Mái đình xưa làng biển
Để thuận lợi cho hành trình khám phá đảo Quan Lạn, du khách có thể lựa chọn đi tàu cao tốc từ cảng Cái Rồng (huyện Vân Đồn) hoặc xuất phát từ bến tàu khách Hòn Gai (phường Bạch Đằng, TP.Hạ Long). Sau khoảng 1 tiếng rưỡi hành trình trên vịnh Bái Tử Long, du khách sẽ đặt chân lên đảo ngọc Quan Lạn.
Đình Quan Lạn- một địa điểm không thể bỏ qua khi đến thăm đảo. (ảnh T.L)
Đảo Quan Lạn thuộc huyện đảo Vân Đồn nổi tiếng với thương cảng Vân Đồn. Tại đây còn có một công trình kiến trúc nổi tiếng là ngôi đình Quan Lạn, được xây dựng ở thương cảng cổ Cái Làng dưới thời Hậu Lê (thế kỷ XVII). Vào thời nhà Nguyễn, ngôi đình được di chuyển về Quan Lạn và đổi tên thành đình Quan Lạn. Đình được xây dựng vào năm Thành Thái thứ 12, nhìn ra biển, phía trước là 3 ngọn núi và 5 đỉnh núi sau lưng.
Từ Cái Làng về Quan Lạn, đình phải chuyển đến 3 lần và cuối cùng tọa lạc trên một nền đất rộng 500m2, có 32 cột cái, 26 cột quân, có những cột to đến 2 người ôm không kín. Chất liệu gỗ làm đình là gỗ mần lái - loại gỗ chỉ mọc ở núi đá ở đảo đá Ba Mùn gần đó, cứng hơn gỗ lim, chịu được nước biển. Cho đến nay trong cả nước duy nhất có đình Quan Lạn sử dụng gỗ mần lái.
Các hình chạm rồng có mặt khắp mọi nơi trong đình, từ mái, góc đao, xà ngang, gác mái, trên cửa võng, xà, kèo với đủ hình rồng, có những đầu đòn bẩy có đến 9 con rồng. Ông Hoàng Văn Cương trông coi đình Quan Lạn cho biết: “Ngôi đình do địa phương xây dựng nên từ thời nhà Lý, kiến trúc do những người thợ mộc tài hoa tạo nên, nghe kể lại các cụ đã đón những người thợ tài hoa nhất từ Nghệ An, Hà Tĩnh ra làm.
Đình thờ Thành hoàng làng và Vua Lý Anh Tông- người đã có công xây dựng nên thương cảng Vân Đồn vào năm 1149 và Tướng Trần Khánh Dư- người trấn ải Vân Đồn. Hiện nay trong đình vẫn còn 18 đạo sắc phong của các vua thời Nguyễn ghi rõ công đức này”.
Đình có kiến trúc hình chữ công, gồm bái đường, hậu cung và ba gian ống muống. Mái đình lợp bằng ngói vẩy. Trên nóc mái có đắp trang trí hình lưỡng long chầu nguyệt
Đình nằm sát biển, trước mặt có 3 ngọn núi, sau lưng là 5 ngọn núi, người Quan Lạn cho rằng đình được đặt ở vị trí "tiền tam sơn, hậu ngũ nhạc". Kế bên phải là Nghè Quan Lạn (tức miếu Quan Lạn) thờ anh em họ Phạm có công đánh quân Nguyên Mông. Bên trái đình là chùa Quan Lạn. Năm 1990, quần thể đình làng, chùa Quan Lạn được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Khám phá đảo ngọc
Đến với Quan Lạn dịp hè này, điểm đến không thể thiếu là các bãi tắm như bãi đầu Làng, Sơn Hào, Minh Châu... cách trung tâm xã không xa. Đây là các bãi biển có lớp cát dày mịn, nước trong suốt. Những sớm mai hoặc chiều về, du khách có thể thưởng thức các loại hải sản biển tươi sống từ những chuyến tàu cập bến. Lưu trú tại Quan Lạn, bạn có thể ở các khu nhà nghỉ sát bãi biển Sơn Hào, tham gia đốt lửa trại giao lưu với người địa phương, ra khơi đánh cá, câu mực... Một lựa chọn khác rất thú vị là hình thức homestay (ở nhà dân) bạn sẽ được ăn-ở cùng người dân, đi soi mực sim mỗi tối hoặc cùng vác cuốc đào sá sùng ở các bãi ngang- những trải nghiệm vô cùng thú vị.
Bình minh trên đảo, nhiều khách du lịch lựa chọn thú vui ra bến tham quan mua bán hải sản ở chợ cá Tân Đoài (ngay gần đình Quan Lạn) để ngắm các loài hải sản vô cùng độc đáo là sá sùng, ngao, ngán, cù kì, tu hài, bề bề. Khi mặt trời lên cao, bạn có thể trở về ghềnh đá bãi Đầu Làng khám phá sự hùng vĩ, hoang sơ của biển. Hoặc bạn cũng có thể thuê 1 chiếc xe đạp (70.000-80.000 đồng/ngày) dạo quanh đảo, tham quan rừng trâm và bãi biển Minh Châu...
Hiện nay có rất nhiều công ty bán tour du lịch Hà Nội- Quan Lạn 3 ngày 2 đêm vào thứ 6 hàng tuần với giá 2.500.000 - 3.000.000 đồng/người.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.