Quảng Nam: Làng quê đẹp lên, thu nhập người dân ngày một tăng, Đại Lộc hướng đến huyện nông thôn mới

Trần Hậu - Đoàn Hồng Thứ năm, ngày 12/10/2023 10:00 AM (GMT+7)
Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hoàn thiện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, chất lượng đời sống người dân ngày càng được nâng cao.... Đó là những dấu ấn sau 12 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Bình luận 0

Cơ sở hạ tầng tạo động lực cho Đại Lộc bứt phá

Ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết: "Qua 12 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, Đại Lộc như khoác lên mình "chiếc áo mới" với những thay đổi ấn tượng trên tất cả mọi mặt của đời sống xã hội. Đặc biệt, huyện đã đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh, đây là yếu tố quan trọng nhất để đổi mới bộ mặt nông thôn, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân".

Quảng Nam: Tập trung hoàn thiện hạ tầng - Đại Lộc quyết tâm về đích huyện nông thôn mới - Ảnh 1.

Huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đang tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, quyết tâm cán đích huyện nông thôn mới vào năm 2024. Ảnh: T.H.

Huyện Đại Lộc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, với phương châm nắm từng tiêu chí, chắc từng bước đi. Chú trọng phát huy nội lực của cộng đồng dân cư, vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của, hiến đất, hiến vật kiến trúc, cây cối... để góp phần cùng với Nhà nước thực hiện có hiệu quả công cuộc xây dựng và đổi mới quê hương.

Quảng Nam: Làng quê khởi sắc, thu nhập người dân ngày một tăng - Đại Lộc quyết tâm về đích huyện nông thôn mới - Ảnh 2.

Ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc. Ảnh: T.H.

Hiện nay, toàn huyện có trên 218,753km đường trục xã; 207,203km đường trục thôn và 225,91km đường giao thông nội đồng được xây dựng đạt chuẩn. Đầu tư xây mới 10 trạm bơm điện; sửa chữa, nâng cấp 18 công trình thủy lợi nhỏ; xây dựng 29 công trình điện thủy lợi hóa đất màu; kiên cố hóa 72,4km kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất.

Quảng Nam: Tập trung hoàn thiện hạ tầng - Đại Lộc quyết tâm về đích huyện nông thôn mới - Ảnh 2.

Trường học tại các xã của huyện Đại Lộc được xây dựng khang trang. Ảnh: T.H.

Ông Mẫn cho biết thêm, huyện Đại Lộc có 51/55 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 21 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Các cơ sở vật chất văn hóa như sân vận động, nhà văn hóa, khu thể thao; trạm y tế; chợ dân sinh cũng được quan tâm đầu tư xây dựng và nâng cấp.

Sự đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng nông thôn đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tại các địa phương phát triển, tạo động lực để hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Quảng Nam: Tập trung hoàn thiện hạ tầng - Đại Lộc quyết tâm về đích huyện nông thôn mới - Ảnh 3.

Một góc thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.H.

Thời gian qua, công tác giảm nghèo được huyện Đại Lộc quan tâm thực hiện và mang lại kết quả quan trọng, giúp tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 19,41% năm 2010 xuống còn 1,97% năm 2021 (giảm 17,44%).

Đến nay, huyện Đại Lộc có 13/17 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt 17,82 tiêu chí. Trong đó có xã Đại Hiệp đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2020, xã Đại Quang đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021 và 18 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Dấu ấn từ các mô hình kinh tế mới

Từ một huyện nông nghiệp là chính, đến nay Đại Lộc đã trở thành một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp với các cụm công nghiệp vừa và nhỏ, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn con em địa phương.

Bên cạnh việc quy hoạch và phát triển các cụm công nghiệp, huyện cũng tập trung định vị quy hoạch và phát triển du lịch sinh thái. Với các khu du lịch sinh thái nổi tiếng như: Trà Cân – Đại Hiệp, Vũng Thùng – Đại Nghĩa, Suối Mơ – Đại Đồng, Khe Lim – Đại Hồng, Bằng Am – Đại Hồng, Suối nước khoáng nóng Thái Sơn – Đại Hưng, Hồ chứa nước Khe Tân.

