Quảng Nam: Hơn 3 năm triển khai OCOP, 14 sản phẩm đã được gắn sao, nhiều nông dân giàu lên
Trần Hậu - Đoàn Hồng
Thứ bảy, ngày 05/06/2021 17:02 PM (GMT+7)
Dù mới hơn 3 năm thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), thị xã Điện Bàn đã có 14 sản phẩm được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận đạt chuẩn OCOP. Đây là kết quả hết sức khá khả quan cho cách làm hiệu quả của thị xã Điện Bàn cũng như các chủ thể tham gia chương trình.
Ông Nguyễn Minh Hiếu - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, kể từ khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm), thị xã Điện Bàn đã từng bước thực hiện các khâu triển khai, tập huấn, lựa chọn sản phẩm, phối hợp với các cơ sở sản xuất kinh doanh nâng cấp chất lượng, mẫu mã, đáp ứng bộ tiêu chí bắt buộc của chương trình.
Giai đoạn 2018-2020, thị xã Điện Bàn có 14 sản phẩm được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận đạt chuẩn OCOP (có 13 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 1 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh).
Trong đó có 1 sản phẩm nhóm 2 (thực phẩm thô, sơ chế), 6 sản phẩm nhóm 3 (thực phẩm chế biến), 1 sản phẩm nhóm 4 (gia vị), 1 sản phẩm nhóm 5 (chè), 5 sản phẩm nhóm thủ công mỹ nghệ.
Các sản phẩm được công nhận 4 sao OCOP gồm: Bộ đèn thôn nữ (Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc). Các sản phẩm được công nhận 3 sao gồm: Dầu phụng nguyên chất đất Quảng (HTX Nông nghiệp Điện Quang); gạo Phong Thử (Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Điện Bàn); đèn Nhật Nguyệt (Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc); bộ sản phẩm thờ Gia Tiên (Công ty TNHH Nguyễn Văn Tiếp); giá treo và bảo chúng nhỏ (Công ty TNHH Làng đúc Phước Kiều);
Bột ngũ cốc, trà đậu rang mộc (hộ kinh doanh cơ sở sản xuất sản phẩm xanh Hương Bột); mắm ruốc Hà Quảng, nước mắm Hà Quảng (cơ sở sản xuất Trần Thị Thuận); ly gỗ lưu niệm (hộ kinh doanh Uy Long); chả nấm bào ngư, snack nấm bào ngư (hộ kinh doanh trại nấm Chương Nguyễn); bánh khô mè bà Ly (hộ kinh doanh bà Ly).
Trong các sản phẩm kể trên có những sản phẩm tiêu biểu sử dụng nguồn nguyên liệu lợi thế địa phương và gắn với liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất như: Gạo Phong Thử; nước mắm, nắm ruốc Hà Quảng; dầu phụng Đất Quảng;… đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Chương trình OCOP giúp nông dân mạnh dạn đầu tư, tăng thu nhập
Theo ông Hiếu, để đạt được kết quả trên thị xã Điện Bàn đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Thời gian qua, thị xã cũng đã kiện toàn, hoàn thiện và vận hành hiệu quả hệ thống tổ chức thực hiện Chương trình OCOP từ thị xã đến xã, phường nhằm hỗ trợ các tổ chức kinh tế cộng đồng phát triển và thương mại hóa sản phẩm truyền thống.
Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ phụ trách Chương trình OCOP của các phòng, ban, ngành cấp thị xã và các hội, đoàn thể cấp xã, phường về chu trình OCOP thường niên; kỹ năng tuyên truyền - hỗ trợ - tư vấn trực tiếp cho các tổ chức kinh tế tham gia chương trình xung quanh khâu hoàn thiện sản phẩm, lập hồ sơ OCOP; công tác quản lý, triển khai chương trình; cách đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP hàng năm...
Chị Lê Thị Hương, chủ cơ sở sản xuất sản phẩm xanh Hương Bột (Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) cho biết, chương trình OCOP đã phát huy lợi thế, thế mạnh của địa phương, đưa nông dân chủ động hội nhập và tiếp cận kinh tế thị trường.
Phát huy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn trên địa bàn thị xã, qua đó góp phần nâng cao chất lượng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Cũng theo chị Hương, các chủ thể sau khi tham gia chương trình OCOP đã dần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của chủ thể đối với sản phẩm do chính mình tạo ra. Xây dựng hình ảnh sản phẩm cả về chất lượng lẫn hình thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo điều kiện lưu thông hàng hóa trên thị trường đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, nhất là các sản phẩn thực phẩm hướng đến sản phẩm an toàn, chất lượng.
Hiện nay, ngoài sản phẩm chủ lực là trà đậu rang mộc, cơ sở sản xuất sản phẩm xanh Hương Bột của chị Hương còn sản xuất ra trà đậu rang các loại, trà sả gừng, bột ngũ cốc dinh dưỡng.
Mỗi tháng chị Hương xuất bán ra thị trường khoảng hơn 200kg sản phẩm trà đậu các loại, với giá bán trung bình từ 150.000 - 160.000 đồng/kg (tùy loại), sau khi trừ các khoản chi phí, chị Hương lãi hơn 20 triệu đồng/tháng.
Được biết, trên địa bàn thị xã Điện Bàn có hàng chục hộ nhờ tham gia sản xuất các sản phẩm đặc trưng gắn sao OCOP đã cho thu nhập ổn định, tiêu biểu như chị Lê Thị Hương (sản phẩm trà đậu rang mộc), bà Trần Thị Thuận (sản phẩm mắm ruốc Hà Quảng, nước mắm Hà Quảng)..., các hộ điển hình trên có mức lãi từ 300-400 triệu đồng/năm.
"Chương trình OCOP đã phần nào khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, hộ kinh doanh phát triển gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển làng nghề, các cơ sở sản xuất các sản phẩm truyền thống dựa trên tài nguyên, bản sắc, sự sáng tạo của người dân địa phương nhằm tăng giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường...", ông Nguyễn Minh Hiếu - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.