Quận Long Biên (Hà Nội): UBND phường Ngọc Thụy phá dỡ tài sản, có cần gửi thông báo đến tay người dân?

Quang Minh Thứ tư, ngày 21/07/2021 11:10 AM (GMT+7)
Một số hộ dân ở Tổ dân phố số 10 (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) phản ánh, tài sản của họ bị phá dỡ ở khu vực bãi bồi khi họ chưa nhận được thông báo từ UBND phường.
Bình luận 0

Mới đây, người dân ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên đã gửi đơn lên Báo Điện tử Dân Việt phản ánh việc lãnh đạo phường Ngọc Thụy cùng một số người khác lái máy xúc thực hiện việc phá dỡ hàng rào lưới B40 và một số tài sản khác của người dân trên mảnh đất bãi sông Bắc Biên.

Phá, dỡ tài sản có thông báo cho người dân hay không?

Trong đơn phản ánh, người dân ở tổ dân phố số 10 trình bày, họ là những hộ dân thầu (thuê) đất để trồng cây tại khu vực bãi Bắc Biên, phường Ngọc Thụy từ những năm 2001, 2003 cho đến nay. Việc sử dụng đất và trồng cây được UBND phường Ngọc Thụy cho thuê và nộp lệ phí theo quy định.

Trên đất thuê họ đã trồng cây theo đúng mục đích thuê đất. Để bảo vệ cây trồng trên đất nên họ có dựng hàng rào lưới B40 với mục đích bảo vệ tài sản. Việc sử dụng đất canh tác, tài sản trên đất và dựng hàng rào ổn định từ những năm 2003 đến nay chưa bị bất kỳ cơ quan hành chính nào xử lý vi phạm, chưa bị thu hồi.

Người dân phản ánh, vào ngày 26/5/2021, lãnh đạo phường Ngọc Thụy cùng với một người lái máy xúc thực hiện việc phá dỡ hàng dào lưới B40 và một số tài sản khác trong khi họ chưa nhận được văn bản thông báo hay quyết định xử phạt vi phạm hành chính nào của UBND phường Ngọc Thụy liên quan đến việc phá dỡ này.

Quận Long Biên: Dân bức xúc phản ánh tài sản bị dỡ bỏ khi chưa nhận được thông báo - Ảnh 1.

Tài sản của người dân trên đất bãi Bắc Biên bị phá, dỡ. Ảnh: N.Đ

"Việc phá dỡ hàng rào cùng với một số cây trồng khác đã gây thiệt hại vài chục triệu đồng đối với gia đình tôi. Trước khi lực lượng chức năng thực hiện việc phá dỡ này, chúng tôi không nhận được bất cứ thông báo nào", anh Tạ Chí Thanh, người dân tổ 10 phường Ngọc Thụy nói.

Anh Thanh cho hay kể cả trường hợp, những hộ dân canh tác, trồng cây ở bãi đất này chưa có hợp đồng thuê đất họ cũng có quyền được biết hoặc thông báo về việc tài sản trên đất là cây trồng sắp bị dỡ bỏ. 

PV Dân Việt đã liên hệ làm việc với UBND phường Ngọc Thụy, quận Long Biên để có thông tin đa chiều. Lãnh đạo UBND phường đã giao ông Lê Anh Tuấn - Cán bộ Thanh tra Xây dựng trả lời. 

Trao đổi với Dân Việt, ông Lê Anh Tuấn, khẳng định khu vực đất ven sông Bắc Biên hiện nay đang là đất công ích do UBND phường quản lý. 

Đây là khu đất bãi bồi nên chính quyền địa phương không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

Trước đó, đội sản xuất của thôn tự sắp xếp chia cho người dân mỗi người một phần đất để sử dụng trồng cây. 

Sau này, chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện tối đa cho người dân trồng cây chứ không giao đất, hoặc cho người dân thuê đất.

"Hiện nay chúng tôi không giao đất hoặc cho thuê đất ở khu vực này cho bất cứ một người dân nào. Phường cũng không thu bất cứ một khoản tiền nào của dân liên quan đến khu vực này. Còn về phiếu thu của người dân, đó có thể là khu đất khác", ông Tuấn nói.

Theo vị này, từ năm 2019 trở lại đây, bà con làm hàng rào B40, công trình nhà tạm nên phường lập kế hoạch ngăn chặn xử lý, phá dỡ những công trình vi phạm nằm trên hành lang thoát lũ.

Quận Long Biên: Dân bức xúc phản ánh tài sản bị dỡ bỏ khi chưa nhận được thông báo - Ảnh 3.

Hàng rào bằng lưới B40 bị dỡ bỏ, nằm ngổn ngang tại phía mép đường. Ảnh: N.Đ

Phóng viên đặt câu hỏi, theo quy định trước khi phá dỡ, cưỡng chế, chính quyền địa phương có thông báo cho người dân hoặc những người có quyền lợi liên quan hay không?

Ông Tuấn nói: "Trước đó chúng tôi có thông báo trong các cuộc họp của tổ dân phố, dán thông báo ở từng vị trí một, cụ thể là ở các khu vực vi phạm như hàng rào, nơi người dân trồng cây".

Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi, vậy tại sao chính quyền không thông báo bằng văn bản tới tận tay người dân?

Vị cán bộ địa chính nói thêm: "Bởi vì chúng tôi không biết tài sản, cây trồng đó là của hộ dân nào. Không có hộ dân nào lên phường kê khai cả. Phường hiện nay cũng không có hồ sơ kê khai và bản đồ của từng hộ đang sử dụng ở vị trí đó. Vì vậy, mà phường chỉ dán thông báo ở vị trí vi phạm. Thông báo yêu cầu, đôn đốc người dân tự khắc phục, nếu không khắc phục sẽ xử lý theo quy định".

Tuy nhiên, theo tài liệu của Dân Việt, năm 2009, UBND phường Ngọc Thụy đã có hợp đồng cho thuê đất ngoài bờ đê sông để sản xuất. Văn bản do ông Lê Đăng Lập khi đó là Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy ký với người dân. Nội dung cho thuê: dùng đất công ích để trồng cây hàng năm.

Người dân cũng cung cấp một số phiếu thu, chứng minh họ đã đóng tiền để thuê đất bãi bồi. Khi hết hạn hợp đồng, họ vẫn tiếp tục canh tác, chưa thấy UBND phường xuống nhận bàn giao lại hay có quyết định xử lý việc lấn chiếm, sử dụng đất bãi bồi sai mục đích. 

Trình tự xử phạt, tháo dỡ vi phạm trong lĩnh vực đất đai

Theo tìm hiểu của Dân Việt, đối với hộ gia đình, cá nhân, tổ chức có hành vi xây dựng công trình không phép, trái phép thì trước khi lập Biên bản vi phạm hành chính, UBND cấp xã (phường) hoặc người có thẩm quyền phải xác minh tính pháp lý của khu đất hoặc thửa đất đó. 

Nếu hộ gia đình, cá nhân, tổ chức có hành vi lấn, chiếm đất đai; hoặc hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở thì lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai theo quy định của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) trong lĩnh lực đất đai. 

Mỗi công trình vi phạm trật tự xây dựng phải được xác định gắn liền với một thửa đất, số tờ bản đồ cụ thể để từ đó xác minh tính pháp lý của khu đất hoặc thửa đất có công trình vi phạm. 

Trường hợp công trình xây dựng vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi thì lập hồ sơ xử lý về hành vi vi phạm trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều theo quy định tại Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều.

Anh Tạ Chí Thanh, người dân sinh sống ở Tổ 10 cho biết, sau khi người dân ký hợp đồng với UBND phường đã canh tác đúng theo hợp đồng ký kết. Sau đó, phường cũng chưa tổ chức bàn giao lại phần đất bãi.

"Chúng tôi cũng chưa bao giờ bị lập biên bản vi phạm hành chính, bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và cũng chưa nhận thông báo cưỡng chế lần nào" - anh Thanh cho hay. 

Cho thuê ki ốt tại đền Mẫu Thoải

Cũng tại vị trí khu đất bãi Bắc Biên có một ngôi đền Mẫu Thoải đã tồn tại nhiều năm. Ngôi đền này là của cộng đồng dân cư phường Ngọc Thuỵ, khu vực này cũng nảy sinh vấn đề khiến người dân thắc mắc.

Theo phản ánh của người dân ở tổ 10 phường Ngọc Thuỵ, bà Nguyễn Thị Lệ Dung (ở tổ 10 phường Ngọc Thụy) đã xây dựng công trình kiên cố, chiếm dụng làm nơi ở và kinh doanh cho thuê ki ốt. Khu đền Mẫu Thoải hiện nay chưa có Ban quản lý và người dân chưa từng được tham gia họp bàn về việc này.

Theo tài liệu của Dân Việt, năm 2017, bà Nguyễn Thị Lệ Dung đã ký biên bản thoả thuận về việc cho thuê sử dụng gian hàng tại khu vực trong đền. Cụ thể, cho bà Lưu Thị Bích Liên thuê gian hàng với diện tích 16m2, với thời hạn cho thuê là 2 năm. Hàng tháng, bà Liên phải trả cho đại diện đền Mẫu Thoải là 1.500.000 đồng.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Lệ Dung cho hay, hiện nay bà đang là thủ nhang của đền, đồng thời là thành viên Ban quản lý đền Mẫu Thoải. Bà Dung xác nhận có việc cho thuê ki ốt trong đền Mẫu Thoải. Năm 2017, bà cho người dân trong thôn thuê 3 ki ốt, với mức thuê 1.5000 đồng/1 tháng. Số tiền thuê bà có ghi sổ sách và dùng số tiền đó vào việc xây dựng các công trình trong đền Mẫu Thoải. Việc cho thuê ki ốt đều nhận được sự nhất trí của Ban quản lý đền Mẫu Thoải.

Tuy nhiên, sau đó, bà nhận được phản ánh của chính quyền địa phương về việc các ki ốt bày bán trong đền không phù hợp nên không tiếp tục cho người dân thuê nữa.

Liên quan đến phản ánh nêu trên, theo ông Lê Anh Tuấn, cán bộ Thanh tra Xây dựng UBND phường Ngọc Thụy cho hay: "Cuối năm 2020, người ta có cải tạo, chỉnh trang lại thành khu để xe ô tô, nhà bảo vệ và nhà kho. Đoàn chúng tôi vừa rồi xuống kiểm tra hiện trạng, không thấy có việc bán hàng hay cho thuê ki ốt gì cả. Còn nhà để xe của khách cũng không thu phí. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, nếu có hiện tượng đó, chúng tôi sẽ làm việc với Ban quản lý di tích chấn chỉnh lại".

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem