Quảng Nam: Phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị, Điện Bàn bứt phá mạnh mẽ
Quảng Nam: Phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị, Điện Bàn bứt phá mạnh mẽ
Trần Hậu - Đoàn Hồng
Thứ bảy, ngày 04/06/2022 17:31 PM (GMT+7)
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã và đang giúp cho diện mạo nhiều làng quê tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ngày càng khởi sắc, đời sống người dân chuyển biến tích cực.
Ông Nguyễn Minh Hiếu - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, xác định mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu cốt lõi trong xây dựng NTM, do đó Điện Bàn đã tập trung xây các mô hình nông nghiệp mới, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị. Tiêu biểu như mô hình trồng hoa cúc, trồng quất - mai, cây cảnh; mô hình trồng rau thủy canh của HTX Điện Minh 2; mô hình trồng hoa hồng và chế biến các sản phẩm tinh dầu từ hoa hồng phường Điện Nam Trung.
Mô hình trồng rau – dưa lưới VietGap của HTX Đất Phú Tre Việt Gò Nỗi, xã Điện Trung; sản xuất lúa theo hướng hữu cơ của Công ty Cổ phần giống nông nghiệp Điện Bàn; trồng lúa chất lượng cao của HTX Điện Trung; mô hình nuôi cá lồng trên sông tại xã Điện Tiến; nuôi cá leo trong lồng trên sông của xã Điện Phong.
Hay như mô hình khu nuôi bò tập trung ngoài khu dân cư của xã Điện Quang; mô hình nuôi bò 3B các xã Gò Nỗi, Điện Phước, Điện Thọ; mô hình nuôi ốc bưu đen của xã Điện Quang; mô hình trồng vườn cây ăn quả kết hợp với du lịch sinh thái của ông Phan Quang Tám ở xã Điện Phước.
"Diện mạo nông thôn từng bước được thay đổi theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp - thân thiện; hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa; đời sống vật chất - tinh thần ngày càng được nâng cao…", ông Nguyễn Minh Hiếu – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn chia sẻ về dấu ấn sau hơn 10 năm xây dựng NTM.
Nông nghiệp đô thị có chức năng bảo vệ môi trường, điều hòa không khí, do vậy Điện Bàn đã chú trọng phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững, thân thiện với môi trường. Thời gian qua, địa phương đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn; nông nghiệp tạo ra hệ thống cảnh quan như hệ thống cây xanh, công viên, các vành đai xanh đô thị, ao hồ điều hòa….
Những sản phẩm nông nghiệp đô thị đó không chỉ làm mới không gian đô thị mà còn góp phần cải thiện môi trường sống cho cộng đồng cư dân, thúc đẩy phát triển "đô thị sinh thái", "đô thị xanh".
Nông nghiệp đô thị không chỉ bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân thị xã trong bối cảnh đô thị hóa dưới tác động của biến đổi khí hậu mà còn tham gia giải quyết nhiều vấn đề trong tiến trình đô thị hóa. Mặt khác, đây chính là nguồn lực nội tại, là động lực và cũng là hướng phát triển tất yếu của nông nghiệp tại thị xã Điện Bàn.
Nhờ tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp mới gắn với phát triển đô thị, đã giúp cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, cảnh quang môi trường nông thôn ngày càng sáng – xanh - sạch - đẹp.
Đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của 8 xã NTM là 48,8 triệu đồng (tăng 33,38 triệu đồng/người/năm so với năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo của 8 xã còn 1,30%. (tỷ lệ hộ nghèo chung của thị xã là 0,95% và giảm 8,44% so với năm 2011).
Hạ tầng hoàn thiện giúp Điện Bàn nâng tầm nông thôn mới
Ông Hiếu cho biết, năm 2014 Điện Bàn có 3 xã đạt chuẩn NTM là Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong, là 3 trong số 10 xã đầu tiên của tỉnh Quảng Nam cán đích xã NTM. Năm 2015 có 7 xã đạt chuẩn NTM là Điện Phước, Điện Thọ, Điện Hồng, Điện Hoà, Điện Thắng Nam, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Bắc.
Thị xã Điện Bàn được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông NTM 2015 tại Quyết định số 494/QĐ-TTg ngày 29/3/2016. Đặc biệt, trong năm 2015, đầu năm đón nhận Điện Bàn trở thành thị xã, cuối năm đón nhận thị xã Điện Bàn đạt chuẩn NTM. Đến năm 2016 có 3 xã còn lại đạt chuẩn NTM là Điện Minh, Điện Phương, Điện Tiến, và Điện Bàn có 100% các xã đạt chuẩn NTM.
Để đạt thành tựu như ngày hôm nay, Điện Bàn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; sự quản lý, điều hành của chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội từ tỉnh đến cơ sở trong triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM.
Nhờ đó, diện mạo các xã, thôn có nhiều khởi sắc và chuyển biến theo chiều hướng văn minh, cảnh quan nông thôn ngày càng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng tăng lên, chất lượng các phong trào đi vào chiều sâu.
Kết cấu hạ tầng thiết yếu tiếp tục được đầu tư; lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, môi trường có chuyển biến tích cực; hệ thống chính trị được củng cố; an ninh trật tự xã hội cơ bản được giữ vững.
Những năm qua, cùng với tập trung giữ và nâng chuẩn xã NTM, thị xã đã tập trung xây dựng các Khu dân cư NTM kiểu mẫu. Đến cuối năm 2018, thị xã Điện Bàn có 28 thôn được công nhận đạt chuẩn Khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Tuy nhiên, sau khi sắp xếp, sáp nhập thôn theo Nghị quyết số 42/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam, số thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM theo quy định trên địa bàn thị xã giảm còn 15 thôn; theo kế hoạch, 5 xã dọc theo quốc lộ 1A (Điện Phương, Điện Minh, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam và Điện Thắng Bắc) sẽ lên phường vào cuối năm 2022, 8 xã còn lại tiếp tục thực hiện xây dựng NTM.
Đến cuối năm 2021, toàn thị xã Điện Bàn có 44 thôn/62 thôn/8 xã được công nhận đạt chuẩn Khu dân cư NTM kiểu mẫu. Năm 2021, xã Điện Quang được UBND tỉnh công nhận xã NTM nâng cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.