Quân sư tài trí trong Tam Quốc: Gia Cát Lượng thua xa mưu sĩ "kiệm lời" này

Thứ hai, ngày 31/01/2022 13:37 PM (GMT+7)
Gia Cát Lượng, Tư Mã Ý hóa ra đều không bằng mưu sĩ này.
Bình luận 0

Trong thời Tam Quốc, cuộc tranh giành quyền lực và những trận đối đầu giữa ba tập đoàn chính trị mạnh nhất là Tào Ngụy, Thục Hán và Đông Ngô diễn ra rất sôi nổi, kịch tính.

Để góp phần tạo nên những dấu mốc quan trọng trên bàn cơ chính trị Tam Quốc, không thể không nhắc đến các vị quân sư tài danh. Trên thực tế, Tào Ngụy, Thục Hán hay Đông Ngô đều sở hữu những vị quân sư tài trí nhất lúc bấy giờ.

Nếu nói ai là người thông minh, tài trí nhất thì ắt hẳn sẽ có nhiều ý kiến khác nhau. Có người sẽ nghĩ đó là Gia Cát Lượng, số khác lại cho rằng đó là Tư Mã Ý.

Tuy nhiên, người thông minh nhất trong Tam Quốc, không nói lời thừa thãi, đồng thời có kết cục tốt đẹp được cho là Giả Hủ.

Vậy, Giả Hủ thực sự là ai?

Quân sư tài trí trong Tam Quốc: Gia Cát Lượng, Tư Mã Ý đều thua xa mưu sĩ "kiệm lời" này - Ảnh 1.

Giả Hủ là mưu sĩ cơ trí và rất nhạy bén về thời thế. Ảnh: Sohu

Giả Hủ, tự Văn Hoà, là một mưu sĩ nổi tiếng trong thời Tam Quốc. Ông chính là một trong những vị quân sư tài giỏi của Tào Tháo.

Trong cuộc đời của mình, Giả Hủ từng phò tá nhiều người như Đổng Trác, Lý Thôi, Trương Tú và Tào Tháo. Đặc biệt, sau khi Tào Tháo qua đời, Giả Hủ tiếp tục phò tá cho Tào Phi, hoàng đế đầu tiên của nhà Tào Nguỵ.

Dù phục vụ cho nhiều người khác nhau nhưng Giả Hủ luôn nhận được sự đối xử và đánh giá rất tốt. Ông nổi tiếng là mưu sĩ cơ trí và nhạy bén với thời cuộc.

Trong "Tam Quốc chí", sử gia Trần Thọ cũng từng đưa ra nhận định về tài năng của Giả Hủ. Đó là: "Giả Hủ toan tính cơ hồ không hề sơ sót, đạt đến mức thấu hiểu sự quyền biến, đại khái gần được như Lương, Bình vậy" (Lương, Bình ở đây chính là Trương Lương, Trần Bình, hai chiến lược gia nổi danh vào những năm đầu của nhà Hán).

Trên thực tế, lịch sử cũng chứng minh nhận định của sử gia Trần Thọ dành cho Giả Hủ là không hề thái quá.

Theo đó, ban đầu, khi làm việc cho Đổng Trác, Giả Hủ đã hiến nhiều kế sách quan trọng giúp Đổng Trác giành được thắng lợi trong những cuộc đàn áp, mở rộng thế lực sau này.

Sau khi Đổng Trác bị giết, Giả Hủ đã hiến mưu kế cho Lý Thôi và Quách Dĩ tiến hành tấn công Trường An để chặt đứt hoàn toàn huyết mạch của Đông Hán. Theo lời Giả Hủ, nếu may mắn thì có thể thành công và phụng sự quốc gia để tiến hành chinh phạt thiên hạ. Ngược lại, nếu việc không thành thì lúc ấy chạy cũng chưa muộn.

Kết quả, Trường An bị Lý Thôi đánh chiếm, Hán Hiến Đế bấy giờ phải bỏ chạy về phía đông.

Sau đó, khi chạy về phía đông, Tào Tháo đã chọn giúp đỡ và đưa Hán Hiến Đế về Hứa Xương, từ đó dùng danh nghĩa phò tá "thiên tử" để hiệu lệnh chư hầu.

Đặc biệt, Giả Hủ từng hiến kế giúp Trương Tú đánh bại Tào Tháo. Thậm chí, năm 197, trận đánh úp của Trương Tú còn khiến Tào Tháo trở tay không kịp. Kết quả, Tào Tháo chịu thất bại thảm hại trong trận này, đồng thời mất đi con trai, cháu nội và cả Điển Vi, mãnh tướng mà ông rất yêu quý và tin tưởng.

Có thể nói rằng mưu kế trên cho thấy tài năng vô cùng nhạy bén của Giả Hủ, thậm chí còn khiến cho một người mưu lược như Tào Tháo cũng phải trở tay không kịp.

Mưu kế "hàng Tào" đỉnh cao của Giả Hủ

Vào năm Kiến An thứ 4, trước khi diễn ra trận Quan Độ, Viên Thiệu cho người đến để chiêu hàng Trương Tú. Bấy giờ Trương Tú có ý muốn quy hàng, nhưng Giả Hủ đã kiên quyết ngăn cản.

Thay vào đó, Giả Hủ lại khuyên Trương Tú nếu muốn quy hàng thì nên hàng Tào Tháo. Tại sao Giả Hủ lại khuyên Trương Tú quy hàng kẻ thù là Tào Tháo?

Vị mưu sĩ này lý giải chính vì có thù oán nên Trương Tú mới nên quy hàng Tào Tháo. Hơn nữa, việc đầu quân cho Tào Tháo cũng có ba lợi ích. Thứ nhất, Tào Tháo khi đó đang phò tá "thiên tử" để hiệu lệnh chư hầu, danh chính ngôn thuận. Thứ hai, binh lực của Tào Tháo khi đó còn yếu nên sẵn sàng lôi kéo đồng minh. Thứ ba, người như Tào Tháo có chí hướng cao xa nên chắc chắn sẽ không nhớ thù cũ.

Quả đúng như tính toán và phân tích của Giả Hủ, Tào Tháo không những gạt bỏ thù riêng mà còn phong chức cho Trương Tú, thậm chí còn đồng ý để con gái của Trương Tú gả cho con trai của mình. Đồng thời mưu kế của Giả Hủ còn giúp cho thế lực của Tào Tháo tăng mạnh.

Quân sư tài trí trong Tam Quốc: Gia Cát Lượng, Tư Mã Ý đều thua xa mưu sĩ "kiệm lời" này - Ảnh 2.

Giả Hủ từng hiến không ít mưu kế quan trọng cho Tào Tháo. Ảnh: Sohu

Sau đó, Giả Hủ phục vụ dưới trướng của Tào Tháo. Vị quân sư này bình thường rất kiệm lời, chỉ vào thời điểm quan trọng thì ông mới đưa ra đề nghị.

Cụ thể, trong trận Quan Độ, Giả Hủ đã sử dụng kế ly gián Mã Siêu và Hàn Toại, từ đó giúp Tào Tháo có thể bình định Tây Lương. Sau này, Giả Hủ giúp Tào Tháo xác định được người kế vị, đồng thời trợ giúp cho Tào Phi lên ngôi.

Đến năm 223, Giả Hủ qua đời khi 77 tuổi do tuổi cao sức yếu. Trong cuộc đời của mình, Giả Hủ là người cơ trí, không thích phô trường mà luôn giữ thái độ khiêm tốn và có thể phán đoán chính xác về thời thế. Ông luôn đưa ra những mưu kế vào đúng thời điểm, không nói thừa, trở thành trợ thủ đắc lực cho các vị quân chủ của mình.

Những mưu kế của Giả Hủ đã góp phần quan trọng làm xoay chuyển tình thế lúc bấy giờ. Hơn nữa, việc ông có thể bình an đến cuối đời dù phục vụ cho Tào Tháo, vị người nổi tiếng đa nghi, khiến hậu thế kinh ngạc. Điều này cũng phần nào chứng minh về sự đa mưu túc trí của mưu sĩ này. Do đó, đánh giá Giả Hủ là một trong những mưu sĩ tài giỏi nhất Tam Quốc cũng không phải là thái quá.

PV (Theo Pháp luật và Bạn đọc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem