lại đây" và diễn biến hay sự cố dẫu có nhỏ thì cũng có thể trở nên vô cùng nhạy cảm về đối nội ở cả hai nước và vì thế rất phức tạp về đối ngoại đối với cả hai bên. Bên nào cũng đặc biệt coi trọng thể diện và vị thế, hết sức tránh để bị bên ngoài nhìn nhận là yếu thế và thất thế so với bên kia.

Trung Quốc ý thức được rằng một khi Mỹ đã cho rằng chiếc khinh khí cầu hoạt động do thám tình báo ở Mỹ thì Mỹ đã dự liệu ngay từ đầu là sẽ bắn hạ nó. Tổng thống Mỹ Joe Biden buộc phải hành xử như vậy để thể hiện sẵn sàng rắn tay với Trung Quốc, qua đó vô hiệu hoá mọi phê phán và chống đối từ phe Đảng Cộng hoà ở Mỹ. Ông Biden thật ra không có sự lựa chọn nào khác.

Trung Quốc làm găng và tuyên bố sẽ trả đũa Mỹ vì chỉ như thế mới có thể bảo toàn được thể diện và tránh bị thất thế trước Mỹ. Cái mà phía Trung Quốc cần là tác động đối nội của việc biểu lộ cho Mỹ và bên ngoài thấy Trung Quốc sẵn sàng hành động và phản ứng như thế nào trong quan hệ với Mỹ.

Hai bên làm to vụ việc này vì không như thế sẽ không ổn về đối nội. Vụ việc không ảnh hưởng tiêu cực lâu dài tới mối quan hệ song phương bởi trong thực chất cả hai hiện đều có nhu cầu cấp thiết kiểm soát và quản trị toàn bộ mối quan hệ song phương. Việc này đã được ông Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thoả thuận khi gặp nhau ở Bali (Indonexia) hồi cuối năm ngoái. 

Ông Blinken rồi đây sẽ sớm thực hiện chuyến công du Trung Quốc vừa bị hoãn và sự kiện ngoại giao này nếu như vừa rồi bị phía Mỹ huỷ thì rồi đây Mỹ và Trung Quốc sẽ thu xếp lại. Ông Biden có tới Trung Quốc thì cũng chưa thể tạo ra bước chuyển mang tính khai thông đột phá cho mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc mà nhiều lắm chỉ có thể làm cho mối quan hệ này bắt đầu tan băng, bớt giá. 

Đúng là Mỹ và Trung Quốc rất khó khăn mới có thể gây dựng được lòng tin lẫn nhau. Nhưng như thế không có nghĩa là mối quan hệ này dễ dàng bị đổ vỡ và hoàn toàn không hề có triển vọng và cơ may được cải thiện. Hai nước này vì thế tới đây sẽ nhanh chóng cùng nhau khắc phục dư chấn của vụ việc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem