Quan trọng nhất trong đặc khu chính là quan hệ Chính phủ-thị trường

Đình Vũ Thứ tư, ngày 23/05/2018 07:14 AM (GMT+7)
Chuyên gia Trung Quốc cho rằng quản lý đặc khu kinh tế cần là sự kết hợp giữa quản lý kinh tế và quản lý xã hội, liên quan đến các lĩnh vực đất đai, phê duyệt dự án, đầu tư, thuế, ngoại hối, lao động, môi trường và hàng loạt những chính sách ưu đãi. Đây là hệ thống rất phức tạp, trong đó quan trọng nhất là nắm bắt được mối quan hệ giữa Chính phủ và thị trường.
Bình luận 0

img

Hiện Trung Quốc có 571 Đặc khu kinh tế và đang xây dựng 140 khu hợp tác kinh tế ngoài biên giới

Theo chương trình nghị sự, sáng nay, ngày 23.5, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về Luật Đặc khu kinh tế. Để xây dựng được Luật Đặc khu phù hợp với thông lệ quốc tế, trước thời điểm Luật Đặc khu được trình Quốc hội thông qua đã diễn ra một cuộc toạ đàm với sự đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế.

Tại buổi toạ đàm, TS. Liu Rongxin, Tổng Giám đốc Sở Quy hoạch Phát triển Khu vực, Viện Phát triển Trung Quốc đã có những chia sẻ khá chi tiết về cách phát triển đặc khu của Trung Quốc như một tài liệu tham khảo để Việt nam xây dựng đặc khu kinh tế thời gian tới. TS. Liu Rongxin có kinh nghiệm tư vấn hơn 100 dự án đặc khu kinh tế tại Trung Quốc.

Trung Quốc đã và đang xây dựng 140 khu hợp tác kinh tế ngoài biên giới

Bà Liu cho biết, Đặc khu kinh tế ở Trung Quốc là một vấn đề phức tạp, hiện ở nước này đang chia làm 2 loại chính là Đặc khu kinh tế và những Tân khu. Đặc khu kinh tế hướng tới chuyên môn hoá phát triển kinh tế kỹ thuật, khu công nghệ cao quốc gia và khu vực giám sát hải quan đặc biệt.

Trong vòng 30 năm phát triển, Trung Quốc có 571 Đặc khu kinh tế, được phân thành 3 hệ thống và 12 loại khác nhau. Nếu tính thêm cả Đặc khu Kinh tế cấp Tỉnh, Thành Phố, cấp Huyện thì Trung Quốc có gần 10.000 Đặc khu kinh tế. Trong đó 215 khu phát triển kinh tế kỹ thuậ quốc gia, 129 khu công nghệ cao quốc gia, 19 Tân khu và 11 khu thực nghiệm mậu dịch tự do.

Bà Liu cho biết theo thống kê chưa đầy đủ, Trung Quốc đã và đang xây dựng gần 140 Khu Hợp tác kinh tế ngoài biên giới tại 55 Quốc gia và khu vực trên thế giới; với tổng diện tích 16.000 km2, vốn đầu tư 48 tỷ USD, tạo ra gần 55.000 việc làm cho người dân địa phương.

Ngay từ năm 1984 Chính phủ Trung Quốc đã phê chuẩn thành lập Cơ quan điều phối Đặc khu Kinh tế tổng hợp, trực thuộc Văn phòng đặc khu Quốc Vụ viện. Các tỉnh, thành phố có Đặc khu kinh tế thành lập Ủy ban quản lý Đặc khu Kinh tế, và có quyền điều hành quản lý các Đặc khu này.

Về cơ chế quản lý: Cung cấp đầy đủ quyền hạn quản lý cho các đặc khu kinh tế và các chức năng quản lý hành chính tương thích; Đại đa số Ban quản lý Đặc khu kinh tế có thành phần từ cấp ủy, chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc, cấp bậc hành chính khá cao. Đa số Ban quản lý đặc khu kinh tế đều thực hiện chế độ kiêm nhiệm, 1 cơ quan có thể kiêm nhiệm 5-8 bộ ngành, cơ quan Chính phủ. Nhân sự quản lý chỉ bằng 1/10 số lượng nhân sự của Cơ quan chính phủ tương đương. Các đặc khu hoạt động cung cấp cho nhà đầu tư sự quản lý và phục vụ theo mô hình 1 cửa, chuỗi liên kết, tạo ra môi trường đầu tư có hiệu quả cao, không có bất cứ trở ngại nào, và chi phí giá thành thấp.

Quản lý Đặc khu tập trung vào các vấn đề sau: Quản lý an ninh xã hội; quản lý hành chính; quản lý tài sản và tài chính; quản lý phê duyệt quy hoạch; quản lý nhân sự đặc khu; quản lý nghiệm thu xây dựng; xúc tiến kinh tế đặc khu và quản lý dịch vụ công.

Hai yếu tố thiết yếu của Đặc khu là Chính phủ và Thị trường

Theo Tổng Giám đốc Liu cần xác định chức năng khác biệt của Chính phủ và thị trường tại đặc khu. Cụ thể Chính phủ có vai trò thành lập chơ chế lãnh đạo cấp quốc gia; xây dựng cơ chế pháp luật và quy hoạch; xây dựng cơ sở hạ tầng; tôn trọng quy tắc thị trường.

Vai trò của cơ chế thị trường ở đây là phân bổ nguồn lực, thu hút đầu tư, sách lược đầu tư và kinh doanh tự chỉ.

Bà Liu khuyến cáo, cần tránh 2 xu thế là chủ nghĩa tự do mới, bỏ qua vai trò của chính phủ hoặc chủ nghĩa can thiệp quá sâu làm mất tính điều tiết của thị trường.

Theo đó, điểm cốt lõi trong cơ chế quản lý Đặc khu Kinh tế của Trung Quốc là sự kết hợp hữu cơ của Chính phủ và Thị trường.

Bà Liu đưa một số khuyến nghị với việc xây dựng Đặc khu kinh tế tại Việt Nam. Cụ thể: Quản lý đặc khu kinh tế cần là sự kết hợp giữa quản lý kinh tế và quản lý xã hội, liên quan đến các lĩnh vực đất đai, phê duyệt dự án, đầu tư, thuế, ngoại hối, lao động, môi trường và hàng loạt những chính sách ưu đãi. Đây là hệ thống rất phức tạp, trong đó quan trọng nhất là nắm bắt được mối quan hệ giữa Chính phủ và thị trường.

Kinh nghiệm quản lý Đặc khu Kinh tế cho thấy, vừa phải kết hợp những kinh nghiệm tiên tiến trên thế giới, vừa vận dụng linh hoạt theo tình hình thực tế nội tại của đất nước, từ đó xây dựng cơ chế quản lý mang đặc sắc của nước mình.

Cuối cùng, theo bà Liu, do tính chất phức tạp của cơ chế quản lý đặc khu kinh tế, nên vấn đề lập pháp ở cấp quốc gia không nên quá chi tiết, mà có thể có thêm các quy định hỗ trợ chi tiết khi thực hiện, để điều chỉnh linh hoạt theo yêu cầu phát sinh trong quá trình vận hành.

TS. Liu Rongxin đã việc cho Viện Phát triển Trung Quốc trong khoảng 30 năm và đã thực hiện hơn 100 dự án nghiên cứu về phát triển khu vực, kinh tế công nghiệp, chính sách công nghiệp và quy hoạch khu công nghiệp để hỗ trợ việc hoạch định chính sách công. Ngoài ra, bà còn cung cấp các nghiên cứu và tư vấn về quy hoạch công nghiệp, tính khả thi đầu tư và tư vấn lập pháp cho các đặc khu kinh tế và các khu công nghiệp của nhiều nước. Các dự án này được đánh giá cao bởi Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á và chính phủ nước chủ nhà.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem