Quảng Nam: 30 năm chung thủy nghề làm ra thứ quà quê gây thương nhớ
Quảng Nam: 30 năm chung thủy nghề làm ra thứ quà quê gây thương nhớ
Tuyết Nhung - Trần Hậu
Thứ ba, ngày 04/08/2020 19:08 PM (GMT+7)
Đến đầu ngõ nhà chị Huỳnh Thị Yến (47 tuổi, trú thôn Vân Quật, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) là dân làng lại nức mũi bởi mùi thơm dịu ngọt của nếp rang và mùi bánh nướng nóng hổi. Đó là người phụ nữ đã chung thủy với nghề làm bánh in truyền thống suốt 30 năm qua-thứ quà quê gây thương nhớ.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm bánh in, chị Huỳnh Thị Yến đã thành thục công thức làm bánh ngay từ lúc nhỏ. Ngày đó, gia đình chị sớm tối vất vả bám trụ với nghề làm bánh in để vừa kiếm kế sinh nhai, vừa giữ nghề truyền thống của cha ông.
Nhớ lại thuở nhỏ, chị Yến bùi ngùi nói: "Mẹ tôi mất sớm, cha tôi ở vậy nuôi bốn anh em ăn học bằng nghề làm bánh in này suốt mấy mươi năm. Thương ba sớm hôm tảo tần với khuôn bánh, tôi thường phụ việc rang nếp, canh bếp lửa sấy đều bánh, đóng gói… Thuở ấy, cả làng An Lạc chỉ làm một loại bánh in đậu xanh, nên thôn xóm lúc nào cũng ngào ngạt mùi bánh chín. Làm bánh in thủ công cực nhất là khâu phơi sương bột nếp, người làm phải thực sự tỉ mỉ mới có được nguyên liệu ngon để in bánh".
Sau khi lập gia đình, vì thương nhớ mùi bánh quê nhà mà chị Huỳnh Thị Yến quyết định nối nghề làm bánh in truyền thống. Được gia đình ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình nên chị xây dựng được lò bánh Yến Nhi.
Chị Yến cho biết, dù được học nghề từ trong "trứng" nhưng chị liên tục gặp rất nhiều khó khăn khi mới đi vào sản xuất. Có những lúc chị tưởng chừng như phải bỏ nghề vì quá gian truân, cộng thêm nguồn vốn eo hẹp khiến hoạt động sản xuất thuở ấy rất bấp bênh.
Anh Lê Chỉ Tế (50 tuổi), chồng chị Huỳnh Thị Yến tâm sự: "Khi vợ muốn theo nghề truyền thống của gia đình thì tôi hoàn toàn ủng hộ, tranh thủ buổi tối để phụ làm bánh in. Tuy làm bánh thoạt nhìn có vẻ đơn giản vì có công thức, nhưng khi bắt tay vào sản xuất thì gặp rất nhiều trở ngại. Mẻ bánh thành phẩm không ngon như vị bánh gia truyền, mất đi mùi thơm đặc trưng hoặc bánh bị bể nhiều. Bên cạnh đó, bánh in làm ra không bán được, tiêu thụ nhỏ giọt".
Quyết tâm giữ hương vị đặc sản quê hương
Dù có nhiều khó khăn lúc ban đầu, nhưng nhờ có sự hỗ trợ và động viên từ người thân nên chị Yến vẫn cố gắng bám trụ với nghề. "Hình ảnh và hương vị chiếc bánh gia truyền luôn in sâu trong tâm trí và thôi thúc tôi phải tiếp tục gắn bó, phát triển đặc sản quê nhà. Mẻ bánh nào hư thì tôi kiên nhẫn nghiên cứu làm lại, bánh bán chậm hoặc bán ít còn hơn không bán được. Lâu dần tôi có tay nghề vững, bánh làm ra thơm ngon và đạt chất lượng hơn, dành được nhiều sự yêu thích của khách hàng mới", chị Huỳnh Thị Yến chia sẻ.
Cũng theo chị Yến, mỗi người thợ làm bánh có một tay nghề khác nhau, nhưng nhìn chung làm bánh không khó. Quan trọng nhất là phải đảm bảo nguồn nguyên liệu tươi mới như nếp thơm, đậu xanh bóc vỏ, tỉ lệ đường phù hợp để bánh vừa đủ ngọt, giòn tan chứ không bị cứng.
Nhằm phát triển thương hiệu bánh của riêng mình, chị Yến đã sáng tạo nên nhiều mẫu mã và loại bánh khác nhau: bánh trung thu, bánh da dẻo, bánh nếp, bánh bơ đường… Trong đó, bánh dừa nướng là đặc sản bán chạy nhất kể cả ngày thường lẫn lễ Tết. Bên cạnh đó, cơ sở của chị chủ động được phần nào trong nguồn nguyên liệu chế biến như: trồng hơn 2ha nếp thơm, 5ha dừa xiêm. Khi sản xuất đi vào ổn định và thị trường tiêu thụ mạnh, thì nhiều đại lý đã đến tận nơi để đặt hàng với số lượng lớn.
Được biết, thời gian đầu lập nghiệp, chị Yến phải thức khuya dậy sớm với những mẻ bánh, thì nay, cơ sở đã có quy mô và sản phẩm được tiêu thụ nhiều nơi: Hội An, Đà Nẵng, Huế, TP.Hồ Chí Minh... Trung bình mỗi ngày, chị Yến cung cấp ra thị trường 300kg bánh các loại, dao động từ 40.000-50.000 đồng/kg. Đặc biệt, bánh dừa nướng bán chạy nhất với giá 60.000 đồng/kg.
"Mình cố gắng với nghề thì nghề cũng không phụ mình. Bây giờ, tôi không chỉ tiếp nối được nghề làm bánh truyền thống của gia đình, mà còn có đời sống khấm khá nhờ nghề này. Bình quân mỗi năm, cơ sở thu lời khoảng 100 triệu đồng và giải quyết công việc cho gần 10 nhân công, với mức lương 4.000.000-5.000.000 đồng/người/tháng. Vào mùa giáp Tết, cơ sở phải tăng thêm người làm và sản xuất với sản lượng gấp đôi ngày thường…", chị Yến phấn khởi nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.