Quảng Nam: Tập trung hoàn thiện hạ tầng - Đại Lộc quyết tâm về đích huyện nông thôn mới - Ảnh 4.

Đại Lộc đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt đem lại thu nhập cao cho người dân. Ảnh: T.H.

Ông Trần Việt Phương – Trưởng phòng NNPTNT huyện Đại Lộc cho biết, thời gian qua Đại Lộc hướng dẫn người dân xây dựng được nhiều mô hình vườn cây ăn quả, nuôi cá nước ngọt, quy hoạch xây dựng vùng sản xuất chuyên canh có giá trị kinh tế cao như: trồng thuốc lá, trồng ớt lai xuất khẩu, trồng đậu xanh giống, rau sạch các loại, trồng chuối liên vườn, sản xuất lúa giống lai F1 và lúa thuần các loại.

Xây dựng được 28 cánh đồng mẫu lớn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ở 14 xã, thị trấn với tổng diện tích trên 1.700ha mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tính đến nay, trên địa bàn huyện có khoảng 25 trang trại quy mô lớn, 80 gia trại sản xuất hàng hóa ổn định ở các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, cũng như trồng trọt. Nhiều mô hình cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại đã giúp nông dân cải thiện thu nhập và tạo sự lan tỏa tích cực trong nhân dân, trở thành điểm đến tham quan, học hỏi hữu ích trong phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.

Quảng Nam: Tập trung hoàn thiện hạ tầng - Đại Lộc quyết tâm về đích huyện nông thôn mới - Ảnh 5.

Mô hình trồng cây ăn quả kết với du lịch sinh thái của hộ ông Nguyễn Tổng ở xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.H.

Ông Phương cho biết thêm, song song với đó, địa phương mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn gắn với nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp; góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông thôn sang phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nông nghiệp, nông thôn.

Sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), Đại Lộc đã có 20 sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Trong đó có 17 sản phẩm đạt 3 sao và 3 sản phẩm đạt 4 sao, tiêu biểu như: Bánh tráng Đại Lộc, Gạo an toàn Ái Nghĩa, Nấm sò Đại Hiệp, Hương trầm không tăm cao cấp Kỳ Nam, Chè Bancha An Bằng, Bột ngũ cốc Hồng An, Dầu phộng Đại Hồng, Khổ qua rừng sấy khô Đại Lộc Phát….

Quảng Nam: Tập trung hoàn thiện hạ tầng - Đại Lộc quyết tâm về đích huyện nông thôn mới - Ảnh 6.

Sản phẩm bột ngũ cốc Hồng An được công nhận OCOP 3 sao năm 2020. Ảnh: T.H.

Với chủ trương không chạy theo số lượng mà tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, huyện Đại Lộc triển khai tập huấn, hướng dẫn cho các chủ thể sản xuất về các nội dung, quy định của Chương trình; hỗ trợ đổi mới bao bì, nhãn mác hàng hóa; các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm; chuyển giao công nghệ, hỗ trợ máy móc sản xuất....

Quảng Nam: Tập trung hoàn thiện hạ tầng - Đại Lộc quyết tâm về đích huyện nông thôn mới - Ảnh 7.

Sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), Đại Lộc đã có 20 sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Ảnh: T.H.

Khi nông sản, đặc sản được công nhận đạt chuẩn OCOP, các ban ngành có liên quan luôn tạo điều kiện thuận lợi để các chủ thể OCOP tham gia nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại trong và ngoài địa phương. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ ngày càng rộng mở, góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Trong thời gian tới, huyện Đại Lộc tiếp tục xây dựng các sản phẩm tiềm năng thành sản phẩm OCOP như: Siro dứa Khe Hoa, Dầu mè Xuân Hương, Bánh tráng sấy Calorifer, Nhang thời gian, Trà linh chi túi lọc, Trống Lâm Yên, Bộ lư thờ bằng gỗ.... Phấn đấu đến cuối năm 2025, có ít nhất 25 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên.

"Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc chủ động, tích cực của người dân, địa phương đang tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực để tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa – xã hội ngày càng văn minh, hiện đại. Định hướng giai đoạn 2023-2025, huyện có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 52 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu và phấn đấu xây dựng huyện Đại Lộc đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2024…", ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem