Ngày 10.10, tại thành phố Tam Kỳ, Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam đã tổ chức tập huấn nội dung chu trình OCOP và đánh giá, xếp hạng sản phẩm cho hơn 100 cán bộ chủ chốt của ngành nông nghiệp huyện, thành, thị xã trên địa bàn tỉnh.
Hơn 100 cán bộ ngành nông nghiệp được tập huấn về sản phẩm OCOP
Ông Mai Đình Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam” gọi là OCOP Quảng Nam triển khai trên cơ sở Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam” giai đoạn 2018-2020, phê duyệt tại quyết định 1599 của UBND tỉnh.
“Trọng tâm của chương trình OCOP Quảng Nam phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế trên địa bàn tỉnh Quảng Nam theo chuỗi gia tăng giá trị, do các tổ chức kinh tế OCOP trong tỉnh thực hiện. Các sản phẩm tạo ra từ chương trình khác biệt, đặc thù gắn với những nét truyền thống, tạo lợi thế cạnh tranh khi đi ra thị trường phân phối trong nước và xuất khẩu.
Hiện sản phẩm OCOP của Quảng Nam có tích cực đến cộng động như thực phẩm, đồ uống, dược liệu, vải may mặc, lưu niệm, nội thất, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ du lịch nông thôn” - ông Lợi cho biết.
Sản phẩm OCOP thuộc HTX Nông nghiệp & Dược liệu xanh Tiên Phước
Ông Mai Đình Lợi nói thêm, đề án vạch ra mục tiêu trong giai đoạn 2018-2020 xác định, hoàn thiện/nâng cấp 130 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của các địa phương; Phát triển mới 100 sản phẩm; Phát triển từ 3 - 4 làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia chương trình OCOP; Công nhận/chứng nhận sản phẩm OCOP.
Đặc biệt, có ít nhất 3 sản phẩm được “gắn 5 sao” cấp tỉnh; 1 sản phẩm được “gắn 5 sao” cấp quốc gia.
Đồng thời, phát triển mới và củng cố các tổ chức kinh tế sản xuất-kinh doanh sản phẩm OCOP, có ít nhất 60 tổ chức kinh tế tham gia OCOP Quảng Nam.
Dự kiến tổng kinh phí trong 3 năm (2018-2020) triển khai đề án là hơn 579 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện chương trình OCOP chủ yếu huy động từ doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh là chủ thể của Chương trình OCOP; ngân sách nhà nước đầu tư thực hiện Chương trình OCOP chỉ mang tính chất hỗ trợ từ các nguồn kinh phí sự nghiệp trong dự toán chi ngân sách hằng năm.
“Quan điểm và cách thức triển khai Đề án là Nhà nước ban hành khung pháp lý và cơ chế, chính sách để hỗ trợ thực hiện. Hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đào tạo nguồn nhân lực. Cộng đồng dân cư (bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, THT, hộ sản xuất tham gia đầu tư sản xuất các sản phẩm trên địa bàn tỉnh) chủ động tổ chức triển khai thực hiện” - ông Lợi nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.