Ngày 27.2, ông Lê Văn Dũng (45 tuổi, trú thôn Phú Đông, xã Tam Phú) cho biết: “Trước tết, thấy thời tiết nắng ráo và nước mặn về nhiều nên gia đình tôi quyết định dọn hồ thả trước vụ. Tôi thả nuôi 17 vạn tôm giống trên 4 sào diện tích. Chỉ sau 20 ngày thả nuôi, tôm thẻ chân trắng ngắc ngoải, bỏ ăn, dạt vào bờ rồi chết trắng ao nuôi. Hơn 10 triệu đồng đổ xuống nước coi như mất trắng”.
|
Tôm thẻ chân trắng nuôi trước vụ chết hàng loạt ở xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ. |
Tại xã Tam Tiến, huyện Núi Thành - điểm nuôi tôm lớn nhất của huyện Núi Thành, cũng thất bát nặng nề với 10ha tôm nuôi bị chết hoàn toàn.
Ông Phan Thanh Hết (55 tuổi, trú thôn Tân Lập, xã Tam Tiến) than: “Tôi thả hơn 50 vạn tôm thẻ chân trắng, nghĩ là nguồn nước sạch khép kín rất an toàn, tôm sẽ phát triển. Không ngờ sau 1 tháng nuôi, không rõ nguyên nhân gì tôm đột nhiên chết hàng loạt và nổi trắng hồ”.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục phó Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản Quảng Nam, cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành xét nghiệm các mẫu tôm nuôi bị chết, kết quả cho thấy tôm chết là do môi trường nước bị ô nhiễm và vì bệnh đốm trắng”. Bà Tâm nói thêm, tôm chết ở đây là do các chủ hồ làm trái với quy định đưa ra. Quy định nuôi tôm vụ chính bắt đầu từ 1.3 hàng năm. Các chủ hồ tự ý nuôi trái vụ nên dù tôm chết vẫn không được hỗ trợ”.
Bình Định: 27ha tôm nuôi thả trước lịch thời vụ
Ông Võ Đình Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bình Định cũng cho biết, qua kiểm tra, toàn tỉnh có 27ha tôm nuôi thả trước lịch thời vụ, gồm huyện Hoài Nhơn 4,5ha; huyện Phù Mỹ 22,5ha, chiếm 24,9% diện tích tôm vừa thả nuôi. Đáng chú ý là tình hình dịch bệnh đốm trắng đã xảy ra làm thiệt hại 0,1ha tôm nuôi tại xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ).
Nguyễn Quý
Trương Hồng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.